* Nguyên nhân khách quan
- Là một tổ chức tín dụng đặc thù vừa mới được thành lập nên kinh nghiệm trong quản lý điều hành còn chưa nhiều, có những qui định, qui trình thay đổi nhiều lần làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Sự phối hợp giữa chương trình tín dụng của ngân hàng với các chính sách khác trong chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, phát triển cơ sở hạ tầng...còn chưa đồng bộ, làm hạn chế hiệu quả hoạt động tín dụng đối với người nghèo của NHCSXH.
- Ngân hàng Chính sách xã hội về hình thức là một tổ chức tín dụng của Nhà nước có tư cách pháp nhân nhưng trong hoạt động còn chịu sự tác động của nhiều phía như: về chế độ tài chính phụ thuộc Bộ tài chính, quy chế hoạt động nghiệp vụ phụ thuộc Ngân hàng Nhà nước và một số Bộ, Ngành có liên quan theo từng chương trình, việc thực hiện cho vay chủ yếu thông qua uỷ thác do vậy phần nào còn bị động về việc lựa chọn đối tượng cho vay, từ đó làm hạn chế vai trò tín dụng đối với hộ nghèo.
- Với mô hình hoạt động đặc thù của NHCSXH là có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước với vai trò Ban đại diện HĐQT ở các cấp. Thời gian qua nhìn chung Ban đại diện HĐQT ở các cấp đã thực hiện được vai trò chỉ đạo đối với hoạt động của NHCSXH các cấp song bên cạnh đó cũng có một số nơi hiệu quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT chưa cao, thiếu sự chỉ đạo kiểm tra, giám sát và tạo sự phối hợp giữa các Ban, Ngành, đoàn thể; còn sự bất cập nhất là trong việc tuyên truyền các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hưóng dẫn cách cách thức làm ăn, chỉ dẫn thị trường tiêu thụ sản phẩm… Một số còn phát sinh tiêu cực trong việc sử dụng vốn vay là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Hoạt động tín dụng trong tình hình kinh tế có nhiều biến động, thiên tai dịch bệnh liên tiếp xảy ra như hiện nay thì luôn luôn chứa đựng nhiều rủi ro, bên cạnh đó đối tượng khách hàng của NHCSXH đa số là hộ nghèo, ý thức xã hội chưa cao, trình độ năng lực sản xuất yếu kém, vay không có tài sản thế chấp, thông qua hình thức tín chấp từ các đoàn thể xã hội thì càng chứa đựng nhiều rủi ro.
Là một định chế tài chính nhà nước vừa mới được thành lập trên cơ sở tách ra từ NHNo & PTNT lại hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, với mạng lưới hoạt động rộng khắp từ trung ương đến huyện, thị do đó việc xây dụng trụ sở, phương tiện làm việc cần
phải có thời gian trong điều kiện ngân sách hiện nay, đặc biệt đối với Quảng Nam, một tỉnh nghèo vừa được tái lập năm 1997 thì việc tận dụng các trụ sở dôi dư của các ban ngành khác theo chỉ đạo của Chính Phủ là rất khó khăn.
* Nguyên nhân chủ quan
- Số lượng công việc cho mỗi cán bộ, nhất là cán bộ tín dụng hiện nay của NHCSXH rất nặng nề, khó khăn trong việc tổ chức kiểm tra kiểm soát, hướng dẫn người nghèo sử dụng vốn vay, có nơi người nghèo do không được đôn đốc kiểm tra nên đã sử dụng vốn sai mục đích, sử dụng vốn vay vào tiêu dùng, nợ xấu có xu hướng tăng cao.
- Do NHCSXH mới được thành lập, chưa thể bố trí và mua sắm thiết bị, công nghệ hiện đại nên chưa chủ động, nhất là nghiệp vụ thanh toán. Cho nên việc huy động vốn, tức là khâu đi vay còn bị động. Khi đầu vào đã bị động thì đầu ra cũng phải bị động. Do vậy, việc cho vay hộ nghèo trong thời gian qua thường bị động về nguồn, thời gian giải ngân phụ thuộc vào lúc vay được vốn, thường vào cuối năm. Tình hình này không phù hợp với thời vụ sản xuất của hộ nghèo vay vốn, hạn chế tác dụng của vốn tín dụng đối với người nghèo.
- Sự phối hợp giữa ngân hàng và các cơ quan ban ngành liên quan trong việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đôi lúc đôi nơi còn chưa đồng bộ, việc phân định trách nhiệm một số mãng công việc chưa rõ ràng.
- Lực lượng cán bộ của chi nhánh đa số là tuyển dụng mới chiếm trên 85% tổng số cán bộ và là những cán bộ trẻ có tuổi đời dưới 30 tuổi được đào tạo cơ bản nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tế, công tác đào tạo tập huấn chưa được quan tâm đúng mức cả về phương pháp và nội dung cũng là một nguyên nhân dẫn đến các tồn tại nêu trên.
Kết luận chương 2
Hoạt động của NHCSXH tỉnh Quảng Nam 9 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, đã phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, đúng hướng và có hiệu quả. Mạng lưới hoạt động của chi nhánh đã có mặt tại tất cả các huyện, thị và các điểm giao dịch xã phường, tạo nên mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa NHCSXH với nhân dân, với chính quyền và các đoàn thể xã hội các cấp; các chương trình tín dụng ưu đãi ngày càng được mở rộng cả về quy mô và đối tượng phục vụ, nguồn vốn được tập trung tốt hơn để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách
có điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, từng bước góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tuy nhiên qua thực tiễn hoạt động vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Để đạt được mục tiêu ổn định và phát triển bền vững thì việc tiếp tục đổi mới hoạt động của NHCSXH nói chung và NHCSXH tỉnh Quảng Nam nói riêng cần được tiếp tục nghiên cứu khắc phục những tồn tại, hạn chế để có các giải pháp cụ thể cho những mục tiêu đề ra.
Chương 3
Định hướng và Giải pháp đổi mới hoạt động của chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội quảng nam