Mười mấy năm qua, ruộng đất Trung Quốc đã giảm gần 150 triệu mẫu Trung Quốc (TQ). Mỗi mẫu TQ bằng 1/15 héc ta, tức khoảng 660 mét vuông. Nhiều nông dân Trung Quốc đã rơi vào tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và các tệ nạn xã hội. Trước tình hình này, vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) mới dần dần được coi trọng. Một số chính sách hỗ trợ nông dân đã được triển khai và mang lại kết quả đáng kể [10].
* Giải pháp
Để giải quyết thực trạng này, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần có luật riêng về trưng dụng ruộng đất, luật bảo hộ lợi ích thiết thân của nông dân. Chính phủ phải nâng cao thích đáng tiêu chuẩn đền bù, ngoài hoa màu và cây cối ra, tiền bồi thường ruộng đất và chi phí tái định cư thấp nhất cũng phải bằng 30 lần giá trị bình quân sản lượng/năm của 3 năm trước[10].
Thứ hai, Nhà nước phải tích cực bố trí tìm kiếm công ăn việc làm. Huấn luyện và bồi dưỡng nghề nghiệp cho nông dân mất ruộng đất, nâng cao kỹ năng lao động và tố chất nghề nghiệp cho họ, khuyến khích xí nghiệp thu nhận nông dân mất ruộng đất vào làm việc và có chính sách ưu đãi cho xí nghiệp về việc này. Ủng hộ, giúp đỡ nông dân mất ruộng đất làm nghề mới, có ưu đãi về các mặt cho vay vốn, chính sách thuế...
Thứ ba, cần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội cho nông dân mất ruộng đất tùy theo điều kiện của từng địa phương. Những sức lao động nông nghiệp không
làm nông nghiệp nữa nên đưa vào hệ thống an sinh xã hội thành phố, đơn vị trưng dụng đất tiếp nộp tiền bồi thường ruộng đất cho cơ cấu an sinh xã hội…
* Thành Quả
Mọi người đều biết, Trung Quốc bắt đầu cải cách ở nông thôn trước bằng việc khoán sản lượng tới hộ. Do được làm chủ ruộng đất, tự chủ làm ăn…, tính tích cực sản xuất của người nông dân được phát huy, sản xuất lương thực nhanh chóng tăng lên, đời sống nông dân bước đầu có sự cải thiện khá rõ. Nhưng từ năm 1984, khi Trung Quốc tiến hành cải cách ở thành phố thì hầu như trong suốt 14 năm sau đó (từ 1984-1998), “người ta” đã bỏ quên nông dân (chữ dùng của một nhà nghiên cứu Trung Quốc). Phải tới đầu thế kỷ này, khi những cuộc đấu tranh tự phát và có tổ chức của nông dân ngày một tăng lên (do mất ruộng đất, do nghèo đói, do con em thất học, do không có tiền chữa bệnh...), khi số nông dân vào thành phố làm thuê lên tới mức trên 150 triệu người (có số liệu nói 200 triệu người) cộng thêm sự đồng tình đấu tranh của những người Trung Quốc có tấm lòng, vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) mới dần dần được coi trọng. Một số chính sách đã được triển khai và mang lại kết quả đáng kể [10]. Cụ thể là, Trung Quốc đã xoá bỏ thuế nông nghiệp, chấm dứt lịch sử người nông dân làm ruộng mà phải nộp thuế. Sản lượng lương thực tăng liên tục trong 4 năm liền, năm 2007 đạt trên 500 triệu tấn. Với việc xoá bỏ thuế nông nghiệp (gồm cả thuế chăn nuôi, thuế đặc sản) mỗi năm đã giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân 133,5 tỷ NDT [33].
Trung Quốc cũng đã toàn diện thực hiện giáo dục nghĩa vụ (9 năm) miễn phí (tức không phải nộp học phí và không phải mua sách giáo khoa. Những gia đình khó khăn còn được trợ cấp sinh hoạt phí toàn phần hoặc một phần (150 triệu học sinh). Cơ bản giải quyết được nạn tráng niên bị mù chữ tại miền Tây. Trung Quốc đã bước đầu thành lập được hệ thống y tế công và hệ thống dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản khắp nông thôn. Cải tạo và xây dựng mới 188.000 trạm y tế hương, trấn, trang bị thêm thiết bị y tế cho 117.000 trạm y tế hương, trấn. Điều kiện khám chữa bệnh ở nông thôn được cải thiện rõ rệt [33].
Hệ thống dịch vụ văn hoá nông thôn bước đầu hoàn thiện. Trong 5 năm tài chính, TQ hỗ trợ cho việc học nghề 66,6 tỷ NDT, trung bình mỗi năm giúp 8
triệu lao động nông thôn có việc làm. Năm 2007 đã thành lập được chế độ bảo đảm mức sinh hoạt thấp nhất ở nông thôn, có hơn 35,5 triệu nông dân được đưa vào phạm vi bảo hiểm này. Trong 5 năm qua, đời sống nông dân cũng đã có sự cải thiện đáng kể, được nâng từ mức trung bình đầu người/năm là 2.622 NDT năm 2003 lên 4.140 NDT năm 2007 (so với mức thu nhập bình quân của cư dân thành thị là 8.472 và 13.786 NDT thì vẫn thấp hơn nhiều). Cần chú ý đây là mức bình quân toàn quốc
Theo thống kê chính thức vẫn còn 14,79 triệu nông dân Trung Quốc có thu nhập ròng dưới 785 NDT/năm- tức chuẩn nghèo tuyệt đối, còn nếu tính theo mức thu nhập thấp từ 786 NDT- 1067 NDT/năm thì Trung Quốc vẫn còn 28,41 triệu nông dân nằm ở diện đó. Theo báo cáo của Ngân hàng châu Á mùa hè năm 2007 thì Trung Quốc vẫn còn khoảng 300 triệu người (mà đa số là nông dân) có thu nhập dưới 1USD/ngày [33].
1.2.2. Việt Nam