Nguyên nhân phát sinh chi phí đại diện

Một phần của tài liệu Tiểu luận Tài chính doanh nghiệp BẢN CHẤT TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP (Trang 37 - 38)

4. Phần mở rộng

4.2.2. Nguyên nhân phát sinh chi phí đại diện

Thứ nhất, trong các công ty cổ phần tại Việt Nam chưa có sự phân định rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền quản lý, cơ chế giám sát chưa thực sự hiệu quả. Đa phần chủ tịch hoặc các thành viên hội đồng quản trị kiêm luôn chức giám đốc hoặc tổng giám đốc, có sự tập trung quyền lực vào tay của giám đốc quá lớn, một khi cơ chế giám sát không hiệu quả thì rất dễ dẫn đến sự lạm quyền, thu vén cho bản thân. Rõ nét nhất là trong các công ty cổ phần có chi phối của nhà nước, chi phí đại diện khá cao trong các công ty này, nhà nước chi phối hoạt động của công ty chủ yếu thông qua việc bổ nhiệm giám đốc. Trong mối quan hệ giữa giám đốc và cổ đông nhà nước có thể không diễn ra xung đột lợi ích, nhưng lại xung đột lợi ích với nhóm cổ đông khác khi giám đốc và người đại diện nhà nước có bắt tay với nhau, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận hoặc giá trị công ty mà sau cùng, tất cả các cổ đông phải chịu. Điều này làm cho công ty vừa tốn chi phí giám sát theo dõi giám đốc, vừa tốn chi phí ràng buộc để ban giám đốc hướng đến mục tiêu chung và đồng thời sẽ bị mất mát các khoản phụ trội khá lớn do những hành động làm lợi từ ban giám đốc.

Thứ hai, dòng tiền tự do trong các công ty cổ phần tại Việt Nam cũng khá cao, vượt mức cần thiết và sự cân đối trong dòng tiền của công ty cổ phần. Dòng tiền tự do vượt mức cần thiết rất dễ nảy sinh chi phí đại diện (gọi là chi phí đại diện của dòng tiền tự do) khi giám đốc công ty thực hiện những vụ thâu tóm lãng phí hoặc đầu tư vào các dự án kém hiệu quả, nhằm tìm kiếm lợi ích cá nhân.

Thứ ba, sự minh bạch và công bố thông tin chưa được thực hiện tốt. Mặc dù các báo cáo tài chính đều được kiểm toán theo quy định, tuy nhiên thông tin mà các công ty cổ phần cung cấp cho bên kiểm toán chưa thật sự đầy đủ. Nhà đầu tư, cổ đông bên ngoài không được cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời, điều này làm giảm sự giám sát

từ bên ngoài, càng làm cho tình trạng thông tin bất cân xứng ngày một nghiêm trọng hơn trong nền kinh tế Việt Nam và vấn đề chi phí đại diện càng khó giải quyết.

Tóm lại, nguyên nhân phát sinh các chi phí đại diện trong cách công ty cổ phần tại Việt Nam bắt nguồn từ sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý chưa rõ ràng, sự tập trung quyền lực quá lớn cho ban giám đốc, cơ chế giám sát người đại diện chưa thật sự hiệu quả thể hiện qua vai trò của hội đồng quản trị và ban kiểm soát còn hạn chế, chỉ mang tính hình thức, do đó làm phát sinh khoản chi phí này.

Một phần của tài liệu Tiểu luận Tài chính doanh nghiệp BẢN CHẤT TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP (Trang 37 - 38)