Diễn biến lâm sàng trong quá trình điều trị:
Đánh giá thời gian đỡ bệnh về lâm sàng: thông qua bảng so sánh thời gian trung bình đỡ bệnh về lâm sàng của các nhóm ít vi khuẩn và nhiều vi khuẩn của bệnh nhân mới với bệnh nhân tái phát đã cho thấy giữa 2 nhóm có sự khác biệt có ý nghĩa với p<0,05. Thời gian trung bình đỡ bệnh về lâm
sàng ở bệnh nhân mới là 3,6 tháng trong khi thời gian này ở bệnh nhân tái phát là 6,6 tháng (bảng 3.21 và biểu đồ 3.10).
Đánh giá thời gian trung bình lâm sàng bất hoạt: thời gian trung bình lâm sàng bất hoạt giữa nhóm bệnh nhân phong mới và bệnh nhân tái phát cũng có khác biệt có ý nghĩa với p<0,05. Thời gian trung bình lâm sàng bất hoạt của nhóm bệnh nhân mới là 13,4 tháng trong khi đó thời gian này ở nhóm bệnh nhân tái phát là 22,5 tháng. Theo kết quả này, khi điều trị bệnh nhân tái phát nhóm MB phải mất khoảng 22,5 tháng lâm sàng mới bất hoạt, dài hơn nhóm MB ở bệnh nhân phong mới (bảng 3.22 và biểu đồ 3.11). Nhóm MB thường có thời gian bất hoạt về lâm sàng dài hơn nhóm PB.
Kết quả so sánh này cho thấy, khi điều trị bệnh nhân phong mới hoặc bệnh nhân phong tái phát, thầy thuốc nên phân tích và thông báo cho bệnh nhân biết trước những diễn biến về lâm sàng trong quá trình điều trị, tránh để bệnh nhân hiểu nhầm và yên tâm điều trị.
Diễn biến về vi khuẩn trong quá trình điều trị:
Thông qua bảng so sánh thời gian trung bình vi khuẩn âm tính (bảng 3.23 và biểu đồ 3.12) chúng tôi thấy cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Vì chỉ có nhóm MB mới có vi khuẩn dương tính nên chúng tôi chỉ so sánh được 2 nhóm này với nhau ở bệnh nhân mới và bệnh nhân tái phát. Bệnh nhân tái phát có thời gian trung bình vi khuẩn âm tính khoảng 26,7 tháng, dài hơn thời gian này ở bệnh nhân mới (khoảng 17,3 tháng). Cũng qua kết quả nghiên cứu về phần này (bảng 3.23 và biểu đồ 3.12) chúng tôi nhận thấy thời gian vi khuẩn âm tính có thể kéo dài hơn thời gian điều trị, có nghĩa là tới khi kết thúc đợt điều trị theo phác đồ qui định chỉ số BI vẫn chưa âm tính.
Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của A.Amenu và cộng sự (2000) Thụy Điển và Anh tại Ethiopia [20], BI sẽ giảm dần, độc
lập với lâm sàng (kể cả các phản ứng phong) và tái phát, BI giảm trung bình là 0,7 đơn vị/năm; 2 năm đầu điều trị sẽ giảm nhanh hơn (1,15 đơn vị/năm) [20]. Vì vậy có những bệnh nhân có thể có vi khuẩn âm tính trước 3 năm, song cũng có những bệnh nhân sẽ âm tính sau 3 năm từ khi điều trị. Thực chất những vi khuẩn dạng chắc (solid) có khả năng nhân lên đã bị tiêu diệt, còn những vi khuẩn tìm thấy sau khi điều trị bằng MDT chỉ ở dạng thoái hoá, chúng sẽ được tiêu huỷ dần khỏi cơ thể.
Tình trạng tàn tật của bệnh nhân tái phát trước và sau điều trị:
Tỉ lệ tàn tật của bệnh nhân tái phát trước khi điều trị là 77,4% sau khi điều trị giảm còn 64,5%. Nói chung tàn tật có giảm, tuy nhiên khác biệt này chưa có ý nghĩa thống kê với p>0,05 (bảng 3.24).
Diễn biến tàn tật khi điều trị bệnh nhân tái phát có tốt hơn song không đáng kể có thể do liên quan mức độ tàn tật của bệnh nhân trước khi điều trị và công tác chăm sóc tàn tật của bệnh nhân. Những bệnh nhân có tàn tật độ I, chỉ có rối loạn cảm giác, chưa bị biến dạng tay và chân sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn. Đối với những bệnh nhân bị tàn tật độ II, không những có rối loạn cảm giác mà còn có biến dạng bàn tay bàn chân hoặc mắt sẽ khó phục hồi hơn trừ trường hợp bệnh nhân chỉ bị cò mềm ngón với thời gian dưới 1 năm. Điều này cho thấy khi điều trị bệnh nhân phong tái phát, cần thiết phải phối hợp đồng thời giữa áp dụng MDT với những biện pháp phòng chống tàn tật đối với bệnh nhân.