Nguyễn Đức Hiền và cộng sự nghiên cứu đề tài “Đánh giá kết quả điều trị bằng thuốc ức chế vi rút (ARV) trên bệnh nhân HIV/AIDS tại Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới” từ tháng 6 năm 2004 đến 6 năm 2005, tác giả đã cho thấy kết quả đạt được là đáp ứng tốt cả về lâm sàng và miễn dịch ở những đối tượng được sử dụng ba loại thuốc. Phản ứng phụ gặp với tần xuất thấp và thường hết sau khi ngừng thuốc hoặc thay đổi phác đồ điều trị [21].
Nguyễn Thị Bích Đào và cộng sự năm 2002 đã nghiên cứu “đặc điểm lâm sàng – cận lâm sàng và mối liên quan giữa chúng ở bệnh nhân HIV/AIDS” tác giả đã đề cập đến mối tương quan của biểu hiện lâm sàng - xét nghiệm với sự biến đổi miễn dịch ở người nhiễm HIV/AIDS là bệnh lý HIV/AIDS ở Hà Nội chủ yếu gặp ở đối tượng trẻ tuổi (20-29 tuổi chiếm 62%), số nghiện chích ma tuý là chủ yếu (90%), nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ với tỷ lệ nam/nữ là 2,7/1. Các biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mệt mỏi (41,7%), hạch to (32,5%), sút cân (22,5%)… Sự giảm các tế bào máu: Giảm hồng cầu, bạch cầu và hàm lượng Hemoglobin có mối tương quan chặt chẽ với sự giảm số lượng tế bào TCD4. Không có sự biến đổi về hàm lượng một số chất trong máu như Protein toàn phần, Albumin, glucose, creatinin, ure... như có sự thay đổi rõ rệt về hoạt độ một số enzym như AST, ALT, Amylase. Mức độ tăng này tỷ lệ nghịch với mức độ giảm số lượng tế bào TCD4. Từ kết quả trên đã đưa ra khuyến nghi cho quan điểm điều trị HIV/AIDS càng sớm càng tốt để giảm tỷ lệ chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong do HIV/AIDS [16].
Năm 2005 Nguyễn Thị Bích Đào và cộng sự đã nghiên cứu đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị chống Retrovirus bằng phác đồ Lamzidivir + Viramune + Viramune và Zerit + Epirit + Viramune ở bệnh nhân AIDS tại Hà Nội”, tác giả đã đề cập tới hiệu quả điều trị bằng thuốc ARV trên bệnh nhân AIDS và đề xuất những tác dụng phụ của thuốc ARV [17].
Năm 2007 Nguyễn Hữu Chí và cộng sự đã nghiên cứu “Hiệu quả và dung nạp của phác đồ stavudine, lamivudine và nevirapine ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh”, tác giả cho thấy: Phác đồ D4T/3TC/NVP đã được sử dụng trong điều kiện điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong 6 tháng điều trị, cho thấy tình trạng suy giảm miễn dịch của bệnh nhân cải thiện rõ rệt qua việc tăng cân, tăng số lượng tế bào lympho, số lượng tế bào TCD4. Tiền sử viêm gan của bệnh nhân
không làm tăng tác dụng phụ trên gan, tỉ lệ tử vong trong nhóm nghiên cứu còn khá cao (6%), trước khi bệnh quá nặng. Đặc biệt tình trạng tuân thủ kém của bệnh nhân nghiện chích ma tuý, đối tượng đang chiếm đa số. Tác dụng phụ của phác đồ này là 54%, trong đó tác dụng độc trên gan là quan trọng nhất [12].
Năm 2008 Nguyễn Trần Chính và cộng sự đã nghiên cứu “Hiệu quả điều trị phác đồ ARV bậc 1 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh” trên 889 bệnh nhân từ tháng 9 năm 2005 đến tháng năm 2007. Kết quả cho thấy số bệnh nhân chủ yếu là nam giới (77%), tiêm chích ma túy (80,4%), và trong giai đoạn lâm sàng của WHO 3 hoặc 4 (51%). Tuổi trung vị là 30 (IQR: 27-35). Điều tra cơ bản TCD4 trung bình là 143 tế bào/μL (IQR: 41- 234), 44% với CD4 <100. Một tỷ lệ lớn trong mẫu (76%) có lịch sử sử dụng ARV trước đó. Thời gian sử dụng thuốc ARV trung bình là 10 tháng (IQR: 5 đến 18). 110 bệnh nhân (12,4%) dừng lại ARV trong thời gian tiếp theo. Lý do dừng phác đồ ARV bậc một bao gồm tử vong (5%), bị mất theo dõi (4%), thất bại điều trị (2,1%), và bỏ điều trị (1,2%). Sau một năm, 88,6% bệnh nhân vẫn còn tiếp tục dùng ARV với TCD4 trung bình là 241 (IQR: 155-369). Lý do thay đổi điều trị chủ yếu là tác dụng phụ (81,7%), thất bại điều trị (14,5%), và phối hợp điều trị bệnh lao (1,5%). Điều trị thay đổi liên quan với bệnh viêm gan B hoặc nhiễm trùng C, tiêm chích ma túy, hoặc có tiền sử sử dụng ART trước. Trong phân tích đa biến, thay đổi điều trị được độc lập kết hợp với độ tuổi < 30 (OR = 1,5; 95% CI 1,1-2,1, P = 0,02), TCD4 < 100 (2,8; 1,9- 4,0; P < 0,001), WHO lâm sàng giai đoạn 3 hoặc 4 (1,4; 1,1-2,0; P = 0,04), dựa trên AZT (2,3; 1,3-3,4; P = 0,006) và NVP dựa trên chế độ (1,8; 1,3-2,4; P < 0,001). TCD4 <100 và WHO lâm sàng giai đoạn 3 hoặc 4 có ý nghĩa liên quan đến tử vong. Tác giả cho thấy đáp ứng điều trị ARV là tốt bằng phác đồ bậc 1, một tỷ lệ nhỏ phải chuyển đổi phác đồ do tác dụng không mong muốn
của ARV hay tương tác thuốc với Ma túy hoặc bênh nhân tham gia điều trị ARV ở giai đoạn muộn, khi TCD4 < 100 hoặc trong giai đoạn lâm sàng của WHO 3 hoặc 4 [13].
Năm 2009 Nguyễn Văn Kính với mục đích “Nghiên cứu tác dụng phụ hay gặp của phác đồ ARV bậc 1” trên 144 bệnh nhân HIV/AIDS tại hai phòng khám Đống Đa và Từ Liêm trong thời gian 02/2006 – 06/2009 dành cho người trưởng thành. Kết quả cho thấy tác dụng phụ hay gặp của phác đồ D4T + 3TC + NVP/EFV là dị ứng thuốc 13%, rối loạn phân bố mỡ 22,9%, tê bì đơn thuần 9,8%, tê bì phối hợp với rối loạn phân bố mỡ dưới da 2,5% và sẩn ngứa kéo dài 0,8%. Còn với phác đồ AZT + 3TC + NVP/EFV là thiếu máu 50,5%, nôn kéo dài 4,25%, và dị ứng thuốc 4,25%, trong đó 54,25% phải thay đổi thuốc có tác dụng phụ. Nghiên cứu cũng cho thấy thời gian xuất hiện các tác dụng phụ như dị ứng thuốc là 10 ngày, thiếu máu là 7,6 tháng, rối loạn phân bố mỡ dưới da là 16,7 tháng và tê bì là 27,6 tháng [23].
Năm 2010 Đỗ Thị Nhàn và cộng sự đã nghiên cứu “Đánh giá đáp ứng lâm sàng và miễn dịch ở bệnh nhân người lớn điều trị ARV giai đoạn 2005- 2009 tại Việt Nam” ở trên 30 phòng khám ngoại trú với 7616 bệnh nhân điều trị ARV đến thời điểm nghiên cứu là trên 6 tháng đến 36 tháng. Kết quả cho thấy giai đoạn lâm sàng 3 và 4 trước điều trị chiếm 63,5% (CI: 57,3- 69,7), tế bào TCD4 trung bình trước điều trị là 75 tế bào/mm3 (IQR: 28-163) và sau khi được điều trị ARV thì mức tăng TCD4 sau 6, 12, 24 và 36 tháng lần lượt là 91 (IQR: 39-150), 137 (IQR: 72-215), 206 (IQR: 113-322) và 242 (IQR: 125-383) tế bào/mm3. Phần lớn bệnh nhân sử dụng phác đồ d4T/3TC/NVP (72,8%) hoặc d4T/3TC/EFV (19,3%). Tỷ lệ còn sống và được theo dõi sau 6, 12, 24 và 36 tháng lần lượt là 89% (CI: 87,3-90,7), 84,5%(CI: 82,2- 86,9), 79,5% (CI: 76,2- 86,7) và 75,7% (CI: 70,4 – 81,0) [28].
Đỗ Duy Cường và cộng sự đã tiến hành “ Phân tích sống sót và nguyên nhân tử vong ở bệnh nhân HIV sau điều trị ARV” từ tháng 7 năm 2007 đến tháng 3 năm 2010 trên 640 bệnh nhân ở 4 huyện/thành phố tại Quảng Ninh. Kết quả: tỷ lệ tử vong là 7,4 năm mà trong đó hầu hết các trường hợp tử vong thường xẩy ra trong 6 tháng đầu khi điều trị ARV và các yếu tố tiên lượng tử vong gồm: TCD4 thấp, giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4, tải lượng virus cao, tuổi > 35, biết nhiễm HIV trên 12 tháng, BMI thấp < 18kg/m2, nồng độ hemoglobine <100g/l. Nguyên nhân thường gặp nhất là lao, tiếp theo là peniclliosis, MAC and suy gan cấp. Tác giả đã kết luận là cần phải theo dõi sát và điều trị sớm ARV giúp giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến AIDS vì sự chậm trễ trong việc điều trị ARV dẫn tới sự giảm có ý nghĩa về TCD4 làm miễn dịch suy giảm nặng nề hơn [15].
Tháng 7 năm 2010 Nguyễn Văn Kính và cộng sự “Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) tại Việt Nam” trên 1072 bệnh nhân được điều trị ARV. Kết quả cho thấy: tỷ lệ bệnh nhân duy trì phác đồ bậc 1 sau 12 tháng điều trị là 89,8%, sau 24 tháng là 87,1%. Cân nặng trung bình của bệnh nhân tăng so với trước khi điều trị là 2,1kg, số lượng tế bào TCD4 trung bình trước điều trị là 131,7 tế bào/mm3, sau khi điều trị ARV đươc 6, 12 và 24 tháng lần lượt là 245, 274 và 395 tế bào/mm3. Tác giả cũng đã kết luận việc duy trì sử dụng ARV đã có những tác động khả quan đối với việc tăng cường khả năng miễn dịch cho bệnh nhân [24].
BS Ngô Thị Ánh Đông – tham vấn viên Phòng khám Ngoại trú Bình Thạnh – Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo tham luận về vai trò của người có H trong tuân thủ điều trị và khuyến nghị một số giải pháp như: sử dụng hộp thuốc, đồng hồ báo thức, chuông điện thoại di động, nhắc nhở của người khác [18].
Năm 2008 Lê Minh Tuấn đã “Nghiên cứu thực trạng tuân thủ trong điều trị ARV của bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ngoại trú và một số yếu tố liên quan ở 06 quận huyện thành phố Hà Nội” tác giả có đề cập đến thực trạng tuân thủ với ARV, đồng thời đánh giá một số yếu tố liên quan đến việc tuân thủ điều trị và dựa trên kết quả nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị giúp tăng cường tuân thủ cho bệnh nhân AIDS với điều trị bằng thuốc ARV [30].
Các nghiên cứu trong và ngoài nước về tuân thủ điều trị và điều trị ARV đó đề cập một các tương đối toàn diện đến các khía cạnh và vấn đề liên quan, đồng thời cũng đó đưa ra một số khuyến nghị về giải pháp để làm tăng tuân thủ điều trị và tăng cường hiệu quả của điều trị ARV. Tuy nhiên, tuân thủ điều trị ARV là một điều hết sức đặc biệt phải kéo dài suốt cả cuộc đời, thuốc lại có nhiều loại tác dụng phụ khác nhau, mặt khác sự kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS cũng tồn tại và mức độ cũng rất khác nhau tùy theo dân tộc, địa phương …và sự tuân thủ điều trị của người nhiễm HIV/AIDS cũng rất khác nhau liên quan tới trình độ văn hóa, nhận thức, thói quen, hành vi, công việc, môi trường gia đình, môi trường xã hội v.v… nên cần có những nghiên cứu về tuân thủ nhằm đánh giá toàn diện các yếu tố liên quan, từ đó đưa ra các biện pháp cụ thể cho từng đối tượng bệnh nhân cụ thể nhằm tăng cường tuân thủ, đảm bảo và tăng cường hiệu quả của điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV).
Chương 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU