Các nội dung giáo dục đạo đức cho thiếu niên trong gia đình

Một phần của tài liệu thực trạng giáo dục đạo đức cho thiếu niên ở xã hồng quảng, huyện a lưới,tỉnh thừa thiên huế (Trang 34 - 35)

- Nêu cao hơn nữa trách nhiệm của từng thành viên trong UBND xã được phân công phụ trách các

1.4.2.Các nội dung giáo dục đạo đức cho thiếu niên trong gia đình

Từ xưa đến nay, lòng kính trọng, hiếu thảo đối với ông, bà, cha, mẹ vẫn được coi là yếu tố đạo đức quan trọng nhất đối với trẻ ở trong gia đình. Bởi lẽ nếu một con người không có lòng hiếu thảo, nghĩa là không biết tôn kính, chăm sóc ông, bà, cha mẹ - những người ruột thịt đã sinh thành, nuôi dưỡng mình - thì cũng không thể có tình cảm yêu thương cộng đồng, dân tộc, lòng nhân ái đối với con người.

Cha mẹ cần giáo dục trẻ sự cảm thông sâu sắc với điều kiện, hoàn cảnh gia đình để trẻ biết sống “tuy gia phong kiệm” không đòi hỏi, ganh tỵ với những gia đình khá giả giàu có hơn gia đình mình nhằm tạo nên không khí thuận hoà, ấm cúng, đồng cam cộng khổ trong gia đình.

Cha mẹ cũng cần giáo dục cho trẻ biết làm theo lẽ phải và biết hoàn thành những công việc được giao với thái độ vui vẻ, với tinh thần trách nhiệm cao.

Mặt khác cha mẹ cần giáo dục con cái ý thức tôn trọng quan hệ tôn ty trật tự ở trong gia đình, làm anh làm chị phải tôn trọng, bao dung, nhường nhịn các em; làm em phải tôn trọng anh chị, phải có thái độ yêu thương, cư sử đúng mực với anh, chị em trong gia đình, với cô, gì, chú, bác trong gia tộc.

Cha mẹ cần giáo dục trẻ sống nhân ái, đó là giáo dục lòng yêu thương con người, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn, không tham lam, độc ác để trở thành người lương thiện. Hiện nay trong điều kiện của nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường, việc giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ của gia đình lại càng có ý nghĩa quan trọng, giúp các em hình thành và phát triển những phẩm chất của người công dân biết dung hoà quyền lợi của cá nhân mình với quyền lợi của tập thể, của gia đình và xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ.

Gia đình cũng cần phải có giáo dục cho trẻ tính khiêm tốn, chân thực, không tự cho mình hơn người khác, không dối trá, lừa lọc mọi người. Người có tính chân thực, khiêm tốn không những biết học tập ở người khác những điều hay mà còn biết cư sử chu đáo, cẩn thận, biết tôn trọng nhân cách, phẩm giá của mình, không để người khác coi thường mình. Khiêm tốn, chân thực là những nét nhân cách đẹp của con người, song để rèn luyện giáo dục được nó vô cùng khó khăn. Bởi vậy cha mẹ cần đặc biệt quan tâm giúp đỡ trẻ nỗ lực ý trí, chiến thắng bản thân mình, biểu hiện ở việc: biết nhận lỗi, biết tôn trọng sự thật, lời nói phải đi đôi với việc làm...

Ngoài ra gia đình cần quan tâm giáo dục con tình cảm yêu quê hương đất nước, sẵn sàng làm mọi việc để quê hương thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Trên cơ sở đó giáo dục thiếu niên lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng hi sinh phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, văn minh.

Tóm lại, ngày nay giáo dục đạo đức trong các gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách lớn lao, khi nền kinh tế theo cơ chế thị trường đang làm thay đổi nhiều giá trị chuẩn mực, tạo ra biết bao tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ em, nhất là lứa tuổi thiếu niên - lứa tuổi đang sống và học tập dưới sự bảo trợ của gia đình. Vì vậy các bậc cha mẹ cần quan tâm giáo dục trẻ những yếu tố đạo đức truyền thống, tốt đẹp mang đậm bản sắc dân tộc, để hình thành nên những con người chân chính, lương thiện, góp phần tạo ra đời sống hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Một phần của tài liệu thực trạng giáo dục đạo đức cho thiếu niên ở xã hồng quảng, huyện a lưới,tỉnh thừa thiên huế (Trang 34 - 35)