Taurus là chiếc ô tô Mỹ quan trọng nhất trong những năm 80 của thế kỷ XX. Khi Taurus được đưa ra thị trường vào cuối năm 1985, chỉ với sức cạnh tranh và sự tự tin, nó đã làm chấn động thị trường ô tô. Khi đó, khái niệm ô tô Mỹ chất lượng cao đã đủ để khiến mọi người kinh ngạc, nhưng Công ty ô tô Ford đã biến khái niệm đó thành hiện thực, mở ra một cánh cửa mới cho ngành sản xuất ô tô ở Mỹ. Đối với công ty, Taurus từng là một sự mạo hiểm lớn. Philip Caldwell nói: “Nếu Taurus thất bại thì công ty chúng tôi sẽ bị diệt vong”.
Taurus/Sable đại diện cho sự vĩnh biệt những sản phẩm trong quá khứ. Nó được xem là chiếc ô tô đầu tiên của Mỹ tập trung vô số những ưu điểm nổi bật. Sự ra đời của Taurus đã ảnh hưởng đến cả thị trường ô tô nước Mỹ, khiến mọi người thay đổi hẳn thái độ đối với ô tô Mỹ. Taurus/Sable xứng đáng là một dấu hiệu cho sự quay trở lại của Detroit.
Taurus đã tạo ra sự thay đổi về mặt tổ chức một cach rõ ràng như đã tạo ra sự thay đổi về thái độ của mọi người đối với ô tô Mỹ. Trong các hạng mục trước đây, các ban đều hoạt động độc lập: kế hoạch sản phẩm, kỹ sư cơ khí, kỹ sư thiết kế, giám đốc sản
xuất, nhà cung ứng, nhân viên nhà máy, người tiêu thụ và đội ngũ tiêu thụ giống như những khâu khác nhau trong dây chuyền sản xuất. Nhưng trong “đội ngũ Taurus”, các kỹ thuật chuyên môn ở từng mặt đồng loạt phát huy tác dụng. Điều này khiến cho việc sắp xếp lịch trình và trao đổi có gấp rút hơn nhưng lại giúp mọi người giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn. Đứng đầu “đội ngũ Taurus” là Lewis Veraldi.
Trên thực tế, theo thiết kế ban đầu, Taurus và Sable sẽ là kiểu xe nhỏ. Công ty dự tính giá xăng sẽ đạt mức trên 3 đô-la/gallon. Nhưng khi giá xăng ổn định ở mức khoảng 1,25 đô-la/gallon thì công ty đã thay đổi chủ ý. Kỹ sư phụ trách thiết kế nội thất của Taurus/Sable là Mimi Vandermolen, bà là người Hà Lan nhưng lớn lên tại Canada. Từ nhỏ bà đã có niềm đam mê đối với ô tô. Bà làm việc tại Ford từ năm 1970, bà đã từng tham gia vào hạng mục Mustang. Trong thiết kế nội thất Taurus, bà đã theo đuổi nghệ thuật công trình học nhân loại: đảm bảo cho mỗi thao tác của người lái đều đạt được sự tiện lợi và thoải mái hết mức có thể. Đội ngũ của Vandermolen đã mất gần 1 năm cho thiết kế ghế ngồi. Chiếc Taurus năm 1986 nhẹ hơn 1600 pound so với chiếc LTD vào những năm 70. Hơn nữa, dù động cơ của nó chỉ lớn bằng 1/2 động cơ của chiếc LTD nhưng công suất của nó thì chỉ thấp hơn một chút. Tương tự, Taurus ngắn hơn LTD 15 inches, hẹp hơn 9 inches nhưng lại có một không gian bên trong tương đối rộng rãi. Có thể coi Taurus là chiếc ô tô kiểu châu Âu dành cho thị trường Mỹ được Công ty ô tô Ford sản xuất theo phương pháp sản xuất của Nhật.
Tháng 11 năm 1985, nhiệm vụ hàng đầu đã được hoàn thành, Taurus cuối cùng đã trở thành hiện thực. Giá thành để chế tạo Taurus thấp hơn so với dự tính, chỉ có 2,9 tỉ đô-la, nhưng Công ty ô tô Ford không thể chịu thêm một lần thất bại nữa, nên đây chẳng khác gì một canh bạc. Công ty phải đợi đến tháng sau mới biết liệu khách hàng có chấp nhận Taurus hay không. Do lỡ mất dịp mùa thu nên công ty phải đợi đến khi giáng sinh kết thúc mới đưa xe ra thị trường. Nhưng thời gian chờ đợi cũng không dài: Taurus và Sable được sắp xếp để đưa ra thị trường vào ngày 26 tháng 12. Ford hy vọng mỗi năm có thể bán được 500.000 chiếc Taurus và Sable. Đến ngày 26 tháng 12, công ty rất hài lòng khi nhận được đơn đặt hàng với số lượng 103.000 chiếc. Ngoài những đơn đặt hàng đổ về như nước, thành công rõ nét nhất mà Taurus/Sable đạt được là phản ứng của các đối thủ cạnh tranh. Taurus đã khiến cho Công ty ô tô Ford dẫn đầu hai năm trong lĩnh vực thiết kế kiểu dáng.
Khi sản xuất đã theo kịp nhu cầu của thị trường vào năm 1987, Taurus trở thành loại ô tô phổ biến nhất ở Mỹ. Hơn nữa, trong 12 năm tiếp theo nó vẫn giữ vị trí đó. Tuy nhiên, dù Ford đã bỏ ra khá nhiều công sức về vấn đề chất lượng nhưng những chiếc Taurus/Sable vẫn tồn tại vấn đề về độ tin cậy. Bởi vậy, phương pháp ứng phó của Ford là đưa ra những sửa chữa kịp thời vào những lúc cần thiết. Trong 3 năm, Ford đã có những cải tiến đối với nhược điểm này. Sau khi được Cục cải thiện kinh doanh (Better Business Bureau) chấp nhận, Ford hãnh diện gọi Taurus/Sable là “ô tô có chất lượng tốt nhất ở Mỹ giai đoạn 1981-1989”.
Đầu năm 1985, trước khi Taurus được đưa ra thị trường, Philip Caldwell khi đó đã đến tuổi quy định (65 tuổi) phải về hưu. Sau khi Caldwell về hưu, Peterson khi đó 58 tuổi đã tiếp quản chức vụ của ông và chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hai năm sau khi tầng lớp lãnh đạo của Ford có sự thay đổi, cũng tức là 1 năm sau khi Taurus ra đời, Henry II bị viêm phổi, có thể ông đã nhiễm căn bệnh quân đoàn (Legionnaires' disease) trong chuyến du lịch châu Âu. Ngày 29 tháng 9 năm 1987, chưa đầy 1 tháng sau ngày mừng thọ 70 tuổi, Henry II qua đời (cách ngày qua đời của bà ông là Clara Ford đúng 37 năm.
Khi Henry II qua đời, gia tộc Ford vẫn nắm giữ hoặc kiểm soát tất cả cổ phần cấp B của Ford (đại diện cho số cổ phiếu đầu tư 40%). Hai thành viên đời thứ 3 của gia tộc Ford là Josephine Ford và William Clay Ford nắm giữ nhiều cổ phần nhất. Đến năm 1987, mười mấy thành viên đời thứ tư của gia tộc Ford cũng đã có cổ phần của công ty gia tộc. Thành viên đời thứ tư của gia tộc Ford sống rất phân tán, hơn nữa, xét từ góc độ hứng thú, họ chẳng có mối liên quan nào đối với ngành ô tô. Charlotte, con gái của Henry II là một nhà văn và là một chuyên gia lễ nghi có chút tiếng tăm, cô con gái khác, Anne thì sống ở New York, có chồng là Chuck Scarborough, phóng viên thời sự của đài truyền hình NBC.
Khi đó, có 4 người thuộc đời thứ 4 của gia tộc Ford đang làm việc trong Công ty ô tô Ford. Trong đó, lớn tuổi nhất là Walter Buhl Ford III, con trai của Josephine, là chuyên gia quảng cáo, nhưng xem ra không có hứng thú đối với công việc quản lý tổng hợp; Benson Ford Jr, là đại diện liên hệ khách hàng của ban linh kiện và dịch vụ; Edsel Ford II và William Clay Ford Jr mới thực sự là hai ngôi sao đang lên. Vào năm 1987, Bill Ford Jr, sinh ngày 3 tháng 5 năm 1957, là một thành viên khác thuộc đời thứ 4 của gia tộc Ford, chỉ muốn làm công việc của mình trong Công ty ô tô Ford. Nhưng theo mọi người, đa số đều dự kiến Bill Ford Jr sẽ là người tiếp quản quyền lực. Chỉ có một điều khiến họ lo lắng là Bill Ford Jr hứng thú với thể thao, lịch sử và sự hoang dã hơn là với ngành ô tô. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp đại học, Bill vào làm tại Công ty ô tô Ford, ở ban kế hoạch sản phẩm. Cuối cùng, ông đã tích lũy được những kinh nghiệm công tác ở rất nhiều cương vị khác nhau như về tiền tệ, tiêu thụ và sản xuất. Ngày 14 tháng 1 năm 1988, Bill Ford Jr trở thành thành viên Hội đồng quản trị Công ty ô tô Ford.
Sự phục hưng của Công ty ô tô Ford vào những năm 80 của thế kỷ XX đại diện cho lần phục hưng vĩ đại nhất trong lịch sử ngành kinh doanh. Xét từ góc độ kinh doanh, lợi nhuận của Công ty ô tô Ford - công ty đã từng lập kỷ lục về lỗ vốn - đã trở nên cao hơn tất cả các công ty ô tô khác trên thế giới. Xét về nội bộ, nó đã thay đổi phương thức làm việc của những người làm thuê, thực hiện được một sự chuyển biến khó khăn hơn. Trong cả thế kỷ XX, có hàng nghìn doanh nghiệp trong ngành ô tô đã gặp phải những khó khăn lớn về tài chính, khai thác sản phẩm... giống như Ford, nhưng không một doanh nghiệp nào có thể thực hiện được cú lội ngược dòng vĩ đại như Ford.
Đến cuối những năm 80, Ford đã trở thành người dẫn đầu của cả ngành công nghiệp ô tô. Năm 1987, lợi nhuận của Ford đã vượt qua Công ty ô tô thông dụng, đây là điểm mà từ năm 1924, khi chiếc xe dòng T ra đời cho đến nay, nó chưa từng làm được. Năm 1988, lợi nhuận của Ford gần bằng cả Công ty ô tô thông dụng và Chervolet cộng lại. Từ năm 1980 đến năm 1989, cổ phiếu của Ford đã trở thành con rồng mới trên thị trường cổ phiếu phố Wall, giá tăng lên hơn 13 lần. Vào những năm 80, Ford đã nâng chất lượng của sản phẩm lên mức ngang với ô tô Nhật Bản.