Để bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản một cách tốt nhất trước hết phải tập trung vào nhận thức của người dân, phải để cho người dân hiểu một cách sâu sắc về giá trị của di sản đang tồn tại và khả năng khai thác của nó.
Cần chú trọng đến vai trò người dân và cộng đồng tại đây bởi hơn ai hết họ là những người sống trong không gian kiến trúc này. Cộng đồng cư dân ở đây không chỉ là người bị quản lý bởi các quy chế mà còn là người xây dựng nên các quy chế quản lý. Hơn ai hết họ phải là người hiểu rõ giá trị của phố cổ. Họ cần hiểu để từ đó có trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo tồn. Khu phố cổ có nhiều dự án nhưng quan trọng phải nâng chất lượng cuộc sống người dân lên. Chỉ khi họ thấy quyền lợi thiết thực, họ sẽ cùng tham gia bảo tồn. Một đề án được đề xuất lên, quan trọng hơn cả là giám sát việc thực hiện dự án đó, việc giám sát đó không chỉ là việc của chính quyền mà còn là việc của chính người dân. Đó là vai trò cộng đồng.
Chính quyền quận Hoàn Kiếm và phường trong khu Phố cổ tạo điều kiện về chính sách sửa chữa, tư vấn về mẫu nhà cụ thể để người dân sửa chữa, cải tạo phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Trước tiên phải đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt người dân tại các ngôi nhà. Có ổn định thì người dân mới cùng tham gia đảm bảo cải tạo công trình kiến trúc đặc trưng. Để hướng dẫn người dân Phố cổ cải tạo và xây dựng mới trong khu phố cổ, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cần cung cấp tài liệu về bảo vệ, gìn giữ mẫu kiến trúc đặc trưng và giải pháp bảo tồn, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại. Ngoài ra, cần xem xét có chính sách tài chính hỗ trợ những người dân có thu nhập thấp trong việc đầu tư sửa chữa nhà cửa, bảo tồn, giá trị di sản Phố cổ; cũng có thể tạo nguồn kinh phí thông qua việc tuyên truyền vận động khách du lịch tham gia công tác bảo tồn, qua hình
thức thu phí tham quan…
Bên cạnh đó, cũng cần có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục tích cực hiệu quả để người dân phố cổ có ý thức trong việc giữ gìn môi trường, tránh việc xâm hại di tích và đóng góp công sức, xã hội hóa việc xây dựng, trùng tu di tích, cần cho họ hiểu rằng bảo tồn Phố cổ Hà Nội chính là bảo tồn chính môi trường sống của họ. Một số biện pháp cụ thể là:
- Thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các phong trào xây dựng giá trị nhân văn trong khu phố cổ, khơi dậy nét văn hóa ứng xử thanh lịch đặc trưng trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân xứ kinh kỳ xưa: Khuyến khích người dân phố cổ tích cực tham gia tổng vệ sinh vào sáng thứ 7 hàng tuần, bóc quảng cáo, tờ rơi dán trên tường nhà cũng như khu vực công cộng, không vứt rác bừa bãi ra đường; kêu gọi các hộ kinh doanh cam kết không bày bán ngoài vỉa hè, không bán hàng rong, không chèo kéo lừa đảo du khách.
- Thành lập các tổ tự quản để giữ gìn trật tự, có hình thức cưỡng chế, xử phạt nghiêm khắc với các hiện trạng vi phạm những cam kết trên.
- Nhanh chóng tìm kiếm, tập hợp và huy động cũng như có những chế độ đãi ngộ hợp lý để các nghệ nhân phố nghề xưa hiện nay vẫn đang sinh sống trong phố cổ tự nguyện tổ chức những hoạt động biểu diễn nghề, truyền nghề, viết lại các bí quyết nghề cho các thế hệ trẻ muốn theo học. Có thể lấy tấm gương của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, hiện đang sống tại 22 và 25 phố Mã Mây, để nhân rộng mô hình kêu gọi sự chung sức bảo vệ văn hóa cổ của người dân. Chẳng hạn như nơi bà ở hiện nay cũng là nhà hàng dạy các món ăn truyền thống Hà Nội cho du khách nước ngoài để người ta hiểu về văn hóa ẩm thực Hà Nội; Bà cũng nhận lời gửi gắm của nhiều gia đình tại Hà Nội cho con cái đến theo học nữ công gia chánh hay nhờ bà rèn giũa để giữ lấy văn hóa gốc của người Hà Nội trước khi đi du học hay trước khi trưởng thành [44]. Chắc chắn hiện nay ở phố cổ vẫn còn rất nhiều những nghệ nhân có tài năng và tấm lòng như nghệ nhân Ánh Tuyết. Điều cần làm là phải tìm ra họ, trân trọng mời và tạo điều kiện để họ có thể hết lòng truyền bá lại, giữ lại cái hồn, cái vốn quí, cái tinh hoa của Hà Nội xưa trong từng nếp sống, cách cư xử và bí quyết nghề nghiệp.