Tiềm lực tự nhiên

Một phần của tài liệu Hỗ trợ nông dân sau thu hồi đất do quá trình do thị hóa và phát triển khu công nghiệp hoàng mai ở huyện quỳnh lưu luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 39 - 40)

Trong số 9 huyện đồng bằng, thành thị của Nghệ An, Quỳnh Lưu là huyện có diện tích tự nhiên đứng hàng đầu với 60.706 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 26,7% (16.248 ha), đất lâm nghiệp chiếm 16% (9.739 ha), vùng ngập mặn chiếm 4,65% (2.823 ha), còn lại là đất ở và đất chưa sử dụng. đây là những tiền đề quan trọng để huyên Quỳnh Lưu phát triển kinh tế lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và cây công nghiệp. Cũng trên dải đất này, Quỳnh Lưu còn sở hữu 34km bờ biển (là huyện có đường biển dài nhất Nghệ An, bằng 40% chiều dài toản tỉnh) với 3 cửa sông đổ ra biển là cửa Quèn, cửa Cờn và cửa Thơi. Vùng biển Quỳnh Lưu có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá, tôm, mực, nhuyễn thể. Biển cũng mang lại cho Quỳnh Lưu những bãi tắm đẹp có sức hấp dẫn du khách gần xa như Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa.

Sự kết hợp giữa các bãi tắm với hàng chục di tích văn hoá -lịch sử được xếp hạng trong toàn huyện đang dần hình thành nên những khu du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và nghỉ dưỡng, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho phát triển kinh tế du lịch trong tương lai không xa. Không chỉ có vậy, các cửa biển cùng hệ thống sông ngòi, kênh đào trên địa bàn như sông Thai, sông Hoàng Mai, kênh nhà Lê…còn đóng vai trò to lớn trong cấu tạo địa hình, dồng thời tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện khi tạo ra thế gắn bó, giao lưu giữa vùng đồng bằng, bán sơn địa với vùng biển và tạo thêm nguồn lợi thuỷ sản phong phú ven biển.

Phía tây và phía bắc Quỳnh Lưu là vùng đồi núi, nơi cung cấp nhiều mỏ khoáng sản với số lượng lớn, chất lượng cao, gồm các loại đá vôi, sét xi măng, cao lanh…Đáng chú ý trong đó có mỏ đá Hoàng Mai rộng 490 ha, trữ lượng 500 triệu m³; mỏ sét Quỳnh Vinh 17 triệu tấn và sét xi măng 61 triệu tấn. Khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản này sẽ là chìa khoá để Quỳnh Lưu đưa ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trở thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện. Nếu thiên nhiên ưu đãi cho Quỳnh Lưu có cả rừng vàng biển bạc và đông bằng phì nhiêu để phát triển kinh tế nông lâm ngư nghiệp đa dạng theo hướng sản xuất hàng hoá, thì lịch sử và khí thiêng sông núi lại ban cho mảnh đất này những con người có truyền thống hiếu học, cần cù, dũng cảm, năng động, sáng tạo trong chiến đấu và lao động sản xuất. Nằm ở thế “Nam thanh - Bắc Nghệ” bàn đạp vào Nam, ra Bắc, lên miền tây, xuống biển đông, nơi hội tụ nhiều tuyến giao thông chiến lược như Quốc Lộ 1A, quốc lộ 48, đường sắt Bắc Nam, đường biển …chạy qua, nguồn nhân lực dồi dào, trình độ dân trí khá cao, Quỳnh Lưu hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi để bứt phá đi lên trong tiến trình CNH, HĐH [19].

Một phần của tài liệu Hỗ trợ nông dân sau thu hồi đất do quá trình do thị hóa và phát triển khu công nghiệp hoàng mai ở huyện quỳnh lưu luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 39 - 40)