Đánh giá nhân lực là sự đánh giá có hệ thống và chính thức tình hình thực hiện công việc của người (nhóm người) lao động trong quan hệ so sánh với các tiêu chuẩn đã được xây dựng và thỏa thuận về sự đánh giá đó với người lao động.
Trong công ty hiện nay đang sử dụng phương pháp đánh giá bao gồm:
+ Phương pháp thang điểm: Căn cứ theo nội dung, tiêu chí đánh giá chung đối với người lao động về khối lượng, chất lượng, hành vi, tác phong và triển vọng của họ. Với mỗi nội dung, tiêu chí đánh giá thực hiện công việc được lựa chọn, cán bộ đánh giá sẽ đưa ra các mức điểm khác nhau, sắp xếp theo thang đo từ thấp đến cao. Khi tiến hành đánh giá, người đánh giá sẽ cho ý kiến của mình dựa trên thang đo này.
+ Phương pháp xếp hạng: Những người được đánh giá được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp, hoặc từ thấp lên cao theo một tiêu chí hoặc tổng hợp các tiêu chí. Cơ sở để thực hiện việc sắp xếp là tình hình thực hiện công việc cụ thể của từng cá nhân.
+ Phương pháp nhật ký ghi chép: Trưởng các bộ phận hoặc người phụ trách trực tiếp của nhân viên sẽ tiến hàng ghi chép lại hết những sai lầm, những trục trặc hay những kết quả tốt của người lao động.
Người đánh giá: Nhân viên tự đánh giá, đồng nghiệp đánh giá và người quản lý trực tiếp đánh giá.
Chu kỳ đánh giá: Đánh giá theo tháng, quý, năm
Đánh giá nhân lực là một trong những công cụ quan trọng để:
+ Giúp cán bộ nhân viên được nhìn nhận một cách chính xác những cống hiến của họ đối với công ty và giúp công ty xây dựng được chiến lược quản lý nguồn nhân lực phù hợp.
+ Làm tiền đề cho các hoạt động quản trị nhân lực khác như tuyển dụng, đào tạo và phát triển, bố trí sử dụng nhân lực và đặc biệt trong hoạt động đãi ngộ nhân lực tại công ty như tăng lương, khen thưởng...