Nét khái quát về các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc

Một phần của tài liệu nghiên cứu kiến thức bản địa của một số dân tộc thiểu số trong giảm nhẹ rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện chợ mới, tỉnh bắc kạn (Trang 35 - 38)

1.2.3.1. Đặc điểm cư trú và dân số

Miền núi phía Bắc là địa bàn sinh sống của gần 30 tộc người thiểu số thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau: Việt - Mường (người Mường), Thái - Ka-đai (Tày, Nùng, Thái, Giáy, Bố Y, Lào, Lự, La Ha, La Chí, Sán Chay, Cờ Lao, Pu Péo), Tạng - Miến (Lô Lô, La Hủ, Phù Lá, Hà Nhì, Cống, Si La), Hmông - Dao (Hmông, Dao, Pà Thẻn), Môn - Khmer (Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú, Mảng) và Hán (Hoa, Ngái, Sán Dìu). Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng gần 62% tổng dân số của cả khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, sự phân bố của họ ở các tỉnh không đồng đều. Các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số hơn cả (chiếm 50% dân số chung trở lên) là Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái. Các địa phương còn lại (Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên và Quảng Ninh) đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm tỷ lệ dưới 50%.

Một số tộc người ở miền núi phía Bắc còn được chia thành các nhóm địa phương hoặc nhóm dân tộc học: Tộc người Thái có các nhóm Thái Đen, Thái Trắng; người Tày có nhóm Pa Dí, Thu Lao, Tày Bốc (Tày Cạn) và Tày Nặm (Tày Nước); người Nùng có các nhóm như Nùng Dín, Nùng Lòi, Phàn Slình, Nùng Inh, Nùng An và Nùng Cháo; người Hmông có các nhóm chính là Hmông Hoa, Hmông Đen, Hmông Trắng, Hmông Xanh; người Hà Nhì có các nhóm Cồ Chồ, Lạ Mí và Hà Nhì Đen; người Phù Lá được chia thành 2 nhóm Pu La và Xá Phó; người La Hủ có các nhóm La Hủ Na (Đen) và La Hủ Sư (Vàng); Sán Chay có 2 nhóm là Cao Lan và Sán Chí, v.v... Truyền thống văn

Số hóa bởi trung tâm học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

hóa của các nhóm địa phương hoặc nhóm dân tộc học thuộc một tộc người có thể rất khác nhau. Có nhiều trường hợp, các nhóm của cùng một tộc người nhưng không hiểu ngôn ngữ của nhau. Đa số người dân các tộc người thiểu số miền núi phía Bắc đều sinh sống ở khu vực nông thôn. Ngay cả ở các địa phương mà dân tộc thiểu số chiếm số đông, tại các đô thị hoặc khu vực thị tứ, chưa hẳn họ đã chiếm tỷ lệ cao hơn người Kinh. Tình trạng cư trú này đã xuất hiện tại các tỉnh lỵ/huyện lỵ miền núi từ trước năm 1954, nhưng đặc biệt được đẩy mạnh từ những năm đầu 1960 khi chính phủ thực hiện chương trình đưa người Kinh từ các tỉnh đồng bằng lên khai hoang miền núi. Một đặc điểm dễ nhận thấy nữa là phần lớn các tộc người thiểu số ở miền núi phía Bắc đều không có lãnh thổ địa lý riêng biệt, tình trạng xen cư/cộng cư là phổ biến. Tại nhiều huyện, không chỉ có hiện tượng xen cư/cộng cư trong phạm vi huyện/xã mà thậm chí cả ở cấp thôn bản. Tình trạng xen cư/cộng cư đã góp phần đẩy nhanh quá trình giao lưu/tiếp biến giữa các cộng đồng tộc người. Đồng thời, việc trao đổi hôn nhân giữa các dân tộc thiểu số với nhau, giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh ngày càng nhiều hơn khiến cho cấu trúc dân số-tộc người ở nhiều nơi bị biến dạng đáng kể. [13]

1.2.3.2. Hoạt động kinh tế truyền thống

Đối với tất cả các dân tộc thiếu số (DTTS) ở nước ta nói chung, ở miền núi phía Bắc (MNPB) nói riêng, tự nhiên chính là nền tảng quan trọng nhất để hình thành nên không gian văn hóa xã hội tộc người. Trước hết, đó là những yếu tố đầu vào cơ bản để các sinh kế được thực hiện. Mọi hoạt động kinh tế truyền thống của người dân đều được hình thành và phát triển trên cơ sở của các đặc điểm môi trường tự nhiên nơi họ cư trú. Họ luôn cố gắng tìm hiểu để có giải pháp thích ứng - vừa có thể khai thác, vừa gìn giữ các nguồn lực tự nhiên. Quá trình đó được lặp đi lặp lại hàng năm theo chu kỳ đắp đổi mùa vụ của thời tiết khí hậu. Từ đó, những hiểu biết của con người về tự nhiên được đúc kết và tích luỹ ngày một nhiều hơn, phương thức thích ứng với tự nhiên ngày một tốt hơn, các kỹ năng khai thác tự nhiên ngày càng thích hợp hơn,

Số hóa bởi trung tâm học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

việc quản lý tự nhiên ngày một hợp lý hơn. Văn hóa tộc người được hình thành và bồi đắp từ chính quá trình đó. Với tư cách là chủ thể của không gian kinh tế - văn hóa và xã hội, người dân các DTTS không tách khỏi tự nhiên, không đối lập với tự nhiên. Hơn thế nữa, khi nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều của thị trường, mức độ quan hệ của họ với tự nhiên càng sâu sắc.

Gắn với môi trường tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, từ lâu người dân các dân tộc thiểu số MNPB đã luôn duy trì các mô hình đa dạng sinh kế. Các nhóm tộc người sống ở vùng núi thấp hoặc ở các thung lũng chân núi (như Tày, Nùng, Thái, Mường, Sán Dìu) vừa làm ruộng nước/ruộng bậc thang, vừa tận dụng các mảnh nương trên các sườn đồi gần nơi cư trú để trồng trọt các loại nông sản ngoài lúa như chuối, bông, sắn, đu đủ, mía, ngô, khoai để bổ sung cho nền kinh tế tự cấp tự túc của gia đình. Trong khi đó, mô hình nông nghiệp chủ yếu của các nhóm DTTS sống tại các vùng cao (Hmông, Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, v.v...) là canh tác nương rẫy (gieo trỉa lúa nương và trồng các loại hoa màu). Với mô hình này, người dân phát hoang các mảnh nương trong phạm vi sở hữu của cộng đồng để trồng trọt trong vài năm. Sau đó, họ để hoang các mảnh nương cũ đã bạc màu khoảng từ 10 đến 20 năm đủ để đất phục hồi độ phì rồi quay lại canh tác tiếp. Nếu như ở các chân ruộng nước và ruộng bậc thang, lúa là cây trồng duy nhất thì trên các mảnh nương rẫy, đa canh và xen canh là mô hình trồng trọt phổ biến. Ngay tại các nương lúa, người dân cũng thường gieo thêm bầu, bí hoặc các loại dưa; phần đất bao quanh nương được trồng các loại hoa màu như ngô, khoai, rau và cây thuốc. Người dân thường giải thích rằng, bầu, bí hay dưa là những loại cây giữ hồn lúa, nếu không trồng xen, lúa sẽ không có bông. Nhưng dưới góc nhìn của các nhà nông học, các loại cây họ bầu được trồng xen lúa chính là nhằm mục đích giữ ẩm cho đất. Đó cũng là một kiến thức truyền thống cần được quan tâm trong bối cảnh ngày nay.

Ngoài trồng trọt, các dân tộc thiểu số MNPB còn có nhiều hoạt động sinh kế bổ trợ khác như chăn nuôi, làm nghề thủ công gia đình, săn bắt hái

Số hóa bởi trung tâm học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

lượm và trao đổi hàng hóa. Các loại gia súc, gia cầm được nuôi không chỉ để làm thức ăn hay như một hình thức tích lũy mà còn được dùng cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của gia đình và cộng đồng. Tất cả các nghi lễ tín ngưỡng (theo chu kỳ mùa vụ, trong chu trình đời người như sinh đẻ/đặt tên con/cưới hỏi/ma chay, cầu an hay cúng bói chữa bệnh) đều có vật hiến sinh (lợn, gà, vịt hoặc trâu, bò, dê). Trong một số truyền thống văn hóa, vật nuôi trong gia đình, đặc biệt là gia súc lớn có sừng, còn được xem như là một tiêu chí để phân loại giàu nghèo giữa các gia đình. Các nghề thủ công gia đình truyền thống của các tộc người thiểu số MNPB chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu tự thân. Nhiều nghề trong đó phản ánh rất rõ tâm thức hướng rừng/gắn với rừng như nghề chế tác đồ gỗ, làm mây tre đan... Đặc biệt, kinh tế tự nhiên/săn bắt hái lượm trước đây có vai trò rất quan trọng đối với mỗi gia đình và cộng đồng. Người dân các tộc người thiểu số MNPB không chỉ biết khai thác lâm/thổ sản từ rừng (gỗ để làm nhà, củi đun, rau xanh, thịt thú rừng, cây thuốc, v.v…) mà còn rất giỏi trong việc đánh bắt động vật thủy sinh phục vụ đời sống. Việc giao thương/trao đổi hàng hóa giữa các dân tộc hay khu vực đã xuất hiện từ rất sớm và đặc biệt phát triển mạnh ở vùng Đông Bắc. Hệ thống chợ vùng cao ở đây đến nay vẫn được xem là một sự độc đáo văn hóa. [13]

Một phần của tài liệu nghiên cứu kiến thức bản địa của một số dân tộc thiểu số trong giảm nhẹ rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện chợ mới, tỉnh bắc kạn (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)