Thật ra thói quen này có nguồn gốc từ phản xạ nuốt ngay từ khi trong bụng Mẹ, và người ta thấy rằng có sự co của các cơ miệng, ngay sau khi sinh ra phản xạ nuốt được hình thành và đây là phản xạ của chức năng cơ và thần kinh (bên cạnh phản xạ bám víu). Phản xạ nuốt và bám víu đều giúp trẻ phát triển và có ảnh hưởng đến sự định hướng ban đầu ở trẻ. Tuy nhiên nhờ phản xạ nuốt mà đứa trẻ cảm thấy được no bụng, vì lẽ đó mà phản xạ nuốt sẽ phát triển trội hơn phản xạ bám víu, khi bắt đầu nghe và thấy trẻ sẽ cố gắng tiến đến gần vật được nghe và thấy rồi cho vào miệng tất cả mọi vật có trong tay, mặc dầu lúc đó cử động của tay và chân còn kém, nhưng đứa trẻ sẽ cố gắng giữ tất cả mọi vật trong miệng cho đến khi đã liếm và nếm xong, tức là khi đã có cảm giác ở miệng, vật ngon thì trẻ sẽ ăn và nếu vật không ngon thì trẻ sẽ phun ra, nhăn mặt và quay đi nơi khác và kinh nghiệm cho trẻ biết các vật cho vào miệng nhất là vật mềm và ấm sẽ đi kèm với thức ăn và sự thỏa mái dễ chịu [8], [9]. Chính từ những kinh nghiệm đó khi đói hay khát hay bất an, khó chịu trẻ lại đưa ngón tay vào miệng, ngón tay đưa vào miệng dù không đưa lại thức ăn nóng nhưng có thể thay thế cho người Mẹ giúp cho trẻ có một vật gì đó để bám vào, vì thế một số tác giả đã cho rằng mút ngón tay là một trong những dấu hiệu sớm nhất của sự tách rời hay độc lập với Mẹ của trẻ. Mút ngón tay hay gặp ở trẻ em, khoảng 50% trẻ 1 tuổi, sau đó giảm nhanh và lúc 6 tuổi chỉ còn 15 – 20 %, từ 9 – 14 tuổi chỉ còn dưới 5% [8], [9]. Khi thói quen
này kéo dài đều đưa đến tình trạng sai lệch khớp cắn, nếu kéo dài qua thời kỳ răng vĩnh viễn bắt đầu mọc lên, sai khớp cắn là điều chắc chắn với các biểu hiện lâm sàng: răng cửa trên thưa và nghiêng lệch về phía môi, răng cửa dưới chen chúc nghiêng lệch về phía lưỡi, cắn hở vùng răng trước, hẹp cung răng hàm trên (cung răng hình chữ V).
Những di chuyển nhẹ của răng sữa có thể thấy ở trẻ 3 – 4 tuổi có thói quen xấu mút tay, nếu thói quen chấm dứt ở thời điểm này, áp lực của môi má lưỡi sẽ tự đưa các răng sữa trở về vị trí bình thường, còn khi kéo dài sau khi răng cửa vĩnh viễn đã mọc lên, cần phải điều trị chỉnh hình để giải quyết vấn đề sai vị trí của răng.
Trong nghiên cứu của chúng tôi 18 trường hợp mút ngón tay: có 17 em bị lệch lạc răng trước hàm trên và hàm dưới chiếm 94,4%, 8 trường hợp khớp cắn sâu (chiếm 44,4%), 7 trường hợp khớp cắn hở (chiếm 38,9%), 4 trường hợp bị khớp cắn ngược chiếm 22,2%, Tỉ lệ bị xoay trục răng và nghiêng lệch răng phía trước cũng như bị khớp cắn hở ở những em có thói quen xấu mút ngón tay cao hơn ở những em không có thói quen xấu mút ngón tay, và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với P < 0,05. Trong lệch lạc khớp cắn của các em học sinh có thói quen mút ngón tay thì chiếm một tỉ lệ lớn là sai khớp cắn loại I, sau đó là đến loại II, chiếm một số ít là sai khớp cắn loại III.