Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Một phần của tài liệu tìm hiểu thực trạng công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính tại huyện hữu lũng, tỉnh lạng sơn trong giai đoạn từ 2005 – 2011 (Trang 28 - 31)

Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận là một tờ có bốn trang, mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm, có nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen, gồm các nội dung sau đây:

a) Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" in màu đỏ; mục "I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và số phát hành Giấy chứng nhận gồm 2 chữ cái tiếng Việt và 6 chữ số, bắt đầu từ BA 000001, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Trang 2 in chữ màu đen gồm mục "II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất", trong đó, có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;

c) Trang 3 in chữ màu đen gồm mục "III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận";

d) Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận"; những vấn đề cần lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.

* Đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Theo quy định tại Điều 49, Điều 50 và Điều 51 của Luật Đất đai 2003, đối tượng được cấp giấy chứng nhận bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức và cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc được công nhận quyền sử dụng đất.

* Căn cứ xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Sau khi người sử dụng đất nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét từng trường hợp cụ thể để cấp GCN. Căn cứ để xét cấp GCN được quy định tại Điều 49 Luật Đất đai 2003, cụ thể như sau:

- Quyết định giao đất, cho thuê đất;

- Các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại các Điều 50, Điều 51 của Luật Đất đai 2003 và Điều 3 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP;

- Hợp đồng chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, thừa kế, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ, pháp nhân mới được hình thành do góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

- Biên bản trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Đối với các trường hợp đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, và 5 Điều 50 của Luật Đất đai 2003 thì căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất, tình trạng đang sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng để xem xét việc cấp

hay không cấp GCN theo quy định tại các Điều 14, Điều 15, và Điều 16 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.

* Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Luật Đất đai 2003 quy định cấp nào có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thì cấp đó có thẩm quyền cấp GCN.

Thẩm quyền cấp GCN thực hiện theo quy định tại Điều 52 của Luật Đất đai 2003 và Điều 56 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP như sau:

a. UBND cấp Tỉnh cấp GCN cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (trừ trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở), tổ chức, cá nhân nước ngoài.

b. UBND cấp huyện cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

c. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài và đóng dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường khi có các điều kiện sau:

- Đã thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có bộ máy, cán bộ chuyên môn và cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cấp Giấy chứng nhận.

Một phần của tài liệu tìm hiểu thực trạng công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính tại huyện hữu lũng, tỉnh lạng sơn trong giai đoạn từ 2005 – 2011 (Trang 28 - 31)