Thương tổn da (bảng 3.10, bảng 3.11 và biểu đồ 3.6): 100% bệnh nhân tái phát có biểu hiện thương tổn da ở các dạng như: dát, mảng củ,
mảng củ không điển hình, mảng cộp và u phong. Trong số các thương tổn da, u phong và mảng cộp chiếm tỉ lệ rất cao (76,5%), điều này cũng hoàn toàn lôgíc với chẩn đoán các thể bệnh phong khi tái phát chủ yếu bị ở thể LL và BL. Trong 34 bệnh nhân tái phát chúng tôi không phát hiện được thương tổn '' u dạng tổ chức'' (histoid). U phong dạng tổ chức (histoid) là thương tổn khá đặc trưng của bệnh phong kháng thuốc, điều trị không đều, không đủ liều và bệnh phong không được điều trị [4][17][36].
Thương tổn thần kinh:
Kết quả nghiên cứu về phần này (bảng 3.10) cho thấy có một số biểu hiện lâm sàng và vi khuẩn khác nhau giữa nhóm bệnh nhân tái phát và nhóm bệnh nhân mới. Chúng tôi thấy trong 34 bệnh nhân tái phát, không có bệnh nhân nào có biểu hiện lâm sàng là thương tổn thần kinh đơn thuần. Kết quả này không giống như kết quả nghiên cứu của Maijke Beex Bleumink ở Ethiopia năm 1991 có 4/58 trường hợp (6,9%) có thương tổn thần kinh đơn thuần [44], hoặc Yohannes và Tivadar ở Ethiopia cũng gặp bệnh phong tái phát có tổn thương thần kinh đơn thuần [64].
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 22/34 bệnh nhân (64,7%) có tổn thương thần kinh (bảng 3.10). Trong đó, viêm dây thần kinh trụ là thương tổn thần kinh hay gặp nhất (61,8%) sau đó là đến viêm dây thần kinh hông khoeo ngoài (17,6%) tiếp đến là dây thần kinh quay và một số dây thần kinh khác. Tỉ lệ bệnh nhân tái phát có tổn thương thần kinh cao hơn ở nhóm bệnh nhân phong mới (41,3%) (bảng 3.10, bảng 3.12 và biểu đồ 3.7). So sánh với kết quả nghiên cứu của Marijke về 58 bệnh nhân tái phát ở Ethiopia năm 1991 thì tỉ lệ bệnh nhân có thương tổn thần kinh trong nghiên cứu của chúng tôi (64,7%) cao hơn kết quả của Marijke (35,3%) [44].
Gây viêm dây thần kinh ngoại biên là một trong những đặc tính của trực khuẩn Hansen. Tuy nhiên, các thể bệnh khác nhau có liên quan đến các
loại hình tổn thương thần kinh khác nhau [43]. Tàn tật nguyên phát trong bệnh phong chính là hậu quả của viêm dây thần kinh trực tiếp do trực khuẩn Hansen đột nhập vào hoặc do phản ứng phong gây ra. Chính vì vậy, việc khám phát hiện và điều trị thương tổn thần kinh đối với bệnh nhân phong nói chung và bệnh phong tái phát nói riêng là rất quan trọng, giúp người bệnh tránh được tàn tật, góp phần lớn vào việc phòng chống tàn tật trong Chương trình phòng chống bệnh phong quốc gia.
Bệnh kèm theo trong bệnh nhân phong tái phát:
Có 3/34 bệnh nhân tái phát (8,8%) có mắc bệnh kèm theo (bảng 3.10). Trong 3 trường hợp thì có 2 bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến nội tiết (1 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, 1 bệnh nhân mắc bệnh bướu cổ) và một bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt. Liệu các bệnh này có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh và tái phát bệnh phong hay không, ngược lại bệnh phong có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh trên hay không cần phải có những nghiên cứu tiếp nữa mới có thể khẳng định được.
Mối quan hệ giữa tàn tật và tái phát trong bệnh phong:
Tỉ lệ tàn tật ở bệnh nhân phong tái phát chiếm 79,4% (bảng 3.4, bảng 3.10, bảng 3.13 và biểu đồ 3.8) tỉ lệ này là tương đối cao. Chúng tôi nghĩ tàn tật chưa chắc là cơ chế dẫn đến tái phát bệnh mà trong bệnh phong, tàn tật thường là hậu quả của việc phát hiện và điều trị muộn [59]. Hơn nữa, trong quá khứ các trường hợp này chỉ được điều trị bằng DDS, mắc các thể "nặng" nên dễ bị tàn tật hơn. Sự khác biệt về tỉ lệ tàn tật giữa nhóm bệnh nhân tái phát và nhóm bệnh nhân mới với p<0,05 ở đây có thể nói lên tàn tật thường đi đôi với phong thể "nặng", phát hiện và điều trị muộn. Tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi thì phong thể "nặng" được điều trị bằng DDS đơn thuần thì tỉ lệ tái phát cao hơn là điều trị bằng MDT.
Có lẽ tỉ lệ tàn tật cao ở bệnh nhân phong tái phát nên được hiểu theo mối quan hệ này. Cắt nghĩa cho hậu quả này là những bệnh nhân tái phát sau DDS có thể được phát hiện muộn và điều trị bằng DDS trong một thời gian quá dài trước khi có MDT, khi đó nhận thức của nhân dân về bệnh phong còn chưa đúng đắn, thuốc DDS chưa khống chế nhanh tàn tật như MDT và cán bộ chống phong lúc đó còn rất mỏng.
Về chỉ số BI:
Có sự khác biệt rõ rệt (bảng 3.10) về chỉ số BI giữa nhóm bệnh nhân mới và bệnh nhân tái phát. Đây cũng là vấn đề lôgíc vì tỉ lệ bệnh nhân MB trong nhóm tái phát (94,1%) cao hơn bệnh nhân MB (61,9%) của nhóm bệnh nhân phong mới (bảng 3.8). Có 30/34 bệnh nhân tái phát có kết quả xét nghiệm BI dương tính (bảng 3.10), có 2 trường hợp BI âm tính nhưng vẫn chẩn đoán thuộc nhóm MB do số lượng thương tổn và đặc điểm của thương tổn.
Phản ứng phong:
Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng mạn tính, diễn biến âm thầm, chậm chạp, tuy nhiên trong quá trình tiến triển của bệnh đôi khi cơ thể phản ứng lại bệnh tật bằng một đợt cấp tính đó là cơn phản phong. Phản ứng phong là một trong những nguyên nhân chính gây ra tàn tật nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Vì vậy, việc phát hiện và xử trí đúng đắn, kịp thời các phản ứng phong là một nhiệm vụ rất quan trọng của người làm công tác chống phong [14][49].
Khi tái phát, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng bằng thương tổn ở da, thần kinh và phản ứng phong. Tuy nhiên, tỉ lệ phản ứng phong giữa nhóm bệnh nhân mới và bệnh nhân tái phát không có sự khác nhau với P = 0,2 (p>0,05) (bảng 3.10).
Trong quá trình quản lý và điều trị, bệnh nhân tái phát và bệnh nhân mới biểu hiện phản ứng phong với tỉ lệ chung là 25,8% (bảng 3.14 và biểu đồ 3.9). Tỉ lệ phản ứng phong ở nhóm tái phát cao (41,2%) hơn hẳn tỉ lệ này ở nhóm bệnh nhân mới (17,5%), trong đó phản ứng loại ENL ở bệnh nhân tái phát gặp nhiều hơn hẳn bệnh nhân mới. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với P <0,05. Còn phản ứng đảo ngược (RR) thì không có sự khác biệt giữa 2 nhóm với p>0,05 (bảng 3.14 và biểu đồ 3.9). Sự khác nhau về số người bị phản ứng ENL giữa 2 nhóm có thể do số lượng bệnh nhân phong thể BL và LL (bảng 3.8) trong nhóm tái phát (28 người) cao hơn gần gấp đôi so với bệnh nhân cùng thể ở nhóm bệnh nhân mới (15 người) hoặc có thể đây là một đặc tính của bệnh phong tái phát. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về tỉ lệ phản ứng phong chung (25.8%) thấp hơn nghiên cứu của Bhushan Humar và cộng sự ở phía Bắc Ấn Độ (30,9%) [21].
Số lần phản ứng phong: trong quá trình tiến triển và điều trị bệnh, không phải bệnh nhân nào cũng bị phản ứng phong và một bệnh nhân có thể bị một hoặc nhiều lần phản ứng (bảng 3.15). Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân tái phát và bệnh nhân mới bị phản ứng 2 lần là tương đương, nhưng số người bị phản ứng phong một lần và trên 2 lần ở nhóm tái phát đều cao hơn 2 đến 3 lần so với nhóm bệnh nhân phong mới, thậm chí có bệnh nhân bị tới 10 lần phản ứng phong. Điều này cho thấy khi điều trị bệnh nhân tái phát bác sĩ điều trị cần dự tính trước phản ứng phong có thể xảy ra nhiều lần và phải dự trù thuốc điều trị phản ứng phong đầy đủ.
Thời điểm xảy ra phản ứng phong: chúng tôi thấy ở cả 2 nhóm bệnh nhân nghiên cứu (bảng 3.16) phản ứng phong đều có thể xảy ra trước khi điều trị, trong khi điều trị và sau khi điều trị bệnh. Nhưng nói chung thì
phản ứng hay xảy ra ở thời điểm trong quá trình điều trị với tỉ lệ 20,6%. Trong khi đó, tỉ lệ này ở thời điểm trước khi điều trị chỉ là 7,2% và sau khi điều trị là 6,2%. Phù hợp với tỉ lệ trên, ở nhóm bệnh nhân tái phát phản ứng xảy ra trong khi điều trị (32,4%) cao hơn hẳn so với trước khi điều trị (11,8%) và sau khi điều trị (8,8%) (bảng 3.16).
Mức độ nặng nhẹ của phản ứng phong: kết quả nghiên cứu của chúng tôi về phần này (bảng 3.17) cho thấy, nhóm bệnh nhân tái phát có tỉ lệ phản ứng phong ở mức độ nặng cao hơn nhóm bệnh nhân mới với sự khác biệt có ý nghĩa p<0,05. Còn các phản ứng nhẹ giữa 2 nhóm không có sự khác biệt với p>0,05.
Thời gian điều trị phản ứng phong: Qua việc so sánh thời gian điều trị phản ứng phong giữa 2 nhóm bệnh nhân nghiên cứu (bảng 3.18), chúng tôi thấy mặc dù thời gian trung bình điều trị cơn phản ứng của nhóm bệnh nhân tái phát (5,3 tháng) có dài hơn nhóm bệnh nhân mới (3,3 tháng) nhưng sự khác biệt này chưa có ý nghĩa thống kê với p>0,05. Điều này gợi ý cho chúng tôi nghĩ rằng cơ chế phản ứng và sự đáp ứng của 2 nhóm bệnh nhân với phác đồ điều trị phản ứng phong không có gì khác biệt.