Những hạn chế vướng mắc :
Hoạt động cho vay tiêu dùng chưa thực sự được quan tâm: Qua phân tích các tỷ số tài chính qua các năm ta thấy, tỷ trọng dư nợ cho vay trong tổng dư nợ cho vay chưa quá 2% mỗi năm, tỷ trọng thu lãi từ cho vay tiêu dùng trong tổng lãi thu từ cho vay chưa đến 0,2% mỗi năm. Đây là những con số rất rất nhỏ, nó cho thấy hoạt động này chưa thực sự được chi nhánh Vietinbank Hoàn Kiếm quan tâm đúng mực.
Các sản phẩm cho vay tiêu dùng chưa đa dạng: Hoạt động cho vay tiêu dùng tại Chi nhánh dù đã có nhiều chuyển biến, phát triển rõ rệt, nhưng vẫn chưa đáng kể so với nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm cho vay tiêu dùng tại Chi nhánh vẫn chưa đa dạng, chỉ tập trung chủ yếu vào cho vay mua phương tiện đi lại, mua nhà đất và sửa chữa nhà cửa.
Hoạt động cho vay tiêu dùng chưa cạnh tranh được với các NHTM và tổ chức tài chính khác. Địa bàn Hoàn Kiếm là nơi tập trung khá nhiều các NHTM cũng như các TCTC khác. NHTMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Hoàn Kiếm là một trong những ngân hàng có bề dày lịch sử, tuy nhiên trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, chi nhánh chưa thể cạnh tranh với các ngân hàng khác trên cùng địa bàn. Với những ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ cho vay luôn đạt trong khoảng 40% - 50% so sánh con số này của chi nhánh quá nhỏ. Thực tế, những ngân hàng như ACB, DongAbank,… đã quan tâm tới thị phần cho vay tiêu dùng từ khi hoạt động này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Rõ ràng Vietinbank Hoàn Kiếm còn khá “non trẻ” để phát triển thị phần bán lẻ, các sản phẩm dịch vụ chưa thực sự đa dạng và hấp dẫn khách hàng. Điều đó, khiến chi nhánh gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến dành thị phần trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Nguyên nhân
a) Nguyên nhân chủ quan
Trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động cho vay tiêu dùng chưa được xem là hoạt động chiến lược của Vietinbank nói chung và Vietinbank Hoàn Kiếm nói riêng. Xuất phát điểm là một ngân hàng thương mại quốc doanh, chi nhánh Vietinbank Hoàn Kiếm cũng như các chi nhánh khác trong cùng hệ thống luôn ưu tiên phát triển hoạt động cho vay trung và dài hạn, hướng đến đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp Nhà Nước. Thực tế những hoạt động ưu tiên và kích thích việc mở rộng cho vay tiêu dùngchưa được rõ ràng. Mặc dù chi nhánh đã có những cố gắng nỗ lực tuy nhiên kết quả đạt được là chưa cao.
Bên cạnh đó, trình độ và nghiệp vụ của cán bộ tín dụng cá nhân còn hạn chế. Cán bộ tín dụng là nhân tố rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới sự thành bại của một hợp đồng tín dụng. Tập thể cán bộ chi nhánh Vietinbank Hoàn Kiếm hầu hết đều năng động, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm khá cao. Bản thân mỗi cán bộ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Dù cán bộ tín dụng là những người được đào tạo bài bản về kiến thức ngân hàng, tài chính nhưng kỹ năng marketing sản phẩm của cán bộ tín dụng vẫn chưa cao.
Mặt khác, các sản phẩm cho vay tiêu dùng của chi nhánh mới dừng lại ở những sản phẩm truyền thống như cho vay mua ô tô, mua nhà… chưa có những sản phẩm mang tính vượt trội để cạnh tranh với các ngân hàng khác trên cùng địa bàn.
Ngoài ra, đối tượng khách hàng được phép vay tiêu dùng tại chi nhánh cũng bị hạn chế bởi yêu cầu của tín dụng tiêu dùng khá khắt khe. Cụ thể, đối với cho vay mua nhà, xây dựng và sửa chữa nhà cũng như cho vay mua ôtô, chi nhánh chỉ thực hiện cho vay đối với những khách hàng có hộ khẩu thường trú tại địa bàn của chi nhánh. Điều kiện ràng buộc này đã và sẽ loại trừ rất nhiều khách hàng tiềm năng tốt những người có thu nhập cao, làm việc tại địa bàn của chi nhánh nhưng không có hộ khẩu thường trú.
Không chỉ vậy, khâu marketing, tiếp thị, quảng cáo hình ảnh, sản phẩm của chi nhánh chưa thực sự được chú trọng. Hầu hết khách hàng đến với chi nhánh là những khách hàng thân quen, đã có những giao dịch trước đó. Điều này làm hạn chế việc mở rộng giao dịch với những khách hàng mới, có tiềm năng.
b) Nguyên nhân khách quan
Có thể thấy rõ, tín dụng tiêu dùng là một hình thức khá mới mẻ đối với thị trường tài chính Việt Nam. Thói quen và tâm lý của người Việt Nam chưa quen với việc đi vay để tiêu dùng, vì thường họ chỉ tiêu trên số tiền họ kiếm ra chứ không mạo hiểm đi vay để tiêu rồi “ngồi trên đống nợ”. Như vậy, để phát triển, mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng, các NHTM nói chung và chi nhánh Vietinbank Hoàn Kiếm nói riêng phải tìm ra được biện pháp xóa bỏ rào cản tâm lý ấy.
Nền kinh tế không ổn định, môi trường kinh doanh có nhiều biến động là một trong những nguyên nhân khách quan trong việc hạn chế cho vay tiêu dùng. Hai năm 2011 và 2012, tăng trưởng GDP của Việt Nam có sụt giảm so với đà tăng trưởng trước đó. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2011 là 6,18% và năm 2012 là 5,32%. Lãi suất huy động vốn lẫn lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh. Điều này được hiểu là do khủng hoảng kinh tế thế giới lẫn lạm phát gây ra. Nó phần nào hạn chế khả năng tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng đến tới tiềm năng phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng.
Hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng còn thiếu và chưa đồng bộ. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào đối với tín dụng tiêu dùng. Hiện nay,
các ngân hàng đang tự lập ra những quy định riêng, điều kiện riêng trong hoạt động tín dụng tiêu dùng và các ngân hàng khác nhau thì những điều khoản ấy cũng khác nhau, chưa có sự thống nhất chung. Giữa các NHTM là điều không thể tránh khỏi. Hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có rất nhiều NHTMCP như Techcombank, VPbank, VIB bank…,và các ngân hàng liên doanh nước ngoài như ANZ hoạt động đã tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt. Các ngân hàng cạnh tranh nhau bằng cách đưa ra các chính sách linh hoạt về lãi suất, mức lãi suất thấp, sản phẩm đa dạng... Đặc biệt, có một vài NHTMCP còn có rất chú trọng đối với mở rộng cho vay tiêu dùng với nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ cho người tiêu dùng vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến doanh số cho vay tiêu dùng của chi nhánh trên địa bàn.