BIỂU HIỆN LÂM SÀNG TRẦM CẢM Ở NHÓM BN NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng trầm cảm khởi phát ở người cao tuổi (Trang 106 - 109)

4.2.1. Biểu hiện lâm sàng của rối loạn trầm cảm trong giai đoạn sớm trước khi vào viện ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu

- Bằng khám xét lâm sàng có định hướng, hồi cứu chúng tôi phát hiện được các dấu hiệu về sự thay đổi sinh học thường thấy trong giai đoạn sớm ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu (bảng3.2):

- Rối loạn các yếu tố sinh học như rối loạn giấc ngủ là một trong những lo lắng nhất của người bệnh. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Vệ sinh Tâm thần Mỹ thấy có 1/3 dân số có rối loạn giấc ngủ và 100% bệnh nhân cao tuổi có rối loạn trầm cảm có biểu hiện rối loạn giấc ngủ mức độ nặng. Người bệnh khó khăn đi vào giấc ngủ, cảm giác lo lắng, sợ hãi khi lên giường (khi lên gường được 30-45 phút mà vẫn trằn trọc không ngủ được). Khi ngủ được thì giấc ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc. Khi tỉnh giấc thì không thể ngủ tiếp, người bệnh trở lên hoang mang, sợ hãi cho chính mình. Thường khi khó ngủ thì người bệnh hay có những suy nghĩ về quá khứ, những việc chưa làm được, những mâu thuẫn dày vò tâm trí người bệnh, đến khi mệt quá ngủ đi thì lại hay có giấc mơ kỳ quái hay ác mộng (có bệnh nhân cho rằng họ mất ngủ xuốt đêm) chẳng có lúc nào ngủ được yên lành. Khi tỉnh dậy bệnh nhân thấy cơ thể mệt mỏi vô cùng, tinh thần trì trệ, không thấy thoải mái. Bệnh nhân không muốn ra khỏi gường. Giấc ngủ không ổn định nên người bệnh thường hay lo lắng, tìm và mua các loại thuốc hỗ trợ để mong tìm cho mình một giấc ngủ tốt hơn. Trong giai đoạn đầu các thuốc hỗ trợ và thuốc ngủ có thể đưa người bệnh đến giấc ngủ tốt hơn, nhưng về sau dù có uống tăng liều thuốc

ngủ thì người bệnh cũng rất khó có giấc ngủ tốt. Trong nghiên cứu của chúng tôi có đến 77,4% người bệnh rối loạn giấc ngủ. Phù hợp với các nghiên cứu của Robert Baldwin, Kaplan Sadock cho rằng rối loạn giấc ngủ là triệu chứng sớm nhất ở trầm cảm của người cao tuổi.

- Những cảm giác mệt mỏi bất thường có tần suất 89,0% ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu. Cùng với biểu hiện rối loạn giấc ngủ, người bệnh thấy cơ thể mệt mỏi kéo dài, người bệnh không muốn rời khỏi chỗ nằm, không muốn vệ sinh thân thể, không muốn ăn, uống, các sinh hoạt hàng ngày đều trễ nải, người bệnh ngại giao tiếp, muốn ngồi một chỗ. Các triệu chứng mệt mỏi thường nặng hơn về buổi sáng và giảm đi vào buổi chiều. Vào các buổi chiều người bệnh thường thấy thoải mái hơn, cơ thể nhẹ nhàng hơn. Theo Miiller-Spahn & Hock[4] đây là triệu chứng thể hiện tình trạng suy giảm năng lượng chung của cơ thể. Từ phản ứng, lo lắng và mệt mỏi ở người bệnh xuất hiện những cảm giác bứt rứt khó chịu, dễ cáu gắt: 41,5% ở nhóm dưới 70 tuổi, 45,2% ở nhóm trên 70 tuổi; không muốn giao tiếp.Các biểu hiện này thường kéo dài 3 đến 5 tháng, người bệnh thường đi khám các chuyên khoa khác, lo lắng và uống rất nhiều các loại thuốc. Gia đình các người bệnh này thường cho đó là tật chứng của người già và cũng không đưa người thân đi chữa trị mà chủ yếu là chăm sóc bằng chế độ ăn uống, hay mua thuốc bổ về tự điều trị. Việc này cũng lý giải về thời gian để người bệnh đến với chuyên khoa tâm thần thường chậm trễ sau 1 năm.

- Nhiều tác giả (Nguyễn Việt,Robert C. BaldwinA. Bas et al (2002),Kaplan H.I, Sadock B.J) [34][56][84] cho rằng triệu chứng mệt mỏi có thể là biểu hiện ban đầu của rất nhiều bệnh lý khác nhau, cả các bệnh lý cơ thể và bệnh lý tâm thần. Đặc biệt ở những người cao tuổi, trước tác động của rất nhiều yếu tố tâm lý xã hội, nhiều bệnh cơ thể kèm theo. Các biểu hiện mệt mỏi của cơ thể có thể là hậu quả trực tiếp của các stress. Hơn nữa các biểu hiện này cũng xuất hiện nhiều hơn ở nhóm nghiên cứu thuộc lứa tuổi trên 70.

- Các triệu chứng của hệ thần kinh thực vật biểu hiện ở 90,3% số bệnh nhân nghiên cứu và có tỷ lệ tương tự ở cả hai nhóm tuổi trước và sau 70 tuổi. Đây là những biểu hiện nhất thời, luôn thay đổi, không hệ thống như: vã mồ hôi, lạnh chân tay, nóng bừng mặt, đánh trống ngực, chóng mặt....

- Các triệu chứng cơ thể khác có thể gặp nhiều loại, đặc biệt là các triệu chứng về tiêu hóa (chán ăn 61,9%, táo bón 49,6%, sút cân 87,1%) Nhưng những biểu hiện này gặp nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân trên 70 tuổi. Đó cũng là những triệu chứng nhẹ nhàng, kín đáo, mơ hồ, bệnh nhân khó mô tả được một cách rõ ràng, không có các biểu hiện một cách có hệ thống. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định của tác giả Shahpesandy H [93] rằng trầm cảm ở tuổi già thường biểu hiện bằng những triệu chứng “ẩn” kín đáo, không điển hình.

- Ở giai đoạn trước khi vào viện các biểu hiện giảm tập trung chú ý được nhận thấy khá rõ nét trên nhóm bệnh nhân nghiên cứu (bảng 3.2). Giảm sự tập trung chú ý (chiếm tỷ lệ 51,6%), bệnh nhân thường biểu hiện bằng hiện tượng như lơ đãng khi nói chuyện, dễ bị lôi cuốn bởi các hiện tượng khác xung quanh.Kết quả này phù hợp với nhận xét của Shahpesandy H [93] khi cho rằng 95% bệnh nhân trầm cảm có rối loạn chú ý. Các tác giả khác cũng cho rằng khả năng tập trung chú ý kém là triệu chứng bệnh nhân hay than phiền nhất.[27][37]

Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những biểu hiện sớm của trầm cảm ở người trên 60 tuổi. Đóthường là những rối loạn biểu hiện kín đáo không đặc hiệu, như các biểu hiện mệt mỏi bất thường, mệt vào buổi sáng, các rối loạn thần kinh thực vật như vã mồi hôi, đánh trống ngực…Một số các triệu chứng khác như chán ăn, sút cân, rối loạn giấc ngủ…..và rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của nhiều bệnh cảnh nội khoa khác. Các triệu chứng thường hay bắt đầu từ một sang chấn tâm lý. Kết quả này cũng phù hợp với

mô tả và nhận định của các tác giả Cole M.G và CS [104], Starkstein, SE & Robinson, RG [132]. Nguyễn Viết Thiêm [8] rằng biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm, rối loạn trầm cảm người cao tuổi rất mơ hồ và diễn biến vô cùng phức tạp, rất khó khai thác được chính xác thời điểm khởi phát các triệu chứng. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu các biểu hiện đa dạng đó của trầm cảm vẫn có thể nhận biết được nếu có sự quan tâm thoả đáng, nhất là với các bác sĩ đa khoa ở cộng đồng. Trong giai đoạn này nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì người bệnh sẽ không có các rối loạn tiếp theo, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi sẽ có ý nghĩa hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng trầm cảm khởi phát ở người cao tuổi (Trang 106 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)