Thể chế thương mại

Một phần của tài liệu Phát triển thương mại bền vững trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 51 - 53)

Muốn PTBV điều kiện đầu tiên và tiên quyết là chính quyền nhà nước các cấp phải xây dựng được các thể chế bao gồm hệ thống luật pháp, chính sách về PTBV của Chính phủ và tỉnh, các cơ chế và quy tắc vận hành, năng lực của bộ máy quản lý, năng lực thể chế thể hiện trước hết ở năng lực xây dựng và thực thi các chính sách để thực hiện mục tiêu PTBV, nó thể hiện quan điểm chính thức của quốc gia và địa phương đối với vấn đề phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển thương mại nói riêng theo hướng bền vững. Một nền kinh tế nói chung và thương mại nói riêng không thể PTBV nếu như các cấp điều hành nó không mong muốn đạt được trạng thái đó. Quan điểm, thể chế và phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương là cơ sởđể xây dựng chiến lược phát triển thương mại của địa phương.

Trong thực tế, môi trường thể chế toàn cầu và khu vực ảnh hưởng sâu sắc đến thương mại quốc tế tại các địa phương. Luật pháp, chính sách, biện pháp của các quốc gia và các điều ước, thông lệ quốc tế, đây là các yếu tố liên quan trực tiếp đến các hoạt động thương mại quốc tế, đòi hỏi các địa phương phải tính đến khi xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta mở cửa hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Thể chế thương mại trong nước sẽ đóng góp cao vào sự hoàn thiện môi trường kinh doanh, góp phần phát triển thương mại. Hệ thống luật kinh doanh và những đạo luật có liên quan trực tiếp đến sự PTBV của thương mại.

Vấn đề PTBV nói chung và thương mại bền vững nói riêng ở cấp địa phương thể hiện tập trung nhất trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội và chính sách bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quan điểm về tăng trưởng về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong từng giai đoạn nhất định ở các địa phương gặp nhiều trở ngại do nhận thức khác nhau giữa những người làm công tác thương mại và công tác môi trường, vấn đề lồng ghép các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường bị xem nhẹ, sự phối hợp trong việc đề ra chính sách thương mại và chính sách môi trường chưa coi trọng đúng mức. Để thực hiện chiến lược, trong mỗi giai đoạn phát triển thường có một hoặc một số chính sách thương mại khác nhau được thực hiện nhằm đạt được mục tiêu chung của chiến lược. PTTMBV phải được đặt ra là bộ phận không thể tách rời trong chiến lược phát triển của quốc gia, vùng, lãnh thổ, địa phương và doanh nghiệp. Chiến lược phát triển thương mại bao gồm chiến lược của cả quốc gia và chiến lược của các vùng và địa phương, trong đó chiến lược phát triển thương mại vùng phải được xây dựng trên cơ sở chiến lược phát triển thương mại của quốc gia, tiếp theo đó chiến lược phát triển thương mại của các địa phương phải được xây dựng trên cơ sở chiến lược vùng và chiến lược chung của cả nước.

Để đảm bảo PTBV nói chung và PTTMBV nói riêng, năng lực hoạch định chính sách có vai trò quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến thương mại bền vững trong quá trình xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chính sách tăng trưởng phải tập trung vào việc nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ việc dựa vào lợi thế sẵn có về tài nguyên và lao động sang lợi thế cạnh tranh dựa vào vốn, công nghệ và tri thức. Môi trường thể chế, chính sách ổn định, hợp lý sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều khoản vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường. Điều kiện để đảm bảo tăng trưởng thương mại bền vững là có chính sách PTBV đúng đắn, quản lý trong sạch và sáng suốt, chất lượng lao động cao, phù hợp với nền kinh tế hội nhập và mang tính cạnh tranh cao.

Một phần của tài liệu Phát triển thương mại bền vững trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 51 - 53)