Ban đầu, chợ chỉ có hàng rào tre nứa, sau dựng năm dãy chợ bằng khung sắt, khánh thành vào năm 1890. Chợ gồm năm gian to rộng, lợp tôn. Phía sau là chợ Bắc Qua, không lợp. Chợ Đồng Xuân xây xong, chợ Cầu Đông bị giải tán, các hàng được đưa vào buôn bán ở chợ mới. Chợ được chia thành từng khu: hàng tấm, hàng xén, hàng giày, dép, mũ, nón, quần áo may sẵn, hàng xáo, hàng cây, chim, cá cảnh, hoa quả, gà, vịt, thịt, thuỷ sản (phía sau chợ), khoai sắn, các loại củ, chè tươi... (khu chợ không có mái lợp). Hàng hương hoa, thịt quay được xếp ở ven tường phía ngoài chợ cùng với các hàng giải khát, hàng quà, hàng ăn... Hằng ngày, chợ họp đến 5 giờ chiều là có hồi trống báo đuổi chợ. Năm 1947, chợ Đồng Xuân là một trong những căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của Hà Nội.
Chợ Đồng Xuân hơn 100 năm sau đã được xây lại, xong được ít lâu thì ngày 14/07/1994 lại bị hoả hoạn lớn do chập điện, phải làm lại lần nữa, chợ còn lưu giữ những nét căn bản của hình dáng cũ và đã đưa vào hoạt động từ đầu năm 1997. Chợ Đồng Xuân hiện nay cao ba tầng, kích thước rộng 73,5m, dài 130,5m, có khu giao dịch, bán hàng, phần chợ Bắc Qua xây mới trên móng cũ có gia cố cẩn thận, bảo tồn mặt tiền chợ Đồng Xuân cũ, nhiều cầu thang, lối đi thóang đãng với ba lối vào phía trước, 3 lối vào phía sau, 2 lối vào phía hông (có
cầu thang bê tông), 2 cầu thang ngoài trời lên chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, 5 cầu thang lên các tầng trên và một hệ thống thang máy hiện đại. Giữa hai chợ Đồng Xuân và Bắc Qua có lối thông thương bằng cầu thang, cầu nối, có dải phân cách phòng cháy chữa cháy, đường ô tô xung quanh toàn khu chợ. Có khu tắm gội, vệ sinh ở các tầng, có mái hứng gió, bể chứa nước to xây ngầm, các cột cứu hoả, trụ cứu hoả, hệ thống phun nước tự động khi cháy, nhiều cửa từ chợ ra đường phố[22].
2.1.4.3. Giá trị lịch sử - tâm linh
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu I và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Các trận chiến giữa Vệ quốc quân chống lại lính lê dương của Pháp cũng đã diễn ra ở đây. 60 ngày đêm khói lửa, từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, nhân dân khu vực Đồng Xuân đã anh dũng, kiên cường chiến đấu. Sự kiện sáng ngày 18. 12. 1946 đã đi vào lịch sử. Lính Pháp tấn công trụ sở tự vệ Hàng Lược. Ngay sau đó, chợ Đồng Xuân lập tức đóng cửa, một chiến luỹ bằng bàn ghế, sạp gỗ được lập để cản đường xe địch. Hình