Phân tích khoảng trống về kỹ thuật

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả trồng rừng dự án 661 giai đoạn 1998 đến 2010, huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh (Trang 67 - 70)

4.5.1.1. Công tác giống cây trồng:

- Ở Tiên Yên chưa thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý giống cây lâm nghiệp nên nguồn cây giống đưa vào sản xuất trong những năm qua chưa đảm bảo chất lượng, nguồn giống chưa được kiểm định, một số cơ sở sản xuất giống chưa được đăng ký kinh doanh. Công tác quản lý giống cây lâm nghiệp còn nhiều bất cập, chưa kiểm tra được hết nguồn gốc, xuất xứ giống đưa vào trồng rừng nên mặc dù diện tích có rừng tăng lên đáng kể nhưng chất lượng của rừng trồng còn thấp. Chưa có quy hoạch hệ thống vườn ươm một cách rõ ràng nên việc gieo ươm cây giống còn phân tán, mạnh ai nấy làm đặc biệt là các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; chính quyền địa phương không quản lý được số lượng, chất lượng nên thường bị động về giống, mâu thuẫn giữa cung và cầu do chưa có đơn vị nào nắm bắt được nhu cầu hàng năm của công tác trồng rừng phòng hộ. Quy chế quản lý giống đã được ban hành nhưng khó thực hiện trong thực tế.

- Chất lượng giống cây lâm nghiệp được đưa ra trồng rừng còn hạn chế, Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ do phải hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm nên công tác trồng rừng còn chạy theo kế hoạch.

- Do kế hoạch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao trồng rừng và chăm sóc rừng muộn nên khâu chuẩn bị giống còn chậm dẫn đến tiêu chuẩn cây giống đem trồng rừng thấp.

- Các giống đưa vào sản xuất chủ yếu vẫn là các giống truyền thống, chưa áp dụng các giống mới có năng suất cao đã được công nhận trong những năm gần đây.

- ở những nơi xa xôi, kích thước bầu cây giống lớn dẫn đến khó vận chuyển cây giống.

4.5.1.2. Loài cây và các mô hình rừng trồng phòng hộ đã áp dụng:

- Thiếu các hướng dẫn cụ thể về từng loài cây trồng hỗn giao với nhau trong từng mô hình và gắn với từng điều kiện lập địa, từng vùng cụ thể.

- Cơ cấu cây trồng cần phải dựa trên điều kiện tự nhiên, điều kiện lập địa của từng khu vực, tuy nhiên điều này vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Việc lựa chọn cơ cây trồng được thể hiện trong Quyết định số 661/QĐ-TTg Ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao cho các địa phương lựa chọn rồi trình Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt dựa trên các nghiên cứu thị trường, điều kiện lập địa và ý kiến của các cơ quan nghiên cứu địa phương liên quan. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện các nghiên cứu về các vấn đề nêu trên còn rất ít, chủ yếu là kinh nghiệm thực tiễn, chưa đủ các cơ sở khoa học nên sức thuyết phục chưa cao.

- Việc đánh giá đất đai, lập địa hầu như không được thực hiện một cách đầy đủ, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Lâm nghiệp và Ban Quản lý các Dự án 661 chưa quan tâm thích đáng nên việc lựa chọn cơ cấu cây trồng theo nguyên tắc “Đất nào cây ấy” đã không được áp dụng một cách triệt để. Do vậy, thiếu cơ sở trong chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện kiện thổ nhưỡng của từng nơi. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là:

Thứ nhất, khi bắt đầu Dự án Trung ương đã không hướng dẫn và đầu tư đầy đủ cho các hoạt động đánh giá lập địa và lựa chọn cây trồng trong hoạt động thiết kế trồng rừng;

Thứ hai, năng lực cán bộ lâm nghiệp địa phương còn hạn chế nên việc lựa chọn cơ cấu cây trồng trên cơ sở lập địa còn chưa có cơ sở thỏa đáng.

- Việc chọn loài cây trồng trong Dự án cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. - Việc đưa vào gây trồng thử nghiệm một số loài cây mới còn thiếu cơ sở khoa học, chủ yếu mới dựa theo kinh nghiệm.

4.5.1.3. Mật độ trồng rừng và phương thức trồng:

- Việc áp dụng mật độ cây trồng cho một loài cây trong mô hình cho nhiều loại lập địa khác nhau là chưa phù hợp vì cùng một loài cây nhưng ở những vị trí, điều kiện lập địa khác nhau sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển khác nhau. Thiếu quy định về mật độ trồng cho từng điều kiện lập địa cụ thể.

Ảnh 4.9: Rừng trồng thông nhựa 5 tuổi ở điều kiện lập địa không thuận lợi

Ảnh 4.10: Rừng trồng thông nhựa 5 tuổi ở điều kiện lập địa thuận lợi

4.5.1.4. Khai thác, tỉa thưa cây tạo không gian dinh dưỡng:

+ Thiếu hụt lớn nhất về kỹ thuật hiện nay tại địa phương là quy định, hướng dẫn về tỉa thưa cây trong các mô hình trồng rừng. Cục Lâm nghiệp đã ban hành 2 quy định hướng dẫn về việc tỉa thưa và khai thác cây trồng phù trợ theo Quyết định số 1053/LN-SDR ngày 23/8/2006 của Cục Lâm nghiệp về

việc khai thác rừng trồng phòng hộ thuộc Chương trình 327 và Dự án 661; Quyết định số 1697/LN-LS ngày 19/12/2005 của Cục Lâm nghiệp về việc hướng dẫn chặt nuôi dưỡng và khai thác, tỉa thưa cây phù trợ đối với rừng trồng phòng hộ dự án 327, 661 nhưng ở Quảng Ninh vẫn chưa có các ý kiến chỉ đạo cụ thể hoặc triển khai theo các hướng dẫn này. Mặt khác, nếu không có hướng dẫn chặt tỉa thưa thì ở nhiều nơi người dân vẫn tự ý vào rừng chặt cây, làm gãy, đổ và chết nhiều cây trồng .

+ Các văn bản hướng dẫn kỹ thuật chưa tiếp cận được với người dân làm nghề rừng nhất là các hộ gia đình tự bỏ vốn để trồng rừng. Trong khi xu hướng xã hội hóa nghề rừng đang ngày một lớn mạnh.

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả trồng rừng dự án 661 giai đoạn 1998 đến 2010, huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh (Trang 67 - 70)