4. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Thực trạng quản lý môi trường khu, cụm công nghiệp ở Việt Nam
Hiện nay, nước ta đã có chính sách phát triển công nghiệp gắn liền với BVMT. Các văn bản pháp luật, pháp quy có liên quan về quản lý môi trường KCN đã được ban hành, có sự phân cấp quản lý nhà nước về BVMT khu công nghiệp. Một số công cụ kinh tế đã được áp dụng như: thu phí BVMT đối với nước thải, chất thải
rắn; thực hiện việc thanh kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường tại các khu công nghiệp theo các định kỳ trong năm.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về BVMT khu công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, chức năng của các đơn vị tham gia quản lý còn chồng chéo, việc triển khai các công cụ quản lý chưa hiệu quả, nhân lực cho công tác BVMT khu công nghiệp còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, ý thức BVMT của các chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN chưa tốt [8,9].
Đến nay, nhà nước đã ban hành nhiều quy phạm pháp luật quy định nội dung quản lý môi trường khu công nghiệp, trong đó có một số văn bản trực tiếp liên quan đến công tác BVMT khu công nghiệp. Cụ thể: Quyết định số 62/2002/QĐ- BKHCNMT ngày 09/08/2002 của Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường ban hành quy chế BVMT khu công nghiệp đã đề cập đến các quy định về ĐTM, cơ sở hạ tầng BVMT, thu gom và xử lý nước thải tập trung, trách nhiệm của các bên quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Quyết định này đã là một căn cứ quan trọng quy định về phương diện luật pháp công tác BVMT đối với khu công nghiệp và đã góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và thúc đẩy các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả hơn hoạt động BVMT tại các KCN.
Mặt khác, theo nhận định của viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp – Bộ công thương (2009) thì quyết định 62 vẫn còn có hạn chế như chưa quy định một cách rõ ràng về nội dung quản lý tập trung trong KCN nên nhiều KCN đã tìm nhiều cách để trốn tránh đầu tư cho những hạng mục cơ sở hạ tầng BVMT trong KCN; các doanh nghiệp còn nặng về đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, chưa có ý thức BVMT. Ví dụ: Các doanh nghiệp đã thoả thuận với cơ quan quản lý để tự đấu nối riêng hệ thống nước thải của mình ra môi trường mà không kết nối vào hệ thống thu gom nước thải chung của KCN với lý do là công nghệ xử lý nước thải của họ đã đạt tiêu chuẩn môi trường. Hậu quả là không thể kiểm soát được các hệ thống riêng rẽ này và không dễ dàng khắc phục khi chuyển đổi sang quản lý tập trung. Đó là chưa kể lợi dụng việc được phép tổ chức riêng hệ thống xử lý nước thải và các
kênh mương thải ra môi trường nhiều doanh nghiệp thời gian đầu thực hiện khá tốt việc xử lý nước thải, sau đó đã gian dối không thực hiện xử lý nước thải theo quy định mà xả thẳng nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường [9].
Thực tế nêu trên là một trong những bằng chứng thể hiện những bất cập trong các văn bản quy định về công tác quản lý môi trường các KCN của nhà nước, vì vậy trong những năm gần đây, một số văn bản pháp lý đã được nhà nước tiếp tục ban hành với mục đích điều chỉnh để cụ thể hơn, phù hợp hơn trong các quy định quản lý môi trường KCN. Đó là Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 về việc thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu đã quy định Ban quản lý các KCN, KCX, KKT có nhiệm vụ và quyền tổ chức thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, chuyển một phần chức năng quản lý môi trường KCN từ Sở Tài nguyên và Môi trường sang cho ban quản lý KCN. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều ban quản lý các KCN chưa đáp ứng được nhiệm vụ này dẫn đến công tác quản lý môi trường trong các KCN vẫn không có hiệu quả cao, tình trạng chất thải gây ô nhiễm từ các KCN thải ra môi trường vẫn đang là một vấn đề khá phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên, môi trường sống xung quanh các KCN trở thành một vấn đề bức xúc của cộng đồng.
Trước những diễn biến không tích cực của công tác quản lý môi trường các KCN, nhà nước đã tiếp tục ban hành Thông tư 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/07/2009 về quy định quản lý và BVMT khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tập trung vào việc quy định trách nhiệm quyền hạn của các đơn vị và các vấn đề liên quan đến quản lý và BVMT các khu công nghiệp, đặc biệt nâng cao trách nhiệm của ban quản lý các KCN thể hiện ban quản lý chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý công tác BVMT tại KCN theo sự uỷ quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là: thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, chủ trì hoặc phối hợp thực hiện việc giám sát, kiểm tra các vi phạm về BVMT đối với các dự án,
CSSX tại KCN; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc thanh tra và xử lý vi phạm BVMT trong KCN. Theo thông tư này Sở TNMT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường, chủ trì công tác thanh tra việc thực hiện các quy định về BVMT, giám sát chất lượng môi trường, kiểm tra công tác BVMT trong KCN và phối hợp giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về BVMT khu công nghiệp.
Thông tư 08/2009/TT-BTNMT tuy đã tạo ra bước tiến so với Quyết định 62/2002/QĐ-BKHCNMT là đã giao trách nhiệm cho các đối tượng có liên quan trong quản lý môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ban quản lý các KCN chưa đủ điều kiện thực hiện chức năng là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chính quản lý môi trường KCN. Việc phân cấp giữa Sở TNMT và BQL các khu công nghiệp chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của mỗi đơn vị [9].
Tồn tại lớn nhất trong công tác BVMT các khu công nghiệp, theo nhận định trong Báo cáo môi trường KCN Việt Nam là:
- Chưa triển khai triệt để việc phân công trách nhiệm giữa cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện.
- Trách nhiệm của các bên về BVMT bên trong KCN còn nhiều bất cập, không rõ ràng.
- Quy định quản lý môi trường nội bộ KCN chưa được phổ biến và phần lớn hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ trước khi các khu, cụm công nghiệp đi vào sử dụng.