Nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của quá trình cải thiện môi trường đầu tư tới FDI giai đoạn 1988 - 2008 (Trang 46 - 49)

Sau 2 năm gia nhập WTO, số lao động có việc làm tăng chậm khoảng 2,3% và thấp hơn 2% so với năm 2007. Tình trạng thất nghiệp của lực lượng lao động ở khu vực thành thị mặc dù được cải thiện trong năm 2007, nhưng đến cuối năm 2008, số lao động mất việc làm tại các thành phố lớn và một số khu công nghiệp trong quý IV/2008 đã lên tới 30.000 - 40.000 người.

Thực tế, không có điều khoản nào của WTO yêu cầu chúng ta phải mở cửa thị trường lao động, song lao động nước ngoài có thể vào làm việc tại nước ta từ các gói dịch vụ do nước ngoài cung cấp. Để hạn chế luồng lao động từ nước ngoài, cách tốt nhất cần thực hiện là nâng cao chất lượng lao động để lao động bản xứ có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ. Khi đó, thay vì đưa lao động từ nước ngoài vào làm việc, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tuyển lao động bản xứ để tiết kiệm chi phí. Để cải thiện dần chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra một kế hoạch tổng thể nhằm đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 40% vào năm 2010. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là dạy nghề cho lực lượng lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hệ thống trường đào tạo nghề sẽ được đầu tư nâng cấp dần lên ngang tầm với khu vực và thế giới. Dự kiến, sẽ có 25 trường đào tạo nghề và 10 trung tâm đào tạo được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Ngoài ra, 30 trường trọng điểm và khoảng 100 trung tâm dạy nghề của cả nước cũng sẽ được đầu tư nâng cấp. Hoàn thiện hệ thống giao dịch của thị trường lao động bằng cách, quy hoạch và phát triển rộng khắp các cơ sở giới thiệu việc làm ở các địa phương để người lao động dễ tiếp cận, đầu tư hiện đại hóa 3 trung tâm ở 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam) đạt tiêu chuẩn các nước trong khu vực, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại (internet, website) để thực hiện giao dịch lành mạnh, hiệu quả và chuyên nghiệp, chống tiêu cực, nhất là lừa đảo người lao động. Đa dạng hóa các kênh giao dịch trên thị trường lao động, tạo điều kiện cho các giao dịch trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Hình thành và hoàn thiện hệ

thống thông tin thị trường lao động quốc gia và nối mạng, trước hết ở các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, cho xuất khẩu lao động; xây dựng các trạm quan sát thông tin thị trường lao động trên địa bàn cả nước để thu thập và phổ biến thông tin thị trường lao động đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là, bên cạnh việc đầu tư cho các trường đào tạo nghề, cần đưa các chương trình dạy nghề có tính thực hành cao hơn, học sinh được nắm bắt kịp thời với công nghệ hiện đại. Hơn nữa, cần có chính sách cụ thể để đào tạo đội ngũ lao động quản lý có hàm lượng chất xám cao song song với các chương trình đào tạo lao động đại trà.

2.1.2.4. Yếu tố kinh tế.

Việc gia nhập WTO là một dấu mốc quan trọng, là thành công lớn của nước ta, cho phép đưa nền kinh tế tiếp cận với nhiều lợi ích, đối tác và là cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cũng như hội nhập toàn diện với đời sống kinh tế thế giới. Trong đó, tác động mạnh nhất, lớn nhất thuộc lĩnh vực kinh tế đối ngoại như xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN)…

Cụ thể, năm 2007, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 48,6 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2006, năm 2008, KNXK đạt gần 63 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Đặc biệt, Việt Nam đã có được uy tín mới, với sức hấp dẫn do vị thế là thành viên WTO mang lại, khiến dòng vốn ĐTNN "chảy" vào rất mạnh, qua con số hơn 60 tỷ USD trong năm 2008. Giới đầu tư quốc tế khẳng định Việt Nam là địa chỉ đầu tư tin cậy, là nơi gửi gắm dòng vốn trung và dài hạn... Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc đều thể hiện quan điểm, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện các dự án ở Việt Nam, đánh giá Việt Nam là địa bàn hấp dẫn hàng đầu ở khu vực châu Á.

Trên thực tế, vốn ĐTNN thực hiện năm 2007 đạt gần 8 tỷ USD, năm 2008 đạt gần 11,5 tỷ USD, đó là một kênh cấp vốn quan trọng, trực tiếp thúc đẩy phát triển KT-XH cũng như xóa đói giảm nghèo, gia tăng quy mô và sức hấp dẫn của nền kinh tế. Việc giải ngân vốn ĐTNN tăng chứng tỏ nhà đầu tư tin tưởng làm ăn lâu dài và quyết tâm đẩy nhanh quá trình triển khai từng dự án cụ thể tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số hoạt động quan trọng khác, có liên quan tới hoạt động thương mại và đầu tư như du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải cũng có bước phát triển mạnh so với thời kỳ trước khi gia nhập WTO. Đáng chú ý là hàng loạt khu đô thị, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp mang đẳng cấp quốc tế đã và đang hình thành, tạo ra cơ sở cho tiến trình CNH-HĐH trên phạm vi cả nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, thông qua hội nhập, các nguồn lực kinh tế được huy động, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả hơn. Một hiệu ứng tích cực đã diễn ra ngay từ năm 2007 khi tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 8,5% và con số này vẫn đạt 6,2% vào năm 2008 trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi do cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Gia nhập thành viên WTO đã giúp DN trong nước có chỗ đứng ngang bằng với đối tác trên thế giới, cho phép DN rút ngắn khoảng cách phát triển, nhất là tăng khả năng chống đỡ trước những hàng rào thương mại. Đây là thay đổi cơ bản, có giá trị thực tiễn rất lớn, bởi nó dẫn đến hiệu ứng khuyến khích cộng đồng DN tăng cường đầu tư, thay đổi công nghệ nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh XK. Từ đó, nền kinh tế được bổ sung thêm những năng lực sản xuất mới và cải thiện một bước về sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Điều này cũng lý giải vì sao một số tổ chức quốc tế đánh giá, đây là sự thay đổi và tác động rất tích cực mang tên "niềm tin mới". Cũng nhờ "bùng nổ" đầu tư và XK, nên hoạt động hợp tác, giao lưu giữa các tổ chức, DN trong nước với đối tác quốc tế cũng diễn ra khá đa dạng, tạo cơ hội cho sự tiếp nhận công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại, tạo ra lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao theo hướng chuyên nghiệp; từ đó, nền kinh tế được bổ sung những "tài nguyên mềm"...

Tóm lại, việc gia nhập WTO cũng giúp Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách kịp thời nhận diện một số tồn tại của nền kinh tế được gọi là những "nút thắt" sau 2 năm cọ xát trong môi trường mới. Đó là sự bất cập, "vênh" về pháp luật, cơ chế của ta so với các quy định của WTO. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp với cam kết hội nhập và chuẩn mực kinh tế thị trường. Vai trò, ý nghĩa của các luật còn thấp do luôn phải chờ hướng dẫn của các nghị định, thông tư, dẫn đến luật thiếu hiệu lực, chậm đi vào cuộc sống...

cản trở sự vận hành của các hoạt động KT-XH. Chất lượng nguồn nhân lực cũng bộc lộ nhiều yếu kém, với sự hụt hẫng về kỹ năng lao động, nhất là thiếu chuyên gia, thợ lành nghề, làm giảm tiến độ triển khai các dự án công nghệ cao của DN ĐTNN. Sự thiếu hụt, yếu kém, của hệ thống kết cấu hạ tầng đã gây ra nỗi lo ngại triền miên của giới đầu tư, thậm chí gây thiệt hại cho họ về chi phí và thời gian, làm đội giá sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, đã có những cơ hội để cải thiện tình hình này khi một số dự án hạ tầng quy mô lớn đang trong giai đoạn hoàn thiện nghiên cứu để triển khai như đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường Hà Nội-Thái Nguyên, các dự án nâng cấp và mở rộng sân bay, cảng biển trên phạm vi cả nước…

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của quá trình cải thiện môi trường đầu tư tới FDI giai đoạn 1988 - 2008 (Trang 46 - 49)