Trong số 30 bệnh nhân vào viện thì có 18 bệnh nhân đã từng điều trị hẹp niệu đạo trước đây chiếm tỷ lệ 60%. Trong đó đã từng điều trị nội soi cắt trong niệu đạo có 6 bệnh nhân, được chẩn đoán hẹp niệu đạo và được dẫn lưu bàng quang trên xương mu có 7 bệnh nhân, nong niệu đạo có 3 bệnh nhân, phẫu thuật tạo hình niệu đạo có 2 bệnh nhân, số bệnh nhân còn lại chưa từng được điều trị lần nào cho đến lúc nhập viện (Bảng 3.5). Có bệnh nhân đã chịu đựng tình trạng tiểu khó gần 30 năm đến khi bí tiểu mới nhập viện điều trị trong khi đó có bệnh nhân được nong niệu đạo liên tục trong vòng 25 năm. Hầu hết tình trạng bệnh kéo dài là do điều kiện kinh tế của bệnh nhân khó khăn nên cố gắng chịu đựng hay chỉ điều trị hỗ trợ chứ không có điều kiện nhập viện điều trị. Các bệnh nhân đã được phẫu thuật tạo hình niệu đạo hay phẫu thuật cắt trong niệu đạo nhưng sau đó bệnh vẫn tái phát chứng tỏ hẹp niệu đạo là bệnh lý có tỷ lệ tái phát cao.
4.2. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG4.2.1. Lý do vào viện 4.2.1. Lý do vào viện
Lúc mới vào viện các bệnh nhân còn đi tiểu được được ghi nhận về cảm giác chủ quan khi đi tiểu. Kết quả hầu hết các bệnh nhân đều trong tình trạng tiểu khó với tia tiểu yếu (69,57%), tiểu nhỏ giọt (17,39%) và bí tiểu cấp chiếm tỷ lệ 13,04% (Bảng 3.6). Tiểu nhỏ giọt trong các trường hợp khảo sát thường do hẹp trên 1cm hay hẹp nhiều vị trí. Tình trạng tiểu khó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đây chính là lý do chính để bệnh nhân đi khám và điều trị.
4.2.2. Triệu chứng cơ năng
Niệu đạo giống như ống nước tưới cây, khi có một chỗ bị xoắn, bị tắc hay bị hẹp dù là ngắn hay dài đều có thể làm giảm dòng chảy. Khi chỗ hẹp đủ để làm giảm tốc độ dòng tiểu thì bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng lâm sàng [15].
Qua bảng 3.7 tôi thấy rằng: số bệnh nhân bị rối loạn tiểu tiện chiếm tỷ lệ cao nhất là 66,67% với các triệu chứng tiểu khó, tia tiểu yếu, tiểu nhỏ giọt, tiểu nhiều lần và cảm giác tiểu không hết sau đi tiểu. Có 3 bệnh nhân vào viện với triệu chứng bí tiểu cấp chiếm tỷ lệ 10% với cầu bàng quang căng. Trong 23 bệnh nhân còn đi tiểu được bằng đường tự nhiên có 3 bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu với tiểu buốt, tiểu rát, nước tiểu đục chiếm tỷ lệ 10%. Như vậy qua nghiên cứu tôi thấy rằng rối loạn tiểu tiện là tình trạng thường gặp nhất ở bệnh nhân hẹp niệu đạo và bí tiểu cấp chiếm tỷ lệ thấp. Theo nghiên cứu của Chan Kwong Leung (1985) cho thấy tỷ lệ rối loạn tiểu tiện chiếm 80% và 13,3% là nhiễm trùng đường tiểu [18].
Như vậy qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng rối loạn tiểu tiện là triệu chứng thường gặp nhất của hẹp niệu đạo.
Theo Nielssen K.K ( 1990 ) cho rằng có đến 50% bệnh nhân mặc dù mức độ hẹp ít nhưng vẫn biểu hiện đủ các triệu chứng lâm sàng trong khi đó 35% bệnh nhân hẹp niệu đạo nhiều hơn mà không có biểu hiện lâm sàng [25].