Trao đổi thương mại là lĩnh vực quan trọng nhất trong quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Việt Nam, đồng thời cũng là nội dung cơ bản của BTA. Trải qua 12 năm thực hiện BTA (2001 - 2013), quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam đã thu được những thành tựu vượt bậc, được thể hiện qua những phương diện sau:
- Sau khi BTA có hiệu lực, trao đổi thương mại hai chiều tăng liên tục qua các năm và đạt trên 24 tỷ USD vào năm 2012.
- Trong quá trình thực hiện BTA, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam (thặng dư đối với Việt Nam). Tổng kim ngạch thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam năm 2012 đạt trên 24 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam trị giá 4.827,258 triệu USD và nhập khẩu từ Việt Nam trị giá 19.667,940 triệu USD, Hoa Kỳ nhập siêu từ Việt Nam gần 15 tỷ USD.
- Tổng kim ngạch trao đổi thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam tăng đều qua các năm, nhưng tăng đột biến khi BTA có hiệu lực với việc Việt Nam được hưởng PNTR (2002) và khi Hoa Kỳ dành cho Việt Nam Quy chế PNTR (2007). Điều này chứng tỏ hiệu ứng tích cực của chính sách kinh tế thương mại hai bên dành cho nhau trong thực tiễn.
- Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu thay đổi theo hướng tích cực. Điểm mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và các sản phẩm chế biến có hàm lượng lao động cao như dệt may, giầy dép. Nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu cũng đang có những chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa chủng loại mặt hàng và tăng tỷ trọng hàng chế biến và chế tạo. Điều này phản ánh chuyển biến tích cực trong cơ cấu sản xuất của nền kinh tế Việt Nam.