4. Tài nguyên du lịch
3.1 Thực trạng du lịch của tỉnh bạc Liêu
Tiềm năng du lịch của Tỉnh Bạc Liêu phong phú nhưng thực tế ngành du lịch Bạc Liêu cũng còn không ít khó khăn do chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh này, Do thiếu sự đầu tư đúng mức của Nhà nước và nhân dân, nên chưa có nhiều cơ sở đủ chuẩn, hấp dẫn du khách; hoạt động du lịch còn tự phát. Loại hình du lịch còn nghèo nàn, cả về du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, sông nước, du lịch vườn. Hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa tạo được tour, tuyến trong thị xã và giữa thị xã với các huyện trong và ngoài tỉnh. Lượng khách đến đông, nhưng thời gian lưu trú không nhiều, chủ yếu là do dịch vụ phục vụ du lịch chậm phát triển, hệ thống nhà hàng , khách sạn chưa đáp ứng yêu cầu. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm lưu niệm và tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách đơn điệu, ẩm thực chưa được đầu tư đúng mức. Tính văn minh trong phục vụ khách, tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động du lịch còn hạn chế, chưa huy động được các thành phần kinh tế, cán bộ và nhân dân tham gia phát triển du lịch.
Tuy nhiên, du lịch Bạc Liêu trong thời gian qua có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Số liệu thống kê của tỉnh cho thấy, nếu như năm 2007, Bạc Liêu đón được 220.000 lượt khách và doanh thu đạt 240 tỷ đồng thì đến năm 2008, doanh thu đạt 300 tỷ đồng, tăng 16,7% và số lượt khách đến Bạc Liêu là 280.000 tăng 27,2% so với năm 2007, trong đó khách quốc tế khoảng 8.000 và 85.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch cũng từng bước được đầu tư phát triển, nhiều dự án du lịch đã và đang được triển khai.
Để thúc đẩy hoạt động du lịch tiếp tục phát triển bền vững, ngành du lịch của tỉnh đã tập trung khai thác những giá trị độc đáo của các điểm du lịch trong tỉnh, tạo cho du lịch Bạc Liêu có những điểm nhấn để thu hút khách và phát triển bền vững. Theo đó, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng
tour, tuyến hợp lý; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các dự án khu, điểm du lịch trọng điểm để du lịch Bạc Liêu tạo đà bứt phá.
Cụ thể tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng Khu du lịch Nhà Mát với quy mô gần 100ha ngay tại thị xã Bạc Liêu. Dự kiến năm 2010 công trình hoàn tất và đưa vào sử dụng sẽ là một đòn bẩy thúc đẩy du lịch Bạc Liêu phát triển. Ngoài ra còn có một số dự án phát triển du lịch sinh thái như dự án phát triển khu du lịch sinh thái ven biển có quy mô 80ha; khu du lịch vườn chim Bạc Liêu; khu du lịch Vườn Nhãn; dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng…
Vốn được coi là chiếc nôi của du lịch văn hóa nên bên cạnh việc phát triển du lịch sinh thái thì việc phát triển du lịch văn hóa cũng được tỉnh Bạc Liêu chú trọng để khai thác. Bên cạnh việc tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, ngành du lịch tỉnh còn tập trung khai thác các điểm nhấn văn hóa mang sắc thái riêng của Bạc Liêu như: bản Dạ cổ hoài lang gắn với khu lưu niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu; các khu du lịch tâm linh gắn với chùa chiền; tháp cổ Vĩnh Hưng gắn với nền văn hóa Óc Eo; phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử để phục vụ khách du lịch tại các khu di tích; tổ chức các lễ hội truyền thống địa phương.
Với những nỗ lực rất lớn của ngành du lịch Bạc Liêu, hy vọng du lịch Bạc Liêu ngày càng khởi sắc, thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu nhiều hơn góp phần thúc đẩy du lịch Bạc Liêu phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào thu nhập kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nhiều năm qua, hoạt động du lịch của tỉnh nói chung, thị xã nói riêng được các ngành, các cấp và người dân quan tâm và có sự đầu tư đáng kể. Một số dự án du lịch được xây dựng, các cơ sở du lịch không ngừng tăng thêm, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan ngày càng nhiều và nguồn thu từ du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, du lịch trên địa bàn thị xã còn chậm phát triển, thiếu sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như các hoạt động dịch vụ nên chưa có nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn để
thu hút du khách; hoạt động du lịch lữ hành còn hạn chế, chưa tạo được tour, tuyến trong thị xã và các huyện trong tỉnh; sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du lịch còn đơn điệu, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chưa mang tính chuyên nghiệp.Việc huy động các thành phần kinh tế, cán bộ và nhân dân trong công tác xã hội hoá để phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên đồng thời phát huy tiềm năng du lịch, BCH Đảng bộ thị xã Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 26/11/2006 về phát triển du lịch thị xã. Qua gần 03 năm thực hiện Nghị quyết 02, thị xã Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi. Về lĩnh vực du lịch văn hoá: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch khởi công xây dựng Dự án trùng tu tôn tạo khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu xây dựng khu du lịch Phật bà Nam Hải; tôn tạo, nâng cấp công viên Lê Thị Riêng; sửa chữa, nâng cấp Công viên văn hoá Trần Huỳnh…
Các ngành chức năng của tỉnh và thị xã cũng đã tập trung đầu tư và đưa vào khai thác như: Khôi phục, nâng cấp cụm nhà Công tử Bạc Liêu; đầu tư xây dựng Bia căn cứ thị xã trong vườn chim Bạc Liêu; nâng cấp khuôn viên và đường vào gốc Xoài cổ tại xã Vĩnh Trạch Đông; xây dựng: Bia khám Lớn, Bia lá cờ Đảng, Bia Trường Công nông Minh Hải; xây dựng cổng chào du lịch phường Nhà Mát với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng. Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư xây dựng một số hạng mục như: sân tennis, hồ bơi, bến du thuyền…với kinh phí gần 6 tỷ đồng. Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 02 về phát triển du lịch đã phối hợp với Ban trị sự các đình, chùa vận động các mạnh thường quân đóng góp trùng tu, sửa chữa, nâng cấp đối với các cơ sở thờ tự, nhất là các di tích đã được xếp hạng như: Đình An Trạch; Hội Triều Quang Sùng Thiện đường, miếu Địa Mẫu, miếu ông Bổn với tổng kinh phí 1,67 tỷ đồng; Tham gia với tỉnh tổ chức các lễ hội hàng năm trên địa bàn như: lễ hội “Dạ cổ hoài lang”, lễ hội Quán âm Nam Hải, lễ Óc-Om-Bóc của đồng bào dân tộc Khơmer, lễ tiết thanh minh, lễ Vu Lan của bà con dân tộc Hoa, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch, người Bạc Liêu văn minh, lịch thiệp, hiếu khách.
Về du lịch vườn: tuyến du lịch vườn nhãn đã có trên 50 quán ăn uống, nhà nghỉ được chỉnh trang, nâng cấp chất lượng sản phẩm và phong cách phục vụ khách du lịch. Tổ chức thống kê số nhãn cổ để bảo tồn; mô hình trồng cây ca cao dưới tán nhãn cổ; gốc Xoài cổ… Quy hoạch nhà vườn tuyến lộ Trà Kha - phường 8, phát động nhân dân khóm Trà Kha cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái, cải tạo nâng cấp một số cơ sở dịch vụ ăn uống…
Về dịch vụ du lịch: toàn địa bàn thị xã có trên 50 cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn đáp ứng đủ nhu cầu của du khách; dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khoẻ cũng đang phát triển, tới trên 60 điểm dịch vụ như: karaoke, ca cổ, quán bar, massage…; đầu tư nâng cấp khu ẩm thực Bạc Liêu, khu chợ đêm…; thành lập 02 Đội đờn ca tài tử chuyên phục vụ du lịch, trên 20 đội, nhóm đờn ca tài tử ở các phường, xã, khóm, ấp và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí nhằm phục vụ khách du lịch. Qua gần 03 năm thực hiện Nghị quyết 02, có hơn 280.000 lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch Bạc Liêu (so với năm 2007 tăng 34%) chiếm 70% lượng khách đến trong tỉnh, tổng doanh thu đạt 415 tỷ đồng, tăng 24%
Tuy kết quả mới chỉ ở bước đầu, nhưng đã tạo tiền đề quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra. Thị xã đã thu hút được lượng khách khá lớn đến với Bạc Liêu tham quan du lịch.; đầu tư và hình thành một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ du lịch; các dịch vụ ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ bắt đầu có sự khởi động và nâng cao chất lượng phục vụ; các sản phẩm địa phương, quà lưu niệm cũng đã tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu thương hiệu, chú trọng hơn về mẫu mã, chất lượng hàng hoá khi sản xuất để giới thiệu với khách tham quan; Công tác an ninh, trật tự xã hội, trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường thường xuyên được chú trọng và thực hiện khá tốt, đảm bảo sự an toàn, phấn khởi cho du khách khi đến Bạc Liêu.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 02 vẫn còn một số mặt khó khăn, hạn chế như: Các điểm quy hoạch để phát triển du lịch trên địa bàn phần lớn
thuộc về nhiệm vụ, chức năng của một số Sở, ngành cấp tỉnh, thị xã không chủ động được nên tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, công việc cụ thể còn chậm so với yêu cầu; chính sách ưu đãi đầu tư chưa hấp dẫn nên ít nhà đầu tư vào Thị xã Bạc Liêu; một số lĩnh vực thuộc nhiệm vụ cụ thể Nghị quyết 02 đã đề cập ở lĩnh vực du lịch sinh thái, đòi hỏi phải có phối hợp đồng bộ của các ngành thuộc tỉnh, nhưng thực hiện hiệu quả thấp; Một số hộ dân có điều kiện làm du lịch còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, cho vay vốn, chính sách thuế... nên tốc độ phát triển du lịch còn chậm; về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ của các cơ sở lưu trú còn thấp, chất lượng đội ngũ phục vụ còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp của nhân viên ở các cơ sở lưu trú chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách du lịch...
Để tiếp tục đưa Nghị quyết 02 của Thị ủy vào cuộc sống, thị xã đã đề ra một số giải pháp cụ thể như sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân thấy rõ được lợi ích lâu dài và thế mạnh du lịch trong phát triển kinh tế chung của thị xã; trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá gắn với phát triển du lịch; chấn chỉnh sắp xếp trật tự mua bán và làm tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí hợp lý khu dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, bãi đậu xe, trồng cây xanh…tại khu vực “Tượng Bà Nam Hải”; lắp đặt các bản chỉ dẫn khách tham quan đến các điểm du lịch; tham gia với tỉnh tổ chức tốt các lễ hội như: “Dạ cổ hoài lang”; “Quán âm Nam Hải”; lễ hội Kỳ Yên ở các đình, chùa; lễ hội Óc-om-bóc…; tiếp tục phát động nhân dân mở rộng, phát triển du lịch vườn thuộc khóm Trà Kha - phường 8, phường 1, xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông; giới thiệu, quảng bá một số hàng hoá, sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của Bạc Liêu như: rượu nếp Bỉnh Thành, rượu nhãn, tôm khô, dưa bồn bồn…Đồng thời phát triển những món ăn nổi tiếng đặc thù của Bạc Liêu như: Bún nước lèo, bún bò cay, nghêu, cua, bánh xèo Giồng Nhãn, bánh cuốn Hồ bơi…; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; chăm bồi, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch, có kế hoạch từng bước chuẩn hoá lực lượng hướng dẫn viên du lịch,
thuyết minh viên, nhân viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ tốt hơn nữa cho du khách khi đến tham quan trên địa bàn.