Phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh qua dạy học nhóm

Một phần của tài liệu phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh qua dạy học nhóm khi dạy chương chất khí lớp 10 thpt (Trang 53 - 56)

trong dạy học vật lý

2.1.2.1. Tổ chức hoạt động học tập của học sinh trong dạy học nhóm

Dạy học nhóm trong dạy học vật lí có cấu trúc, tiến trình và cách thức triển khai theo cách chung như đã nêu ở trên. Tuy nhiên để phát huy tối ưu tính tích cực, tự chủ và sáng tạo của học sinh khi tổ chức hoạt động của các nhóm, giáo viên phải quán triệt đặc điểm của dạy học vật lý.

Vì các định luật vật lý thường được xây dựng từ thực nghiệm, được kiểm nghiệm bằng thí nghiệm nên trong đều kiện các trường chưa đủ thí nghiệm, các nhóm cần thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Nếu thí nghiệm này có nhiều thành phần thì có thể cho mỗi nhóm thực hiện một phần. Sau đó dựa trên kết quả của từng nhóm, giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích rút ra kết luận tổng quát.. Khi làm thí nghiệm, giáo viên yêu cầu học sinh làm cả các thí nghiệm khảo sát và các thí nghiệm minh hoạ nhưng ưu tiên làm nhiều thí nghiệm khảo sát và các kĩ năng sử dụng các thiết bị dụng cụ rất cần thiết cho học sinh. Giáo viên cũng

cần đặc biệt chú trọng rèn luyện cho học sinh khả năng dự đoán và đề xuất phương án thí nghiệm kiểm tra dự đoán. Đây là yếu tố rất cần thiết để phát triển năng lực sáng tạo của học sinh.

Khi xây dựng các kiến thức mới có thể bằng vận dụng lý thuyết hoặc thí nghiệm thì giáo viên có thể yêu cầu nhóm nghiên cứu lý thuyết, nhóm làm thí nghiệm. Thí dụ khi nghiên cứu định luật bảo toàn cơ năng, giáo viên có thể yêu cầu hai nhóm vận dụng các kiến thức về sự rơi tự do và về động năng, thế năng để xây dựng định luật, yêu cầu hai nhóm sử dụng thí nghiệm về tính chất chuyển động của sự rơi tự do đẻ tìm quy luật của tổng động năng và thế năng của một hệ cô lập khi động năng và thế năng của hệ thay đổi.

Khi xây dựng các kiến thức không cần thí nghiệm và không sử dụng nhiều kiến thức đã học thì có thể cho các nhóm thực hiện các nhiệm vụ giống nhau bằng SGK chẳng hạn khái niệm từ thông và sự phụ thuộc từ thông vào các yếu tố.

Các nhóm có thể luân chuyển nhiệm vụ, cũng có thể không luân chuyển, tuỳ theo độ phức tạp và quỹ thời gian cần thiết để các nhóm hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu quỹ thời gian cho phép thì nhiệm vụ của nhóm cần được luân chuyển để học sinh có nhiều trải nhiệm hơn. Các em được tiến hành nhiều thí nghiệm, hoặc được tự hình thành một kiến thức nào đó từ nhiều cách khác nhau. Khi đó học sinh hứng thú tích cực học tập nhận thấy sự đa dạng của các con đường hình thành kiến thức vật lý. Các kiến thức học sinh nhận được sẽ khách quan hơn, sẽ biện chứng hơn.

Vật lý học là khoa học gắn với thực tế sản xuất và đời sống nên khi vận dụng kiến thức mới học, giáo viên có thể yêu cầu các nhóm lấy các thí dụ trong cuộc sống thực tế và trong kĩ thuật. Thí dụ khi nghiên cứu vai trò của dòng Fuco giáo viên yêu cầu mỗi nhóm nêu và phân tích một số ứng dụng về tác dụng có lợi của dòng Fuco và cách khắc phục những tác hại của dòng Fuco.

2.1.2.2. Tổ chức thu thập và xử lý thông tin của HS trong dạy học nhóm Thông qua việc tự làm thí nghiệm hoặc việc quan sát các hiện tượng trong tự nhiên, các mô hình, biểu bảng hay đọc tài liệu giáo khoa… HS thu thập những thông tin cần thiết cho việc giải quyết vấn đề học tập của mình.

Để thu thập thông tin đúng và đủ các thông tin cần thiết trong giờ học vật lí, giáo viên cần đặc biệt lưu ý, khi làm thí nghiệm các nhóm phải quan sát đầy đủ, rõ ràng, diễn biến của thí nghiệm, các hiện tượng xảy ra. Khi hình thành các khái niệm về các đại lượng vật lý hoặc rút ra các tính chất hay các định luật còn phải đo chính xác, đủ các số liệu trong thí nghiệm. Điều đó có nghĩa là mỗi nhóm phải bám sát mục tiêu hoạt động học tập của mình. Mục tiêu này do HS tự xác định dưới sự hướng dẫn của giáo viên, trong một vài trường hợp có thể giáo viên nêu mục tiêu.

Trong giờ học vật lý, kĩ năng xử lí thông tin có tính chất quyết định đến kết quả học tập. Đây là hoạt động đòi hỏi tư duy cao và tính sáng tạo. Từ các kết quả thu được qua thí nghiệm, trong nhiều trường hợp, một cách tự giác, HS chưa thể rút ra kết luận gì. Thí dụ, trong thí nghiệm về sự rơi tự do khi HS đã có bảng số liệu về đoạn đường đi được của chuyển động và thời gian tương ứng thì HS không dễ dàng rút ra kết luận về tính chất của chuyển động rơi tự do. Trong thí nghiệm nghiên cứu định luật khúc xạ ánh sáng, từ bảng số liệu của góc tới và góc phản xạ, HS cũng chưa thể rút ra định luật khúc xạ ánh sáng. Thông thường HS sẽ vẽ đồ thị về mối quan hệ của của góc tới và góc khúc xạ. Khi đó HS sẽ nhận thấy đồ thị này không cho biết một quy luật nào. Tức là, từ đồ thị HS không rút ra được định luật khúc xạ ánh sáng. Giáo viên phải hướng dẫn HS vẽ đồ thị biểu diễn mối quan hệ giữa các hàm lượng giác tương ứng của góc tới và góc khúc xạ thì mới có thể nhận dạng được quy luật biến đổi của góc tới và góc khúc xạ. Mỗi nhóm HS trong nhóm cần được hướng dẫn lập kế hoạch và xử lý các thông tin thu nhập được để rút ra các kết luận cần thiết. Trong thí nghiệm vật lý, GV cần từng bước hướng dẫn học sinh sử dụng bảng biểu, đồ thị, công thức toán để sử lý các số liệu thu đựợc.

Mặt khác, GV còn phải hướng dẫn các nhóm, trên cơ sở các thông tin thu được thực hiện các thao tác tư duy: Phân tích, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa, quy nạp, suy diễn…để rút ra các kết luận. Trong hoạt động nhóm, các kĩ năng vận dụng kiến thức, khái niệm, định luật để mô tả và giải thích các hiện tượng vật lý thường gặp trong tự nhiên hoặc trong kĩ thuật cũng như để giải các bài toán vật lý của mỗi cá nhân là cần thiết. Mặt khác chính trong hoạt động nhóm ký năng này lại có điều kiện phát triển.

Trong cách dạy này HS sẽ thực sự là chủ thể hoạt động, GV là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học như lí luận dạy học hiện đại đã phân tích. Việc dạy học nhóm như trên là điều kiện tốt khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của HS vào quá trình học tập. Ở đây HS được cuốn hút tham gia vào tổ chức và chỉ đạo GV, thông qua đó, tự chủ, khám phá, tìm tòi kiến thức, không hoàn toàn trông chờ vào việc truyền thụ của GV. Người học được hoạt động, được trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức vào thức tế cuộc sống theo khả năng nhận thức, khả năng sáng tạo của mình. Đồng thời học sinh được chú trọng rèn luyện phương pháp tự học. HS biết cách khai thác, lựa chọn tìm kiếm thông tin bằng cách hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu. Khi người học có phương pháp, thói quen ý chí tự học thì sẽ ham học, thích học, đó là điều kiện tốt để khơi dậy nội lực, khả năng vốn có của mỗi cá nhân, kết quả học tập sẽ nâng cao.

Dạy học nhóm tăng cường cá thể hoạt động học tập theo nhu cầu và khả năng của mỗi cá nhân. Qua đó người học rèn luyện ý thức tự chủ, ý thức trách nhiệm với kết quả học tập của mình. Đồng thời, HS còn được tạo điều kiện phát triển kĩ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau trong nhóm và giữa các nhóm để xác định hiệu quả hoạt động của các nhân và điều chỉnh cách học. Tự đánh giá và tự điều chỉnh hành vi hoạt động kịp thời là biểu hiện cụ thể của tính tích cực trong học tập.

Một phần của tài liệu phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh qua dạy học nhóm khi dạy chương chất khí lớp 10 thpt (Trang 53 - 56)