6. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Vài nét về khách thể nghiên cứu
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên tiền thân là trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, trường được thành lập ngày 18/07/1966 theo quyết định số 127/CP của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Trải qua 47 năm xây dựng và trưởng thành, trường không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Sứ mạng của trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên được xác định rõ ràng, xuyên suốt qua các giai đoạn phát triển của trường gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước: “Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên là cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ Cao đẳng, Đại học, Sau đại học có chất lượng cao; triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội – Nhân văn, Khoa học giáo dục; phục vụ đắc lực sự nghiệp giáo dục của cả nước, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam”.
Sinh viên ĐHSP – ĐHTN cũng như sinh viên cả nước đang trong giai đoạn học nghề - nghề sư phạm. Hoạt động của sinh viên rất phong phú, phức tạp và nhiều mặt thực hiện theo mục đích hoạt động của nhà trường sư phạm bậc Đại học và mục đích tự giáo dục, tự rèn luyện của sinh viên. Trong đó hoạt động học tập, nghiên cứu, học nghề là chủ đạo.
Sinh viên ĐHSP – ĐHTN bao gồm con em thuộc nhiều dân tộc khác nhau chủ yếu đến từ các tỉnh miền núi, được đào tạo ở cả hệ chính quy, hệ cử tuyển, hệ tại chức... Họ là những con người nhiệt huyết tràn đầy sức trẻ, luôn ấp ủ những ước mơ, hoài bão cao đẹp. Họ không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện để trau dồi phẩm chất đạo đức cũng như năng lực của người giáo viên tương lai. Họ học tập với lý tưởng đem sức mình cống hiến cho sự
nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Để làm được điều đó thì khi còn học tập nghiên cứu tại trường, ngoài việc học tập tốt nội dung chương trình đào tạo, sinh viên còn phải rèn luyện thật tốt và tuân thủ đầy đủ quy chế học tập cũng như quy chế thi cử của nhà trường.
Thực tế cho thấy, ở trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên vẫn còn xảy ra tình trạng sinh viên vi phạm quy chế thi làm ảnh hưởng không tốt đến việc học tập, nghiên cứu của sinh viên cũng như ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cán bộ, giáo viên của nhà trường.
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi đã tiến hành điều tra 150 sinh viên thuộc ba khoa: Khoa Toán, khoa Ngữ văn và khoa Tâm lý – Giáo dục, cụ thể: 50 sinh viên lớp ToánB K46, 50 sinh viên lớp Văn A K46 và 50 sinh viên lớp TLGD K46.