Theo các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước [8], [12], [20], khoảng 97% trẻ mới sinh có thói quen đẩy lưỡi, theo Gellin con số này giảm xuống 80% lúc 5 – 6 tuổi, và 3% lúc 12 tuổi, một nghiên cứu khác về khớp cắn ở trẻ em 6 – 11 tuổi thấy rằng 85% trẻ có thói quen đẩy lưỡi, trong khi đó 15% thói quen này còn kéo dài đến đầu tuổi thiếu niên, và nó chỉ được chấm dứt khi quá trình nuốt đã phát triển hoàn thiện.
Quan niệm trước đây cho rằng đẩy lưỡi là nguyên nhân gây ra các lệch lạc về răng, thực ra lưỡi chỉ đặt áp lực lên răng khoảng 1 giây trong 1 lần nuốt, một người chỉ thực hiện khoảng 800 lần nuốt trong toàn bộ thời gian thức và vài lần nuốt/giờ khi ngủ trong một ngày [12], vậy trong một ngày mỗi người chỉ nuốt khoảng 1000 lần, tương đương 1000 giây, tức là chưa đến 20 phút/ngày, khoảng thời gian này là quá ít để làm di chuyển răng. Tuy nhiên, nếu trong những trường hợp trẻ có vị trí nghỉ của lưỡi nằm về phía trước; sang hai bên; vừa về phía trước vừa sang hai bên dù rất nhẹ nhưng với thời gian tác động đủ dài, sẽ làm di chuyển răng, khi đó tùy theo vị trí nghỉ của lưỡi mà ta có các loại sai lệch khớp cắn khác nhau:
+ Cắn hở vùng răng trước: do vị trí lưỡi nằm về phía trước và đẩy lưỡi ra trước khi nuốt làm nghiêng lệch các răng trước hàm trên và hàm dưới.
+ Cắn hở vùng răng sau: do vị trí của lưỡi nằm về phía sau và tràn lên mặt nhai vùng răng sau làm lún và nghiêng l ệch các răng sau hàm dưới.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng nhiều khi đẩy lưỡi ra trước là kết quả của cắn hở vùng răng trước, răng cửa trên nghiêng ra trước, trẻ không thể khép kín môi khi nuốt, nên có khuynh hướng chêm lưỡi giữa các răng cửa trên và dưới để đóng kín phần trước của khoang miệng, như vậy chức năng và vị trí bất
thường của lưỡi có thể là nguyên nhân của sai khớp cắn, nhưng cũng có thể là sự đáp ứng của lưỡi đối với sai lệch khớp cắn có từ trước. Để điều trị thói quen xấu này cần dùng tấm chặn lưỡi, vị trí của tấm chặn lưỡi có thể ở phía trước hoặc phía bên tùy thuộc vào vị trí của lưỡi chêm giữa các răng trước hoặc răng sau.
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 24 trường hợp thói quen xấu đẩy lưỡi
thì có tới 23 em sai lệch khớp cắn chiếm 95,8%, trong đó sai khớp cắn loại I là 13 em chiếm 54,2%, loại II là 6 em chiếm 25,0% và loại III là 4 em chiếm 16,6%, 22 em bị nghiêng lệch răng trước hàm trên chiếm 91,7%, 23 em lệch lạc răng trước hàm dưới (chiếm 95,8%), 10 em khớp cắn hở (chiếm 41,7%), 4 em bị khớp cắn ngược. Thói quen xấu đẩy lưỡi sẽ gây lên tình trạng lệch lạc răng, làm gia tăng tình trạng cắn hở và cắn ngược, khác với thói quen xấu mút ngón tay và mút môi dưới, thói quen xấu này làm gia tăng tỉ lệ sai khớp cắn loại III. Tình trạng lệch lạc khớp cắn ở các em học sinh có thói quen xấu đẩy lưỡi cao hơn ở những em không có thói quen xấu này, và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với P < 0,05.