Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối bán buôn. Xưa kia, chợ bán nhiều mặt hàng nhưng hiện nay, chợ chủ yếu bán các hàng điện tử, gia dụng, vải vóc, quần áo. Tuy nhiên, chợ vẫn được xem là trung tâm của thành phố với hoạt động mua bán nhộn nhịp, sầm uất và đầy đủ nhất.
Ngoài hoạt động buôn bán các mặt hàng ở trong nhà lồng chợ, chợ Đồng Xuân còn có các loại hình dịch vụ khác như cho thuê mặt bằng và quản lí khu chợ đêm Đồng Xuân. Chợ đêm ban đầu hình thành ở khu vực trước cổng chính chợ, sau đã được mở rộng sang khu vực phố Cầu Đông. Lúc này, chợ đêm Đồng Xuân được bổ sung kết hợp thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian vào ngày cuối tuần. Hiện nay, chợ đêm Đồng Xuân cùng với tuyến đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân đã tạo nên bản sắc hoạt động du lịch của thành phố và góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của thủ đô.
Có lẽ tới thăm Hà Nội, chẳng có ai là không muốn dạo một vòng chợ đêm phố cổ. Chợ họp vào tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, trên các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường giờ đây đã được mở rộng qui mô, sang Hàng Khoai và kéo dài tới Hàng Giầy. Phố đi bộ được tổ chức vào 3 buổi tối cuối tuần từ thứ 6 đến Chủ nhật, còn chợ đêm Đồng Xuân họp cả tuần, đặc biệt thứ 7 hàng tuần chợ còn tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian như hát chèo, xẩm, ca trù, quan họ do Hội Nhạc sỹ Việt Nam thực hiện.
Chợ đêm có đủ các mặt hàng từ thời trang, tới gia dụng, các món ăn dân dã, các dịch vụ vẽ tranh tại chỗ, chụp ảnh lấy ngay,… mà tất cả đều có mức giá hết sức bình dân. Có lẽ vì vậy mà mỗi phiên chợ cuối tuần, đặc biệt là các dịp lễ tết, chợ đêm lúc nào cũng nhộn nhịp người tới thăm. Ở chợ đêm, có đến 2/3 các gian hàng bày bán sản phẩm làng nghề, đồ thủ công mỹ nghệ nhưng du khách không cảm thấy sự lặp lại nhàm chán. Cùng một mặt hàng, nhưng ở mỗi gian hàng lại có mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Hàng thủ công mỹ nghệ làm từ gốm, sứ, gỗ, tre như búp bê dân tộc, tranh tre, khung gỗ, dây trang trí đeo cổ... của các cơ sở sản xuất nổi tiếng ở Hà Tây, Bát Tràng, Đông Mỹ. Các gian hàng quần áo, tất mũ, khăn, vải lụa cũng phong phú về kiểu dáng và màu sắc.
Phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và chợ đêm Đồng Xuân đã thể hiện được nhiệm vụ chính là khai thác nét văn hóa phố cổ Hà Nội; quảng bá kiến trúc, không gian phố cổ; giới thiệu sản phẩm làng nghề phố nghề Hà Nội và xây dựng điểm đến của du lịch Hà Nội. Theo thống kê của văn phòng Du lịch Đồng Xuân (thuộc công ty cổ phần Đồng Xuân) thì trung bình mỗi tháng, chợ Đồng Xuân đón khoảng 7600 khách du lịch nước ngoài. Vì thế, để quảng bá hơn nữa hình ảnh chợ, cũng như tạo điều kiện cho việc phát triển kinh doanh hàng tiêu dùng và thủ công mĩ nghệ, công ty cổ phần Đồng Xuân đang tổ chức khai thác tour du lịch tại chợ, đồng thời liên kết với các công ty lữ hành để tuyến du lịch này được đưa vào hoạt động sớm nhất có thể. Công ty cũng đang tiến hành dựng lại lịch sử của chợ bằng hình thức xây dựng sách, đĩa để giới thiệu với du khách. Ngoài ra, từ năm 2010 công ty cổ phần Đồng Xuân đã bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân đạt chuẩn điểm du lịch của thành phố, nghiên cứu phát triển dịch vụ và nơi lưu trú cho khách du lịch[21].
Tiểu kết chƣơng 2
Trong hàng trăm công trình kiến trúc trong khu phố cổ Hà Nội, có thể nói Nhà cổ 87 Mã Mây, Đền Bạch Mã, chợ Đồng Xuân, đình Kim Ngân là bốn di tích tiêu biểu bởi giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử - tâm linh của các công trình kiến trúc ở phố cổ Hà Nội. Bên cạnh các công trình được đầu tư tôn tạo như Nhà cổ 87 Mã Mây, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân thì một số công trình vẫn chưa được quan tâm đầu tư tu sửa đúng mức, hoặc được đầu tư tu sửa nhưng đã
làm mất đi những giá trị vốn có ban đầu. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc cần được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương, người dân Phố cổ cũng như khách du lịch để có thể khai thác tốt giá trị các công trình này phục vụ phát triển du lịch bền vững.
CHƢƠNG 3:ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC TIÊU BIỂU
TRONG KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THEO HƢỚNG BỀN VỮNG