Sử dụng hệ thống từ chỉ địa danh rất hợp lí:

Một phần của tài liệu Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (Trang 36 - 37)

+ Địa bàn hoạt động của Tây Tiến khá rộng, trải dài từ Mai Châu, Châu Mộc, Hòa Bình qua Lào rồi vòng về miền Tây Thanh Hóa. Đó là một vùng đất hoang vu, chứa đầy bí mật. Quang Dũng không trao nỗi nhớ của mình cho những địa chỉ vu vơ, ông điểm danh từng tên gọi cụ thể: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch... và sự có mặt của các địa danh này lập tức gợi ý niệm về sự hoang vu, xa ngái, hoang sơ. Trong trí tưởng tượng người đọc, những cái tên kia thuộc mô típ lạ, nó khác xa với những tên đất tên làng vốn quen thuộc trong ca dao người Việt, nó cũng khác xa với kiểu :"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông" trong thơ Nguyễn Bính. Chính điều này đã trở thành một tác nhân kích thích trí tưởng tượng của người đọc, đẩy

người đọc đứng trước sự tò mò khó cưỡng cua rnhuwngx bí mật đường rừng.

+ Cả Tây Tiến là một nỗi nhớ khôn nguôi của nhà thơ về một vùng đất, một thời trận mạc. Vậy nên, khi nhắc đến các địa danh này, ta nhận thấy kí ức của quá khứ hiện về thật tươi nguyên, nó chen lấn thực tại, tạo nên độ nhòa giữa hai không gian: không gian hiện tại và không gian hồi tưởng. Bởi thế, dù lạ lẫm, qua hồn thơ, nỗi nhớ của Quang Dũng, các địa danh ấy xâm chiếm nỗi nhớ người đọc, giúp họ cùng Quang Dũng trôi về một vùng đất đẹp đẽ, dữ dội, mộng mơ và đằm thắm.

+ Có một địa danh đi suốt bài thơ này, tạo nên sợi nhớ sợi thương trong nỗi nhớ là hình ảnh con sông Mã. Đó là một dòng sông có thực, cũng là một sinh thể có linh hồn, xúc cảm, nỗi niềm. Chính Sông Mã đã thay lời Tổ quốc, thay lời nhân dân cất lên tiếng hát trầm hùng tiễn biệt những đứa con quê hương đi vào cõi bất tử.

+ Vượt qua tư cách là những tên đất, tên làng như một khái niệm có tính địa lí, các địa danh trong Tây Tiến ngấm sâu nỗi nhớ của nhà thơ, và chính điều đó đã làm đất lạ hóa quê hương.

+ Riêng địa danh Mường Hịch trong câu thơ "đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người" được sử dụng rất tài hoa. Chữ Hịch thanh trắc gắn liền với chữ cọp cũng là thanh trắc làm cho người đọc liên tưởng đến những bước chân của chúa sơn lâm đang rình rập đe dọa con người. Rõ ràng, Quang Dũng không sử dụng địa danh một cách một cách tùy hứng mà ông biết chọn lọc, điều phối để tạo sức ám ảnh cho thơ. Đây cũng là tài nghệ tạo lực hút của nhà thơ khi nhìn về độc giả.

Một phần của tài liệu Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (Trang 36 - 37)