4.1.1.Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) cho người nhiễm tại phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ ngày 01/01/2008 đến ngày 30/03/2010 như sau: Trong nghiên cứu 180 đối tượng này, nhóm tuổi từ 26- 35 tuổi chiếm tỷ lệ nhiều nhất (60,78%). Tiếp đến là nhóm tuổi từ 36 – 45 tuổi chiếm tỷ lệ 23,89% (theo bảng 3.1), điều này hoàn toàn phù hợp vì hai độ tuổi này thì tỷ lệ nhiễm HIV trong các nghiên cứu của nhiều tác giả trước đây đều chiếm tỷ lệ cao. Trong nghiên cứu của Nguyễn Đức Hiền thì tỷ lệ người nhiễm ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi chiếm 81% [21], của nghiên cứu Lưu Thị Minh Châu thì tỷ lệ người nhiễm HIV ở độ tuổi từ 25 -34 chiếm 54,1% [11], nghiên cứu của Tạ Hồng Hạnh tỷ lệ người nhiễm HIV ở độ tuổi 25 – 29 chiếm 45,4% [20]. Độ tuổi này là độ tuổi sung sức nhất cả về thể lực lẫn trí tuệ, có tần suất quan hệ tình dục cao nhất. Chính vì vậy, nếu được tham gia và thực hiện đúng các nguyên tắc của điều trị ARV, thì không những bản thân người nhiễm HIV/AIDS có cơ hội kéo dài tuổi thọ, sống khỏe mạnh mà còn giảm được gánh nặng nuôi dưỡng, chăm sóc người nhiễm, đặc biệt phương pháp điều trị ARV có hiệu quả và tác dụng dự phòng lây truyền mẹ con, giảm tỷ lệ HIV cho con, giảm khả năng lây nhiễm cho người thân trong gia đình và cộng đồng.
Nữ giới nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV trong nghiên cứu này chiếm 32% (theo biểu đồ 3.1), trong nghiên cứu của Lê Minh Tuấn tỷ lệ nữ giới chiếm 25% [30], của Nguyễn Hữu Chí là 28% [12], của Lê Trường
Giang là 29,2% [19], của Nguyễn Đức Hiền là 35% [21]. So với tỷ lệ nhiễm HIV theo giới thì số phụ nữ nhiễm HIV/AIDS được điều trị là tương đối cao. Tỷ lệ nữ được điều trị cao trong nghiên cứu này là do tiêu chí của dự án là ưu tiên điều trị ARV cho phụ nữ nhiễm HIV vì: ngoài tỷ lệ nhiễm HIV là nữ trong nhóm mại dâm thì nữ giới bị lây nhiễm HIV từ chồng chiếm tỷ lệ không nhỏ, họ là nạn nhân. Hơn nữa, họ là những người mẹ hoặc có thể sẽ làm mẹ và nếu được điều trị đúng, kịp thời ARV thì sự sống của người mẹ sẽ làm giảm số trẻ mồ côi do thiếu người chăm sóc, giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả điều trị ARV của nữ trong nghiên cứu này cũng ít bị gián đoạn điều trị hơn do ít bị bắt đi cai nghiện hoặc đi cải tạo.
Tỷ lệ thất nghiệp của các đối tượng trong nghiên cứu chiếm 44,44% (theo bảng 3.4). Tỷ lệ này cũng tương đương với một số nghiên cứu khác. Như trong nghiên cứu của Tạ Hồng Hạnh thì tỷ lệ không có việc làm chiếm 67,7% [20], của tác giả Lê Minh Tuấn gần 60% [30], của nghiên cứu Lê Thị Thanh là 73,5% [29]. Thực tế lý giải tại sao tỷ lệ thất nghiệp trong những nhiễm HIV cao tính từ giai đoạn này trở về trước vì người nhiễm HIV ở những thời điểm này chủ yếu là người nghiện chích ma túy. Thời gian sử dụng ma túy càng lâu thì khả năng không xin được việc làm hoặc bị sa thải càng cao.
Lây nhiễm HIV/AIDS do tiêm chích ma túy trong nghiên cứu này chiếm 18,33% (33/180), qua quan hệ tình dục chiếm 70% (126/180) (theo bảng 3.5), điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Hữu Chí năm 2007 là nguyên nhân lây nhiễm chủ yếu qua con đường quan hệ tình dục là 60% [12]. Tỷ lệ này hoàn toàn trái ngược với nghiên cứu của Trịnh Thị Minh Liên, Lê Đăng Hà và cộng sự trên 126 bệnh nhân HIV/AIDS tại Hà Nội năm 2003 cho thấy lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy chiếm 70,63% [26] và của Nguyễn Đức Hiền là 55% [21]. Điều này cho thấy xu hướng chung ở Việt
Nam là lây nhiễm HIV trong cộng đồng không còn phổ biến ở nhóm đối tượng tiêm chích ma túy nữa.
Về học vấn, số đối tượng trong nghiên cứu này chủ yếu là cấp 2 và cấp 3 chiếm 65% (117/180) (theo bảng 3.2). Số đối tượng có trình độ cao đẳng đại học chiếm môt tỷ lệ không nhỏ. Điều này cũng tương đương với nghiên cứu của Lê Minh Tuấn là 48,5% [30], ban quản lý dự án Quỹ toàn cầu HIV/AIDS và Bệnh viên Bệnh nhiệt đới Trung ương năm 2009 là 92,2% [10]. Từ đó cho thấy nhận thức về tuân thủ điều trị ARV và các hành vi không an toàn của HIV như tiêm trích ma túy, mại dâm, tình dục không an toàn.
Đa số đối tượng trong nghiên cứu này đã lập gia đình 66,67% (120/180), ly dị/ly thân 4,44% (8/180), góa 11,11% (20/180). Số đối tượng chưa lập gia đình là 17,78% (32/180) (theo bảng 3.3). Với số liệu này cũng hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Bộ y tế, Ban quản lý dự án Quỹ toàn cầu HIV/AIDS và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy các đối tượng nghiên cứu đã lập gia đình là 57%, ly di/ly thân 3,8%, 13,1% góa chồng/ vợ, còn số chưa lập gia đình là 24,8% [10]. Kết quả cho thấy rằng đây là một trong những yếu tố thuận lợi để giúp đỡ và hỗ trợ tuân thủ điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân trong quá trình điều trị nhiễm HIV/AIDS mà đặc biệt là điều trị thuốc ARV.