Theo nghiên cứu (Bảng 3.3), nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất gây hẹp niệu đạo là chấn thương niệu đạo (50 %) trong đó. Gãy xương chậu chiếm tỷ lệ 46,67% và theo nghiên cứu của Nguyễn Tiến Đệ (2006) chỉ có 5,1% [5]. Thường do bệnh nhân bị vật rắn đập trực tiếp vào niệu đạo trước hay do bệnh nhân trượt ngã xoạc chân làm tầng sinh môn bị giập giữa vật cứng và bờ dưới xương mu gây tổn thương niệu đạo sau. Trong 8 trường hợp do chấn thương niệu đạo đơn thuần có 5 trường hợp hẹp niệu đạo trước và 3 trường hợp hẹp niệu đạo sau còn do gãy xương chậu thì 100% bị hẹp niệu đạo sau. So với
nghiên cứu của Nguyễn Tiến Đệ (2006) tỷ lệ nguyên nhân này chiếm khoảng 67,86% [5].
Nguyên nhân gây bệnh đứng hàng thứ 2 là sau điều trị các bệnh lý như bóp sỏi bàng quang nội soi hay lấy sỏi niệu đạo kẹt hay sau phẫu thuật u xơ tiền liệt tuyến. Theo nghiên cứu của Nielsen Jorgen Nordling (1990) nguyên nhân này chiếm tỷ lệ từ 16,5% đến 22% [25].
Đặt sonde tiểu dài ngày là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây hẹp niệu đạo chiếm tỷ lệ 20% . Theo Nguyễn Bửu Triều biến chứng này là do sự thiếu quan tâm trong các biện pháp hồi sức nội ngoại khoa [14]. Hẹp niệu đạo được hình thành là do hậu quả của sự phối hợp giữa sang chấn trực tiếp niêm mạc niệu đạo và sự thiếu máu tại chỗ khi đặt ống thông tiểu không đúng kích cỡ dài ngày và tình trạng suy nhược của cơ thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình viêm nhiễm gây xơ hẹp niệu đạo [14].
Nhiễm trùng đường tiểu gây ra hẹp niệu đạo chiếm tỷ lệ 6,68 % gặp ở những bệnh nhân thường xuyên có những đợt viêm nhiễm niệu đạo bàng quang với triệu chứng như tiểu khó, tiểu rát buốt, tiểu rắt… nguyên nhân của tình trạng này là do tình trạng vệ sinh chưa tốt hay do nhiễm các loại vi trùng như lậu hay nấm candida albican. Theo nghiên cứu của Chan Kwong Leung ( 1985 ) thì tỷ lệ này chiếm 2% chủ yếu do các bệnh hoa liễu [18].
Như vậy ta thấy rằng nguyên nhân gây hẹp niệu đạo rất đa dạng. Do bất cứ nguyên nhân gì thì hẹp niệu đạo cũng thường kèm theo tình trạng viêm nhiễm tại chỗ và các cơ quan phía trên [15]. Kết quả nghiên cứu này có khác hơn so với nghiên cứu của các tác giả khác là do có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguyên nhân gây bệnh như môi trường sống, điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện y tế … khác nhau.
4.1.4. Tiền sử bệnh
4.1.4.1. Thời gian xuất hiện triệu chứng lâm sàng
Thời gian kể từ khi có nguyên nhân tác động đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên thay đổi tùy theo từng bệnh nhân có bệnh nhân xuất hiện rất sớm chỉ sau 1 ngày rút sonde tiểu do bị gãy xương chậu và được đặt Tuteur niệu đạo, có bệnh nhân xuất hiện triệu chứng muộn hơn nhưng nhìn chung thời gian xuất hiện triệu chứng của bệnh dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ 60% và trên 3 tháng chiếm tỷ lệ 40% trong tổng số 30 bệnh nhân nghiên cứu (Bảng 3.4). 3 tháng là khoảng thời gian để biểu mô niêm mạc niệu đạo tái tạo lại cấu trúc hoàn toàn, nếu di chứng hẹp niệu đạo xảy ra trước 3 tháng thì nguy cơ tái phát bệnh rất cao.