THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Một phần của tài liệu phân tích và đánh giá tình hình cho vay mua, xây dựng và sửa chữa nhà tại vib cần thơ (Trang 47 - 50)

Bắt đầu từ cuối quý I/2007 giá nhà đất đã nóng lên, bắt đầu với một số khu vực ở thành phố Hồ Chí Minh sau đó lan ra Hà Nội (vốn đã có giá rất cao). Thời điểm đó giá nhà đất chỉ mới vừa nóng, sốt cục bộ ở một số nơi, một số loại, lại cộng thêm Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 03 khống chế các ngân hàng thương mại không được cho vay đầu tư chứng khoán vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi, đã làm cho chỉ số giá chứng khoán tại thành phố Hồ Chí Minh giảm từ 1.170 điểm (vào ngày 12.3.2007) xuống còn 927 điểm vào ngày cuối năm. Do đó, có sự dịch chuyển vốn từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản. Ngoài ra, vào thời điểm này, thị trường bất động sản đã thu hút một lượng vốn đầu tư nước ngoài từ các công ty Tài chính và kiều hối. Vì thế cuối năm 2007, giá nhà đất bước vào cơn sốt thực sự, với mức tăng giá không phải tính bằng phần trăm mà tính bằng mấy chục phần trăm, thậm chí phải tính bằng lần, mấy lần, và lan ra các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đã có chuyên gia ước tính lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản đã lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng, gấp gần chục lần lượng vốn cho vay đầu tư chứng khoán sau khi đã được rút xuống theo Chỉ thị 03; "Bong bóng" giá nhà đất đã xuất hiện. Mà đã có "bong bóng", thì sẽ có nguy cơ vỡ "bong bóng".

Trước bối cảnh đó, VIB Cần Thơ đầu tư mua, xây dựng và sửa chữa nhà rất hiệu quả. Năm 2006, tỷ số giữa dư nợ của cho vay mua, xây dựng và sửa chữa nhà và tổng tài sản là 13,38%, năm 2007 là 9,34%. Chỉ xét năm 2007 thì tổng tài sản thế chấp bất động sản tại VIB chiếm 46.7% tổng tài sản. Nếu thị trường bất động sản sụp đổ thì sẽ rất nguy hại cho Ngân hàng. Tuy chủ trương của Chính Phủ là không để thị trường bất động sản sụp đổ, nhưng Chính Phủ và NHNN đã đưa ra một số chính sách vĩ mô như thắt chặt tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ cho vay bất động sản, đánh thuế lũy tiến ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, để “bong bóng” bất động sản xì hơi. Khi bất động sản “xì hơi” thì giá trị tài sản thế chấp giảm, Ngân hàng đứng trước rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, với mức tăng trưởng đầu tư mua, xây dựng và sửa chữa nhà cao kết hợp với chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN trong khi nguồn huy động vốn trung và dài hạn không ổn định, nên cũng như những NHTM khác, VIB Cần Thơ gặp phải rủi ro thanh khoản.

Đầu tư bất động sản thu hút một nguồn vốn lớn trung và dài hạn. Vì thế, Ngân hàng nên có chiến lược phát triển nguồn vốn, tích cực huy động các nguồn vốn trung và dài hạn ổn định, chẳng hạn huy động từ các công ty bảo hiểm.

Bất động sản là tài sản có hệ số rủi ro qui đổi là 100%. Vì vậy, cần thiết lập chỉ tiêu cho vay an toàn đối với đầu tư mua, xây dựng và sửa chữa nhà, sao cho vừa đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, đảm bảo lợi nhuận cho Ngân hàng, nhưng cũng vừa không tác động đến lạm phát cũng như ảnh hưởng tính thanh khoản của Ngân hàng.

Nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn, nhất là những người nghèo. Nhưng đâu là nhu cầu thật để ở hay là đầu cơ mua đi bán lại, Ngân hàng cần phải có biện pháp để nhận biết rõ được điều đó, tránh tình trạng góp phần thổi phòng “bong bóng” bất động sản mà không thực sự giải quyết được vấn đề an sinh cho người dân.

Chính phủ cần có các biện pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tránh tạo “bong bong” cho thị trường bất động sản.

VIB nên giám sát chặt chẽ các biến động, xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro dựa trên nguyên lý vận động của thị trường và nên nghiên cứu, phân tích thị trường bất động sản trước khi đầu tư.

Một phần của tài liệu phân tích và đánh giá tình hình cho vay mua, xây dựng và sửa chữa nhà tại vib cần thơ (Trang 47 - 50)