KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1. Đặc điểm chung của đối tượng được phỏng vấn:
Long mỹ là một trong hai huyện lớn của tỉnh Hậu giang, diện tích tự nhiên 398,48 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 35.368 ha. Năm 2012, tổng số hộ là 39.642, với dân số trung bình là 158.052 người, giới tính nam 80.245 người chiếm 50,77% dân số, nữ chiếm 77.807 người chiếm 49,23% dân số. Long mỹ còn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Khmer và Hoa sinh sống. Vì vậy, trình độ dân trí và kiến thức về y tế của người dân không đồng đều. Tỉ lệ hộ nghèo 15,19%, Long mỹ có 15 đơn vị hành chính xã, thị trấn, với 94 ấp. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Nhìn chung đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn[40].
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình giới tính của đối tượng được phỏng vấn nam là 71,71%, nữ 28,29 %, tỉ lệ này chênh lệch khá lớn. Tỉ lệ đối tượng được phỏng vấn có tuổi đời từ 18-29 chiếm tỉ lệ 3,43%, từ 30-39 chiếm tỉ lệ 17,14 %, từ 40-49 là 33,14%, từ 50-59 là 27,43% và từ 60 tuổi trở lên chiến tỉ lệ 18,86%. Tỉ lệ đối tượng có học vấn dưới cấp II chiếm cao nhất là 46,29%, kế đến là cấp II chiếm 38,57%, tỉ lệ đối tượng có học vấn trên cấp II chiếm tỉ lệ thấp nhất 15,14%. Từ kết quả phỏng vấn cho ta thấy gần 50% đối tượng được phỏng vấn có trình độ dưới cấp hai, đây là tỉ lệ cao nhất, phản ánh trình độ học vấn của người dân huyện Long Mỹ nói chung còn thấp, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng khó khăn.
Theo nghiên cứu của tác giả Vương Viên Tường thì đối tượng nghiên cứu có trình độ học vấn là tiểu học và mù chữ chiếm tỉ lệ 51,2%, kế đến là trung học cơ sở (cấp II) 38,1% và Trung học phổ thông (trên cấp II) 10,7% và Theo nghiên cứu của tác giả Hồng Mùng Hai thì đối tượng nghiên cứu có trình độ học vấn là tiểu học và mù chữ chiếm tỉ lệ 51,11%, kế đến là trung học cơ sở (cấp II) 37,4% và Trung học phổ thông (trên cấp II) 11,85%.[17],[39].
Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến, Thái Thị Ngọc Thúy thì đối tượng nghiên cứu có trình độ học vấn trên cấp III chiếm tỉ lệ cao 61,4%, kế đến là cấp III chiếm 20% và cấp I rất thấp 2,2%. Có sự khác biệt rất lớn về trình độ của các đối tượng trong nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Tiến, Thái Thị Ngọc Thúy so sánh nghiên cứu của chúng tôi[33]. Các nghiên cứu của các tác giả Vương Viên Tường và Hồng Mùng Hai thì có sự tương đồng với nghiên cứu của chúng tôi, các đối tượng nghiên cứu đều ở vùng nông thôn thuộc đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, điều này nói lên trình độ dân trí, điều kiện học tập của người dân vùng nông thôn ở nhiều khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và ở huyện Long Mỹ nói riêng vẫn còn những hạn chế nhất định, có thể ảnh hưởng đến trình độ nhận thức, kiến thức của người dân về việc sử dụng cây thuốc trong chữa bệnh thông thường.
Tỉ lệ hộ nghèo trong nghiên cứu của chúng tôi là 16%, hộ cận nghèo là 16,29% và không nghèo chiếm cao nhất với 67,71%. Tỉ lệ hộ nghèo trong nghiên cứu này có cao hơn nhưng không nhiều so với với điều tra, thống kê chung của huyện 15,19%[40]. Có lẽ trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước hỗ trợ giúp đở nên nhiều gia đình thoát được nghèo nên kết quả tỉ lệ hộ không nghèo trong nghiên cứu khá cao. Có thể vì tỉ lệ hộ không nghèo cao nên các hộ gia đình có các phương tiện, nguồn lực phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh khá, có các điều kiện để tiếp cận nhanh chóng với các cơ sở y tế nên cũng chi phối trong việc quan tâm, tìm hiểu, sử dụng các cây thuốc để chữa bệnh thông thường tại nhà.
Trong nghiên cứu của tác giả Vương Viên Tường, các hộ gia đình tiếp cận về khoảng cách và thời gian với cơ sở y tế khá thuận lợi, có 65,24% từ nhà người dân đến trạm y tế là dễ đi, chỉ có 6,28% hộ gia đình
cho rằng đường đến Trạm tế là khó khăn [39]. Huyện Long Mỹ có hệ thống giao thống khá hoàn chỉnh, 100% có đường ô tô từ huyện về xã thị trấn, hơn 90% đường liên ấp được trải vật liệu cứng, có thể đi lại trong hai mùa mưa nắng.