Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11-1-2007 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập
kinh tế quốc tế của nước ta. Những thành tựu đạt được trong hai năm qua cho thấy, việc Việt Nam tham gia vào WTO là phù hợp với thực tế khách quan và xu thế hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc trên thế giới hiện nay. Trên tinh thần chủ động hội nhập, cùng với việc tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), Thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc... thực hiện các thỏa thuận song phương như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện với Nhật Bản, tham gia các diễn đàn hợp tác kinh tế liên khu vực ASEM, APEC, Việt Nam đã thật sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Ngay sau khi gia nhập WTO, chúng ta cũng đã bắt tay vào xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 5-2-2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/T.Ư về "Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO". Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng đã ban hành các Chương trình hành động theo các định hướng lớn của Ðảng.
Ðể thực hiện nghĩa vụ thành viên WTO, Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn, ban hành nhiều luật và các văn bản dưới luật để thực hiện các cam kết đa phương, mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ trong nước nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập.
- Chính sách quản lý ngoại hối: Việt Nam có quy định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra khỏi nước sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nước chủ nhà. Ngày 26.06.2008 Thống đốc Ngân hàng nhà nước ký quyết định số 1436/QĐ-NHNN về ban hành một số quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối nhằm bình ổn tỷ giá ngoại tệ trên thị trường.
- Quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài: Trong thực tế hoạt động kinh doanh, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã phân cấp quản lý là phân cấp triệt để. Chính phủ chủ trương toàn bộ cấp giấy phép đầu tư được đưa về các địa phương và các địa phương đã có
xử lý kịp thời. Chính điều này tạo tính cạnh tranh giữa các địa phương. Cùng điều kiện như nhau, nơi nào có thủ tục hành chính tốt nhất thì nhà đầu tư sẽ lựa chọn. Thẩm định dự án đầu tư được xem xét theo mọi khía cạnh tài chính, kinh tế xã hội, đánh giá tác động môi trường. Các nhà đầu tư nước ngoài đều phải xin giấy chứng nhận đầu tư khi tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Đối với những dự án có vốn đầu tư từ 300 tỷ trở lên và thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện đều cần phải tiến hành thẩm tra đầu tư. Hiện nay với việc thực hiện cơ chế một cửa thực sư là một bước đột phá trong cải cách hành chính, tạo tính minh bạch trong thủ tục này. Mặt khác, tăng cường dấu thầu trong các dự án thay vì cơ chế phân bổ xin cho trước đây là những cải cách rất tích cực, giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.
Thêm vào đó, chính phủ luôn tiếp tục nỗ lực tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, cởi mở, thông thoáng hơn. Các Bộ ngành, địa phương đang thực hiện các giải pháp chỉ đạo hữu hiệu của Thủ Tướng chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững. Bộ Kế hoạch – Đầu tư thành lập 11 đoàn công tác các địa phương thực hiện việc điều hành Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và các chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng thời triển khai đề án thúc đẩy giải ngân vốn FDI, lập đoàn kiểm tra việc đầu tư, quy hoạch sân golf. Theo công văn số 3340/BKH-ĐTNN ngày 9.5.2008 và công văn số 145/ĐTNN-DV ngày 15.05.2008 đề nghị tất cả các đầu mối quản lý nước ngoài tại 64 tỉnh thành rà soát tình hình giải ngân, so sánh với tiến độ cam kết, đề xuất giải pháp thúc đẩy và đề nghị hỗ trợ từ trung ương. Bộ Xây Dựng có văn bản cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh giá nguyên vật liệu và hợp đồng từ hình thức trọn gói sang hình thức hợp đồng đơn giá.
Khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam phải chuyển mình để dần dần thích nghi với môi trường cạnh tranh khốc liệt. Đó cũng là tác nhân đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành một hệ thống pháp luật đổi mới và phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, bắt đầu bằng chương trình hành động để nền kinh tế phát triển bền vững khi gia nhập WTO. Chính phủ đã lập Ban Hỗ trợ kỹ thuật WTO, nhưng công tác triển khai cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Sau hai năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện tương đối đầy đủ các cam kết của mình. Tất cả các luật và pháp lệnh cam kết đã hoàn tất, chỉ còn một số văn bản dưới luật đang hoàn thiện. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ thương mại Lương Văn Tự, cho đến nay, Việt Nam không có vi phạm vê thực hiện cam kết WTO. Tuy nhiên, Việt Nam mới bắt đầu triển khai thực hiện cam kết; việc cắt giảm thuế, mở cửa thị trường là phải theo lộ trình và kết thúc vào 7 năm sau gia nhập. Môi trường pháp lý Việt Nam cũng có sự thay đổi. Khoảng 30 luật và pháp lệnh đã được sửa đổi cho phù hợp với các nguyên tắc và qui định của WTO. Đó là nền tảng để thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài. Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hệ thống luật pháp vẫn còn tồn tại những hạn chế. Trước hết phải nhận thấy rằng chính sách của Việt Nam đúng đắn nhưng quá trính thực hiện chưa thống nhất. Quy định về thủ tục còn rườm rà, quy định của địa phương hay các quy định có tính vi mô hơn, nhiều bất cập, chồng chéo hoặc không rõ ràng tạo khó khăn nhất định cho doanh nghiệp. Thời gian chuyển giao công nghệ không nên quy định quá cứng nhắc. Theo luật quy định là 7 năm song có những công nghệ chỉ 1 năm là hoàn thành chuyển giao và cũng có công nghệ cần thời gian hơn 7 năm.Việc phân cấp quản lý, cấp giấy phép đầu tư đưa về các địa phương tạo tính cạnh tranh giữa các địa phương cũng thể hiện mặt trái của nó. Cùng điều kiện như nhau nhưng chủ đầu tư sẽ lựa chọn nơi nào có nhiều thuận lợi hơn. Chính vì vậy,các địa phương thay nhau đưa ra các ưu đãi thu hút đầu tư không hợp lý, cấp phép đầu tư tràn lan.
Một trong những hạn chế chủ yếu làm mất dần lợi thế cạnh tranh trong môi trường đầu tư của Việt Nam chính là mức thuế chưa hợp lý, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và làm mất dần đi nhiều ưu đãi đầu tư như ưu đãi về thuế đất, giải phóng mặt bằng, nỗ lực xúc tiến thương mại tại các địa phương. Mức thuế hiện nay tại Việt Nam được coi là cao nhất trong khu vực làm nản lòng các nhà đầu tư và ảnh hưởng tới quyết định xin cấp phép đầu tư. Thủ tục hoàn thuế thu nhập do tái đầu tư quá phức tạp gây khó khăn cho nhà đầu tư và hạn chế tái đầu tư. Thuế VAT đối với một số dịch vụ cung ứng cho khu chế xuất như bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông… trước chỉ là 0% nay là 3%-10%, giảm tính cạnh tranh của hàng hoá xuất
khẩu. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, cách tính thuế, thời điểm tính thuế nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng cho lắp ráp ôtô, xe máy...trong quá trình thực hiện nội địa nội địa hoá chưa sát thực tế không chỉ làm mất đi khả năng và cơ hội phát triển sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà còn làm chi phí khác của doanh nghiệp tăng (như chi phí mua sắm các trang thiết bị...). Mặt khác, thuế thu nhập cá nhân được tính luỹ tiến làm cho Việt Nam trở thành quốc gia có mức thuế cao nhất trong khu vực (10%-65%) trong khi Trung Quốc là 5%-45%, Singapo là 3%-22%.
Có thể nói rằng môi trường chính trị, luật pháp chính là nhân tố quan trọng hàng đầu tác động đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, bên cạnh những thành công đã đạt được, Việt Nam cần có những biện pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại.