C. Thảo luận vấn đề khi sinh viên gặp khó khăn
b. Dạy sinh viên cách đánh giá bài viết của bạn
Dạy cho sinh viên nhận thức đúng đắn vai trò của việc phản hồi mới chỉ là bước đầu tiên trong việc đào tạo sinh viên thành người nhận xét hiệu quả. Điều quan trọng hơn là giáo viên phải dạy cho sinh viên biết cách đưa ra phản hồi như thế nào. Dưới đây là một số gợi ý cho giáo viên về cách hỗ trợ sinh viên khi đưa ra phản hồi:
• Phân loại trình độ sinh viên để những bạn học có trình độ ngôn ngữ tương đương có thể phản hồi cho nhau
• Hướng dẫn sinh viên tập trung vào một số khía cạnh nhất định của bài viết. Cụ thể là người nhận xét cần đưa ra phản hồi về cách trình bày ý, chủ đề của bài viết ở bài viết đầu tiên. Có nghĩa là, ở phiên bản viết sau, họ nên chú ý đến chính tả, ngữ pháp, cấu trúc câu, cách dùng từ…
• Chỉ cho người học cách sử dụng các loại phản hồi một cách hiệu quả như phản hổi trực tiếp, phản hồi gián tiếp, phản hồi tích cực và phản hồi tiêu cực …
• Hướng dẫn sinh viên về các loại phản hồi, khi nào chỉ cần chỉ ra lỗi, khi nào cần đưa ra gợi ý sửa lỗi hoặc khi nào cần giải thích về lỗi sai của bạn. • Khuyến khích sinh viên đưa ra thái độ thích hợp khi phản hồi.
• Cung cấp cho sinh viên hướng dẫn tỉ mỉ, bảng kiểm tra lỗi cho sinh viên theo dõi và đối chiếu với bài viết của bạn. Bài nghiên cứu này cũng kèm theo phụ lục là một bảng đối chiếu lỗi sai ở phần PHỤ LỤC 2.
• Yêu cầu sinh viên thực hiện từng thao tác nhỏ khi đưa ra phản hồi.Có thể yêu cầu sinh viên làm việc một mình, theo nhóm hoặc theo cặp khi đưa ra nhận xét. Bằng cách này, sinh viên không chỉ biết họ phải tập trung vào đâu khi đưa ra phản hồi mà còn biết phải chú ý vào cái gì khi viết bài.
4.1.2. Trong quá trình dạy
Hỗ trợ sinh viên trong quá trình đưa ra phản hồi là một quá trình liên tục yêu cầu giáo viên phải luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ. Điều này là bởi vì mặc dù sinh viên có thể cung cấp cho bạn những phản hồi hữu ích nhưng họ vẫn gặp phải rất nhiều vấn đề cần giáo viên giúp đỡ. Như đã trình bày ở trên, sinh viên gặp phải rất nhiều khó khăn khi đưa ra và nhận lại phản hồi, ví dụ họ nhận ra lỗi sai nhưng không biết sửa lỗi sai thế nào hoặc không biết trình bày quan điểm của mình thế nào. Đây là lúc giáo viên phải can thiệp để sinh viên có thể tiếp tục công việc của mình. Hơn nữa, giáo viên cũng cần đưa ra nhận xét của mình về các phản hồi của sinh viên để họ tiến bộ hơn trong lần sau. .
4.1.3. Thảo luận với cả lớp sau khi phản hồi xong.
Đây là hoạt động cực kỳ hiệu quả mà ở đó giáo viên và sinh viên cùng ngồi lại và thảo luận một cách nghiêm túc hoạt động phản hồi từ bạn học. Giáo viên nên khuyến khích sinh viên viết bài trước ở nhà để dành thời gian trên lớp cho giai đoạn nhận xét và sửa chữa. Lúc đầu giáo viên có thể cho sinh viên thảo luận bằng miệng trước, sau đó mới viết lại các nhận xét. Trong khi sinh viên tiến hành hoạt động này, giáo viên quan sát xung quanh và có thể giúp đỡ sinh viên khi cần thiết. Chẳng hạn, giáo viên có thể gợi ý cho sinh viên về cách sửa chữa lại bài viết sau khi nhận được phản hồi từ bạn. Đồng thời, trong quá trình quan sát, giáo viên có thể ghi chép lại những lỗi sai sinh viên hay mắc phải để có thể tổng kết, nhắc nhở vào cuối buổi học.
Khi làm việc này ,giáo viên cần lựa chọn ra một số bài phản hổi tiêu biểu và để sinh viên tự sừa bài viết theo hướng đã được phản hồi. Giáo viên cũng nên
cho người học thời gian để đặt câu hỏi về những điều còn mơ hồ, chưa chắc chắn. Hơn nữa, giáo viên và sinh viên cũng cần thảo luận với nhau về cách cải thiện bài viết sau khi đã nhận được phản hồi.
4.1.4. Đánh giá phản hồi từ bạn học.
Giáo viên có thể yêu cầu sinh viên nộp tất cả bản nháp và bản chỉnh sửa sau khi nhận phản hồi từ bạn học của sinh viên, sau đó giáo viên có thể xem lại tất cả các nhận xét đó và điều tra xem sinh viên đánh giá thế nào về bài viết. Để đánh giá được toàn diện quá trình, giáo viên nên thu lại tất cả các bài viết của sinh viên trước và sau khi nhận được ý kiến phản hồi. Bằng cách này giáo viên có thể thấy được cách sinh viên nhận xét bài viết của bạn, từ đó khích lệ những sinh viên đưa ra được những phản hồi mang tính xây dựng. Ngoài ra, giáo viên nên đánh giá và cho điểm bài viết của sinh viên dựa vào sự tiến bộ giữa hai bài viết trước và sau khi nhận được phản hồi từ bạn, chứ không nên chỉ dựa vào chất lượng của bài viết cuối cùng.
4.2. Yêu cầu đối với sinh viên.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhận xét của sinh viên chưa được cụ thể, chi tiết, vì thế sinh viên cần chú ý đưa ra các phản hồi chi tiết, rõ ràng hơn để quá trình sửa chữa bài viết có thể diễn ra dễ dàng, trôi chảy hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sinh viên còn chưa chú trọng đầy đủ, cân bằng giữa các mặt khi nhận xét một bài viết. Bên cạnh các lỗi về ngữ pháp, chính tả, chấm câu, sinh viên cần chú ý hơn đến các mặt nội dung cũng như bố cục để có thể đưa ra những nhận xét toàn diện và hữu ích cho bài viết của bạn.
Mặc dù hình thức lời phát biểu sinh viên hay sử dụng để nhận xét cho bạn là tương đối rõ ràng và hữa ích, nhưng sinh viên cũng được khuyến khích sử dụng thêm các hình thức khác như câu hỏi, câu cảm thán để tránh sự nhàm chán, đồng thời các hình thức này cũng mang lại những hiệu quả nhất định; chẳng hạn như câu hỏi sẽ kích thích khả năng tư duy của người viết, câu cảm thán sẽ khuyến khích, động viên người viết tự tin hơn vào bài viết của mình, v.v
Ngoài ra, sinh viên cần chú ý hơn tới vệc cân bằng giữa khen ngợi và phê bình bài viết của bạn. Phần lớn sinh viên chỉ nhận xét vào những mặt chưa được mà ít đưa ra những lời khen, những nhận xét tốt về những cái hay của bài viết. Vì vậy, sinh viên nên tận dụng hơn nữa những nhận xét mang tính tích cực để có thể khích lệ sự tiến bộ của bạn.
Qua bài nghiên cứu này, thực trạng sử dụng ý kiến phản hồi từ bạn học trong việc cải thiện kĩ năng Viết của sinh viên tiếng Anh năm thứ hai khoa Ngoại Ngữ trường Đại học Hùng Vương đã được phản ánh. Mặc dù tỉ lệ sử dụng trong tổng số sinh viên là chưa cao, nhưng việc sử dụng ý kiến phản hồi từ bạn học bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định. Trong quá trình nghiên cứu, một số khó khăn và hạn chế trong việc sử dụng phương pháp này đã được nắm bắt, trên cơ sở đó, các đề xuất được đưa ra cho giáo viên và sinh viên với mong muốn giúp cho việc sử dụng ý kiến phản hồi từ bạn học đem lại hiệu quả cao hơn và từ đó sẽ được áp dụng rộng rãi hơn
4.3. Hạn chế của đề tài.
Mặc dù nhóm nghiên cứu đã nỗ lực cố gắng nhưng do thời gian và kinh nghiệm nghiên cứu có hạn nên đề tài không tránh khỏi những hạn chế. Hạn chế đầu tiên là số lưọng sinh viên tham gia trả lời điều tra trắc nghiệm còn khá ít (54 sinh viên), vì thế kết quả đưa ra chưa hoàn toàn thuyết phục cho toàn bộ sinh viên Tiếng Anh, khoa Ngoại Ngữ, trường Đại học Hùng Vương.
Thứ hai, sinh viên lớp K9 Đại học Ngoại Ngữ khá đông sinh viên và trình độ ngôn ngữ của các em không đồng đều, vì vậy việc áp dụng phản hồi từ bạn học ít nhiều gặp khó khăn và phản hồi nhận được không thực sự cân bằng về chất lượng và độ chính xác
Thứ ba, tất cả kiến nghị mà nhóm nghiên cứu đưa ra đều dựa trên kết quả điều tra trắc nghiệm và qua phân tích bài viết của sinh viên nhưng chưa qua thực nghiệm về tính hiệu quả của những kiến nghị trên, vì thế điều này ít nhiều có ảnh hưởng đến tính xác thực của những kiến nghị.
Để có thể vượt qua những hạn chế của đề tài đã nêu ở trên, nhóm nghiên cứu đưa ra gợi ý nghiên cứu cho những đề tài tiếp theo trong tương lai với cùng một vấn đề nhưng sẽ được nghiên cứu trên nhóm đối tượng rộng lớn hơn. Những nghiên cứu sau có thể nghiên cứu việc sử dụng phản hồi từ bạn học như một phương pháp nhằm cải thiện kỹ năng Viết hoặc điều tra các loại phản hồi từ bạn học khác mà chưa được đề cập đến trong phạm vi nghiên cứu này như phản hồi miệng chẳng hạn. Phân tích so sánh đối chiếu hiệu quả của phản hồi từ giáo viên và phản hồi từ bạn học cũng có thể là một hướng khác cho việc nghiên cứu của nhóm nghiên cứu sau này.