Vị trí của tác phẩm “Chí Phèo” và “Đời thừa” trong sự nghiệp văn

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học hai tác phẩm Chí Phèo và Đời thừa của Nam Cao từ hướng tiếp cận phong cách nghệ thuật của nhà văn (Trang 37 - 41)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Vị trí của tác phẩm “Chí Phèo” và “Đời thừa” trong sự nghiệp văn

học của Nam Cao

Nam Cao là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Sáng tác của ông tập trung chủ yếu vào hai mảng đề tài: người nông dân và người trí thức nghèo, hướng ngòi bút của mình vào những người nông dân nghèo khổ, cùng cực, bị đày đọa, chà đạp và những người trí thức nghèo có tài năng, hoài bão song lại bị gánh nặng áo cơm ghì sát đất phải sống kiếp “sống mòn”, “đời thừa” đầy bế tắc. Nếu “Đời thừa” là tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao viết về người trí thức theo kiểu kết cấu mới với kiểu diễn biến tâm lý và một giọng điệu trữ tình khác biệt thì “Chí Phèo” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Nam Cao viết về đề tài người nông dân. Tên tuổi của Nam Cao gắn liền với truyện ngắn

“Chí Phèo” – tác phẩm nổi bật nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của

Nam Cao, được coi là cột mốc đánh dấu bước phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trước 1945, và được đánh giá là kiệt tác bất hủ của nền văn học dân tộc.

Nam Cao viết văn từ năm 1936, lúc đầu không chỉ viết truyện mà còn làm thơ, soạn kịch. Từ 1941, với “Chí Phèo”, nhà văn mới thực sự chứng tỏ được tài năng độc đáo và xác định được hướng đi cho ngòi bút của mình. Đây là một kiệt tác của nền văn học hiện thực phê phán nhưng khi mới ra đời tác phẩm chưa được nhìn nhận, đánh giá cao. Người đọc cũng như giới phê bình văn học chưa nhìn nhận đúng ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm, chưa thấy được chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút Nam Cao. Lúc đầu nhà văn đặt tên truyện

đổi tên là “Đôi lứa xứng đôi” nhằm thu hút sự chú ý của độc giả, Đến khi in lại trong tập “Luống cày” (Hội văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), Nam Cao đặt lại tên là “Chí Phèo”. Trong lời “Tựa Đôi lứa xứng đôi” (NXB Đời mới, 1941) Lê Văn Trương tỏ ra thích thú với “lối văn mới” của Nam Cao mà không quan tâm đến ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm. Ông viết: “Giữa lúc người ta đang đắm mình trong những truyện tình mơ mộng và hùa nhau “phục sự” cái thị hiếu tầm thường của độc giả, ông Nam Cao đã mạnh bạo đi theo lối riêng, nghĩa là ông không thèm đếm sỉa đến cái sở thích của độc giả. Những cạnh tài của ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới, sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình, ở thiên

chức của mình”.

Sau cách mạng tháng tám người ta mới nhìn nhận, đánh giá đúng về giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm “Chí Phèo”, xuất hiện nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về “Chí Phèo” ở nhiều phương diện, nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Trong bài Nam Cao, in trên tạp chí Văn nghệ tháng 12/1952, in lại trong “Mấy vấn đề văn học”, NXB Văn nghệ, H, 1956, Nguyễn Đình Thi đã có những ý kiến xác đáng khi nói về tác phẩm “Chí

Phèo”: “Trong nền văn học hiện thực đang tìm đường và đang chiến đấu với

các xu hướng phản động lúc bấy giờ, thiên truyện “Chí Phèo” của Nam Cao nổi bật lên, thật xuất sắc”.

Trong bài Qua truyện ngắn của Chí Phèo bàn thêm về cái nhìn hiện

thực của Nam Cao (Tạp chí văn học số 4/1946) nhà nghiên cứu Trần Tuấn Lộ

cho rằng: “Ra đời năm 1941 truyện ngắn“Chí Phèo”của Nam Cao đã khẳng định ngay từ đầu sự hình thành của một phong cách mới, vững vàng và sắc sảo. Có thể nói trong toàn bộ những sáng tác của Nam Cao trước cách mạng tháng tám về đề tài nông dân, “Chí Phèo” là một thành tựu đặc biệt, tiếp tục truyền thống của những tác phẩm hiện thực trước đó như “ Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan…”

Trong bài Phong cách truyện ngắn Nam Cao (in trong Nam Cao về tác gia và tác phẩm ) Vũ Tuấn Anh đánh giá: “Truyện ngắn “Chí Phèo” như một thứ quả lạ của một phong cách đã chín ngay từ đầu. Ở nó đã hình thành đầy đủ những tố chất làm nên phong cách Nam Cao. Nó mang hạt giống cho những gì nảy nở tiếp trong những truyện ngắn sau. Truyện ngắn sau này của Nam Cao, dù rất phong phú, đa dạng, vẫn nằm dưới bóng của “Chí Phèo”, trong các phạm vi khám phá nghệ thuật mà “Chí Phèo” đạt đến” [36, tr. 364].

Chí Phèo” là một tác phẩm giàu giá trị hiện thực và nhân đạo. Cũng viết về người nông dân nhưng trong tác phẩm này Nam Cao không đề cập đến nỗi khổ về vật chất mà đi sâu vào nỗi đau về phương diện tinh thần. Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo - một mẫu hình mới về người nông dân bị biến chất, Nam Cao bày tỏ sự cảm thông, thương xót trước tình trạng những người dân hiền lành, lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Đồng thời lên án xã hội bất công, phi nhân tính đã chà đạp, hủy hoại nhân phẩm con người. “Chí Phèo” là tiếng kêu cứu: hãy giữ lấy bản tính lương thiện của con người.

“Chí Phèo” là tác phẩm kết tinh tài năng của Nam Cao ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Về nghệ thuật, nét độc đáo, đặc sắc của truyện ngắn này thể hiện ở ngôn ngữ người kể chuyện, kiểu xây dựng nhân vật, kết cấu, giọng điệu.

Trong mảng sáng tác về đề tài tiểu tư sản của Nam Cao, “Đời thừa” có một vị trí đặc biệt. Truyện ngắn “Đời thừa” ra mắt bạn đọc lần đầu tiên trong

“Trang tiểu thuyết số 7” số ra ngày 4/3/1943. Tác phẩm cùng đề tài này có

“Mực mài nước mắt” của Lan Khai, “Nợ văn” của Lãng Tử, “Đời thừa” còn

gần gũi về đề tài với một số tác phẩm của Nam Cao như “Giăng sáng”,

“Nước mắt” và tiểu thuyết “Sống mòn”. Qua tác phẩm Nam Cao đã miêu tả

thành công tâm trạng của một người trí thức tiểu tư sản trước cách mạng. Cũng như tiểu thuyết “Sống mòn”, “Đời thừa” là sự tổng hợp của ngòi bút

Nam Cao trong đề tài tiểu tư sản, là tác phẩm thể hiện khá hoàn chỉnh tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Trong khi dựng lại chân thật cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của người trí thức nghèo, ngòi bút Nam Cao đã tập trung xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần của họ, qua đó đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội và triết học sâu sắc. Đó không chỉ là sự cảm thông, thương xót với những con người có ước mơ, hoài bão cao đẹp nhưng bị hiện thực xã hội với gánh nặng áo cơm vùi dập, lâm vào cảnh bế tắc trở thành những mảnh “đời thừa”, những kiếp “sống mòn”, là lời kết án đanh thép xã hội phi nhân tính bóp nghẹt ước mơ, khát vọng của con người mà còn đề cập tới vấn đề cá nhân, nói lên yêu cầu được khẳng định và phát triển của cá nhân một cách đúng đắn và tiến bộ. Nếu như ý thức cá nhân trong văn học lãng mạn là sự khẳng định của cái tôi đối lập với hiện thực xã hội thì ở Nam Cao, yêu cầu khẳng định và phát triển cá nhân luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, hướng theo lí tưởng nhân đạo tiến bộ. Hoài bão cá nhân mà Hộ say mê đạt tới để tự khẳng định trước cuộc đời là một sự nghiệp văn chương, nhưng là thứ văn chương chân chính, mang tinh thần nhân đạo cao đẹp. Qua nhân vật Hộ, Nam Cao đã thể hiện quan điểm nghệ thuật đúng đắn, tiến bộ của mình.

Khác với Chí Phèo, xây dựng nhân vật Hộ, Nam Cao không quan tâm đến việc khắc họa tính cách bằng những nét cá tính độc đáo gây ấn tượng mạnh. Ông tập trung đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật và làm nổi bật tấn bi kịch tinh thần của Hộ, qua đó ta thấy được tài năng bậc thầy của Nam Cao trong việc miêu tả, phân tích diễn biến tâm lý nhân vật.

2.1.2. Vị trí của tác phẩm “Chí Phèo” và “ Đời thừa” của Nam Cao ở trường THPT trường THPT

Nam Cao xuất hiện trong chương trình phổ thông với tư cách là tác gia, được khẳng định là một trong số ít những gương mặt nổi bật của văn xuôi hiện đại, là cây bút tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất của văn học hiện thực phê phán Việt Nam (1930 - 1945). Thời gian sáng tác không nhiều, số lượng tác phẩm để lại không nhiều nhưng chúng đã thực sự trở thành mẫu số vĩnh hằng

trong nền văn học dân tộc. Nhiều tác phẩm của Nam Cao đã trở thành những kiệt tác. “Chí Phèo”“ Đời thừa” là những tác phẩm tiêu biểu nhất kết tinh giá trị hiện thực và nhân đạo trong ngòi bút Nam Cao. Nếu như “Chí Phèo”

là tác phẩm xuất sắc nhất về đề tài người nông dân thì “Đời thừa” lại khẳng định tài năng, phong cách độc đáo của Nam Cao ở mảng đề tài người trí thức nghèo. Trải qua nhiều lần thay sách, đến nay những tác phẩm này vẫn tiếp tục được đưa vào chương trình phổ thông với thời lượng hai tiết dạy cho mỗi truyện. Cả “Chí Phèo” và “Đời thừa” đều là những truyện ngắn đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn chứa đựng những giá trị sâu sắc cả về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn đối với cả giáo viên và học sinh. Song việc dạy học hai tác phẩm này vẫn còn nhiều khó khăn và chưa thực sự đạt hiệu quả. Do thời lượng dành cho dạy học mỗi tác phẩm này trên lớp chỉ có hai tiết, trong khi nội dung chuyển tải của tác phẩm là rất nhiều nên việc tìm hiểu, phân tích tác phẩm của giáo viên và học sinh mới chỉ dừng lại ở bề ngoài, chứ chưa khám phá hết những đặc sắc về giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm. Chính vì vậy Nam Cao và những tác phẩm của ông luôn là mối quan tâm trăn trở của nhiều giáo viên dạy văn và học sinh. Trong mấy chục năm qua đã có nhiều nhà phương pháp, nhiều thầy cô giáo tâm huyết đã mở ra nhiều hướng tiếp cận, nhằm tìm ra hướng dạy, phương pháp, biện pháp dạy học tác phẩm của Nam Cao ở trường phổ thông sao cho đạt hiệu quả cao nhất, nhằm nâng cao chất lượng dạy học văn ở trường trung học phổ thông trong giai đoạn hiện nay.

2.2. Thực trạng dạy học tác phẩm “Chí Phèo” và “Đời thừa” của Nam Cao ở trƣờng trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học hai tác phẩm Chí Phèo và Đời thừa của Nam Cao từ hướng tiếp cận phong cách nghệ thuật của nhà văn (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)