MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN
4.1.4. Hệ thống quản lý yếu kém
Năm 2012, trong bối cảnh suy giảm kinh tế trong nước và thế giới kéo dài, có thể khẳng định rằng, nông nghiệp lại một lần nữa trở thành cứu cánh đối với nền kinh tế nước ta. Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế chiếm khoảng 22% GDP, trong đó, sản lượng lúa đạt 43,7 triệu tấn (tăng 1,45 triệu tấn so với năm 2011). Nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực, tăng trưởng xuất khẩu. Trong số các ngành, chỉ có duy nhất ngành nông nghiệp có giá trị thặng dư thương mại lên tới trên 10 tỷ USD. Qua đó tạo nguồn ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế nước ta, đặc biệt giúp giảm nhập siêu, hay còn gọi là "cứu" cán cân thanh toán thương mại. Không chỉ giúp thu về nguồn ngoại tệ lớn từ xuất khẩu, trong năm 2012, nông nghiệp còn đóng góp quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, khi giá cả lương thực, thực phẩm trong năm không có nhiều biến động so với năm 2011 do lượng cung hàng hóa nông sản ổn định.
Tuy nhiên, bản thân trong nội bộ của ngành này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp còn mờ nhạt, chưa thực sự hiệu quả, thể hiện qua những điểm sau:
Thứ nhất, chưa có sự thống nhất trong việc xác định vị trí, vai trò của ngành
nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế, thể hiện qua sự đánh giá khác nhau về vai trò, vị trí của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, dẫn đến nhiều bất cập trong hoạch định và thực thi các chính sách phát triển nông nghiệp thời gian qua, nhất là chính sách đầu tư.
Thứ hai, quy hoạch phân bổ tài nguyên (đất đai, nguồn nước…) phục vụ phát
triển nông nghiệp chưa hợp lý, chưa hướng tới thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó:
(i) Các quy hoạch về đất, mặt nước cho sản xuất lúa gạo, cây công nghiệp ngắn ngày, cây dài ngày, chăn nuôi và thủy sản… chưa rõ ràng, chưa đủ cụ thể để quản lý chặt chẽ theo yêu cầu của sản xuất từng loại cây trồng, vật nuôi. Tình trạng quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản liên tục bị phá vỡ tạo ra tình trạng hỗn loạn trong sản xuất, hao phí vốn đầu tư của người nông dân, gây khó khăn cho đời sống của họ.
(ii) Quy hoạch đất để sản xuất nông, lâm, thủy sản lâu dài; đất chuyển sang làm kết cấu hạ tầng nông thôn và tạo mặt bằng để phát triển các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, thương mại nông thôn vẫn chưa được xác định rõ ràng, minh bạch.
Thứ ba, mức đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua không tương xứng với vai trò
của nó đối với phát triển kinh tế, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 13,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2000, giảm còn 7,5% vào năm 2005 và còn 6,45% vào năm 2008, 6,15% vào năm 2010 và chỉ ở mức 5,98%
trong năm 2011 (Bảng 1). Trong năm 2011, tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của toàn ngành và năm 2012, vốn đầu tư cho nông nghiệp có tăng, nhưng cũng chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu của khu vực nông nghiệp.
Trong khi đó, tình hình thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp cũng không mấy thuận lợi. Trong giai đoạn 2000 - 2011, đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước. Đây là mức quá thấp so với một nền kinh tế có diện tích đất đai, mặt nước… và lực lượng lao động tập trung lớn. Bên cạnh đó, nếu tính đến hết năm 2011, thì trong toàn bộ khu vực nông nghiệp của Việt Nam còn 495 dự án được cấp giấy phép còn hiệu lực với vốn đăng ký đầu tư ở mức 3.264,5 triệu USD. Mức vốn này chỉ chiếm 1,64% tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư phục vụ sản xuất hàng hóa. Đây chính là nguyên nhân cơ bản làm cho năng lực sản xuất nông nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Thứ tư, chính sách của Nhà nước và địa phương trong nông nghiệp, nông thôn
còn chưa hợp lý. Thời gian qua, Chính phủ đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng chưa đủ sâu, chưa đủ mạnh và có một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn. Nông nghiệp ở nước ta chưa hiệu quả do tư duy chậm đổi mới. Ở các nước phát triển, giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa lấy đi nhiều tài nguyên, hy sinh nông thôn để phát triển đô thị. Sau đó, họ lại lấy đô thị bù đắp cho nông thôn và trợ cấp trở lại cho nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã lâu nhưng chưa bù đắp lại được cho nông nghiệp. Ngoài ra, chính sách chưa “mở”, chưa tạo cơ hội thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nên nhiều nguồn lực trong sản xuất, phát triển kinh tế chưa được khai thác và huy động. Nếu đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đầu tư công sẽ mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ vừa mới phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ sản xuất nông nghiệp đang phải điều chỉnh theo lộ trình cam kết giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, làm tăng khó khăn cho nhiều ngành nông nghiệp và nông dân. Năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất còn cao, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh với hàng hóa nông sản của các nước có điều kiện sản xuất tốt hơn được nhập khẩu vào Việt Nam.
Thứ năm, tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản còn phân tán, thể hiện ở kết cấu
hạ tầng tại các vùng sản xuất tập trung chưa phát triển; quy mô đất đai còn nhỏ bé; các hợp tác xã và tổ chức kinh tế hợp tác chưa phát triển được nhiều hoạt động dịch vụ; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực nông nghiệp còn yếu kém, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại chưa phát triển, tính liên kết trong sản xuất chế biến
và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế...