* Điều kiện tự nhiên: - Vị trí địa lý:
Hữu Lũng là huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, có toạ độ địa lý từ 21023’ đến 21045’ vĩ độ Bắc, từ 106010’ đến 106032’ kinh độ Đông với diện tích tự nhiên là 80.674,64 ha.
Phía Bắc giáp huyện Văn Quan và huyện Bắc Sơn. Phía Tây giáp tỉnh Thái Nguyên.
Phía Tây Nam và Nam giáp tỉnh Bắc Giang.
Phía Đông giáp huyện Chi Lăng và tỉnh Bắc Giang.
Là một huyện ở vị trí chuyển tiếp giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Hữu Lũng có đường quốc lộ 1A và đường sắt liên vận Quốc tế đi theo hướng Tây Nam - Đông Bắc rất thuận tiện cho việc giao lưu hàng hoá thương mại, dịch vụ với các tỉnh trong nước, các tỉnh phía Nam Trung Quốc cũng như các nước ở phía Bắc.
- Địa hình, địa mạo.
Là huyện thuộc vùng núi thấp của tỉnh Lạng Sơn, địa hình được phân chia rõ giữa vùng núi đá vôi ở phía Bắc và vùng núi đất ở phía nam. Phần lớn diện tích ở vùng núi đá vôi có độ cao 450 - 500m và ở vùng núi đất có độ cao trên dưới 100m so với mặt nước biển. Nhìn chung, địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đá vôi có độ dốc lớn ở phía Bắc cũng như bởi các dãy núi đất sắp xếp theo dạng bát úp ở phía Nam huyện, gồm ba vùng: vùng
núi đá chạy từ Đông - Bắc xuống Đông - Nam, vùng núi đất thuộc các xã phía Đông Nam và Tây Nam, vùng thung lũng ruộng đồng bao gồm các xã chạy dọc quốc lộ 1A.
Địa hình núi đá chiếm trên 25% tổng diện tích tự nhiên. Xen kẽ giữa vùng núi đá là những thung lũng nhỏ địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng đất sản xuất nông nghiệp của cư dân. Xen kẽ các vùng núi đất là các giải đất ruộng bậc thang phân bố theo các triền núi, triền sông. Khe suối trong vùng, cũng là vùng đất sản xuất nông nghiệp được tạo lập từ nhiều đời nay cung cấp lương thực cho cư dân sinh sống trong vùng này.
Hữu Lũng chịu sự ảnh hưởng của khí hậu vùng núi phía Bắc, khô lạnh và ít mưa về mùa Đông, nóng ẩm, mưa nhiều về mùa hè, độ ẩm cao 83%. Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm là 22,70 c và tháng 7 có nhiệt độ không khí trung bình cao nhất là 28,50C. Tháng có nhiệt độ không khí trung bình thấp nhất là 2,50C. Lượng mưa trung bình năm là 1.488,2mm với 135 ngày mưa trong năm và phân bố từ 13 - 17 ngày/ tháng tăng dần từ tháng 5 đến tháng 8. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 và chiếm trên 90% lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau và chiếm trên 9% lượng mưa cả năm.
* Tài nguyên thiên nhiên:
- Tài nguyên đất:
Tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn huyện là 80 674,64 ha, chủ yếu là đồi núi thấp, trong đó: diện tích đồi núi đá có: 33.056 ha, chiếm 41,9% diên tích đất tự nhiên; diện tích đồi núi đất 45.223 ha, chiếm 57,3%. Đất trên địa bàn huyện có 4 loại đất chính: đất đỏ vàng trên đá sét (Fs) 18.691 ha, đất vàng nhạt trên đá cát (Fq) 9.021 ha, đất vàng đỏ trên đá mácmaxit (Fa) 7.080 ha, đất đỏ nâu trên đá vôi (Fv) 4.350 ha.
Theo số liệu năm 2010 tổng diện tích đất đang sử dụng của huyện là 43.760 ha, chiếm 55,4% diện tích đất tự nhiên. Trong đó đất nông nghiệp 14.310 ha, chiếm 32,7% diện tích đất đang sử dụng, đất lâm nghiệp 25.940 ha, chiếm 59,3%, đất ở 700 ha. Diện tích đất chưa sử dụng là 35.166 ha, trong đó đất có khả năng sử dụng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là 12.689 ha.
- Tài nguyên nước:
Hệ thống sông, suối của huyện khá phong phú; trên địa bàn huyện có 2 con sông lớn chảy qua là: hệ thống sông Thương với chiều dài sông 157 km và sông Hoá dài 47 km bắt nguồn từ vùng núi Khuổi Ma cao 670 m ở huyện Chi Lăng. Trên sông hoá còn có hồ Cấm Sơn có khả năng giữ nước phát điện và phát triển thủy sản. Ngoài hệ thống sông, trên địa bàn huyện còn có nhiều con suối, khe dọc ở triền đồi, ven bản, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện.
- Tài nguyên khoáng sản:
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện gồm có đá vôi với hàm lượng CaO = 55%, trữ lượng khoảng 14 triệu tấn; có đất sét trữ lượng khoảng 9,8 triệu tấn, là những nguyên liệu chủ yếu sản xuất xi măng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nguồn cát, sỏi được phân bổ ở các xã ven đường quố lộ 1A là nguồn nguyên liệu để phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng của huyện và tỉnh.
* Cảnh quan môi trường:
Hữu Lũng là một huyện thuộc trung du miền núi, địa hình đa dạng, phức tạp, gây khó khăn cho phát triển cơ sở hạ tầng nhưng cũng chính vì điều này đã tạo cho Hữu Lũng cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của vùng núi nhưng cũng có những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ. Có con sông Thương chảy qua càng làm cho phong cảnh nơi đây nên thơ; ngôi đền Bắc Lệ đã thu hút rất nhiều du khách thập phương tới thăm.
Hữu Liên là xã vùng sâu vùng xa của huyện Hữu Lũng, thiên nhiên đã ban tặng cho Hữu Liên nhiều tài nguyên quý báu, trong đó đặc biệt có khu rừng đặc dụng Hữu Liên với tổng diện tích tự nhiên 10.604 ha, trong đó có hơn 7.000 ha thuộc diện khoanh nuôi, bảo vệ. Rừng nguyên sinh Hữu Liên có nhiều loài cây nguyên sinh quí hiếm hàng trăm năm tuổi như Hoàng đàn, Nghiến, Trai lý, Cây một lá, Đinh, Thiên tuế... và nhiều loài động vật quí hiếm nằm trong danh mục sách đỏ thế giới như Hươu Xạ, Voọc đen má trắng, Voọc đen tuyền, Gấu ngựa, Trăn đất… Đây là vùng đất tự nhiên có dự trữ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học cao, có nhiều giá trị về khoa học và du lịch, được coi như là lá phổi của vùng Đông Bắc.
Không chỉ đa dạng về sinh cảnh với khu rừng đặc dụng quí hiếm, những hang động núi đá và thác nước hùng vĩ, Hữu Liên còn là nơi có nhiều giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội và các trò chơi dân gian…tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.
Là điểm nối giữa hai thị trấn huyện Hữu Lũng - Bắc Sơn với tuyến giao thông liên huyện khá hoàn chỉnh, ngoài sự đa dạng về sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, xã Hữu Liên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái và du lịch khám phá cảnh quan tự nhiên. Dạo quanh xã Hữu Liên, nổi bật giữa những thung lũng lúa nước bằng phẳng là những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát nằm lưng chừng mây núi của rừng già tựa như một bức họa thủy mặc làm say đắm lòng người. Kiến trúc nhà sàn ở đây cao rộng, thoáng đãng với đa phần các ngôi nhà 4 gian 2 trái nằm rải rác theo từng cụm từ 5 - 7 hộ, lưng dựa vào thế núi, mặt hướng ra cánh đồng bằng phẳng. Nhà cửa của người dân Hữu Liên vừa cao ráo sạch sẽ tránh được muỗi vắt, thú rừng, vừa rộng rãi thoáng mát lại vừa tao nhã mềm mại.
Với núi non, sông suối và cả những công trình đền miếu, những món ăn ngon và người dân mến khách đã tạo cho Hữu Lũng sức hút riêng.
Tuy nhiên cần chú trọng vấn đề môi trường tại đô thị và các doanh nghiệp, quy hoạch phải gắn với phát triển bền vững.
4.1.2.Thực trạng phát triển kinh tế xã hội
Tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế và xã hội 5 năm 2006 - 2010 trên địa bàn huyện Hữu Lũng có những bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, một số mục tiêu quan trọng đặt ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 0,57% so với kế hoạch; nhịp độ tăng trưởng ngành Nông - Lâm nghiệp tăng 3,6%; nhịp độ tăng trưởng ngành Công nghiệp - Xây dựng tăng 0,14% so với kế hoạch; tổng diện tích gieo trồng tăng 1,5% so với kế hoạch; tổng sản lượng lương thực bình quân có hạt tăng 3,1% so với kế hoạch; diện tích trồng rừng mới tăng 41% so với kế hoạch…Cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện; đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng lên một bước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, yếu kém cần khắc phục đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy vượt chỉ tiêu kế hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng song tăng trưởng của ngành thương mại - dịch vụ chưa đạt kế hoạch đề ra; ngành nông nghiệp tăng trưởng khá song việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; một số chỉ tiêu kế hoạch đề ra song chưa đạt như: Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo còn chậm; diện tích trồng cây ăn quả mới đạt 20,3% so với kế hoạch; số hộ nhân dân đạt gia đình văn hoá đạt 94% so với kế hoạch; tỷ lệ thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hoá đạt 84% so với kế hoạch….. Việc thu hút vốn đầu tư và huy động nguồn lực của nhân dân cho đầu tư cho phát triển đã được quan tâm song chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; công tác định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ lao động chưa được đào tạo nghề còn cao….