Năng lượng, trước hết là điện, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Theo tổng sơ đồ điện VII, để đảm bảo nhu cầu điện trong giai đoạn 2011 – 2020 vốn đầu tư trong ngành điện khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 48,8 tỷ USD). Trong cả giai đoạn 2011 – 2030, nhu cầu đầu
tư khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD).
Trong giai đoạn 2011 – 2015, EVN còn 5 nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất 6.000 MW và nhà máy thủy điện (Luang Prabang 1.100 MW) sẽ đưa vào vận hành, với nhu cầu vốn tới gần 11 tỷ USD. Đối với hoạt động đầu tư cho lưới truyền tải và phân phối, dự kiến nhu cầu về vốn trong giai đoạn 2011 – 2015 là 28 tỷ USD.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng lên kế hoạch từ nay đến năm 2016 phải hoàn thành 13 dự án nhiệt điện than và 1 dự án thủy điện tổng công suất 7.092 MW với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 10 tỷ USD.
Bộ Công Thương cũng đã giao các cơ quan nghiên cứu 15 quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng công suất 4.000 MW. 8 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến năm 2030 cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kết hợp với nhu cầu về vốn không nhỏ của các dự án điện do Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, ... và các nhà đầu tư điện của các tổ chức khác (IPP), nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là rất lớn.
Do quy mô của các dự án ngành điện đòi hỏi số vốn đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên khả năng đáp ứng vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước rất khó khăn. Hơn nữa, các dự án năng lượng yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp và chịu sự chi phối, ràng buộc của nhiều yếu tố, vượt quá năng lực thẩm định của các ngân hàng. Đó là chưa kể những rủi ro khi triển khai dự án điện như việc hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của dự án thủy điện, từ đó ảnh hưởng hiệu quả và khả năng trả nợ của dự án. Bên cạnh đó, thị trường vốn Việt Nam chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, tính công khai, minh bạch cũng còn hạn chế, số lượng các nhà đầu tư chuyên nghiệp không nhiều, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ khiến các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng khó khăn hơn. Việc huy động vốn từ các thị trường quốc tế cũng không dễ dàng vì thi xếp các khoản vay lớn từ ngân hàng thế giới đòi hỏi sự hợp vốn của rất nhiều ngân hàng, trong khi vấn đề thủ tục và đàm phán khá phức tạp. Hình thức vay tín dụng xuất khẩu khá hấp dẫn vì lãi suất tương đối cạnh tranh thì lại phải có sự
bảo lãnh của Chính phủ (thông qua Bộ Tài chính) với những thủ tục hành chính rất phức tạp và không phải dự án nào cũng thu xếp được do hạn mức cấp bảo lãnh vay vốn của Chính phủ chỉ có hạn. Ngoài ra, những rào cản trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và cơ chế đấu thầu hiện nay đang là vấn đề làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, trong khi ở các quốc gia khác, những dự án điện thực hiện theo hình thức BOT thì nhà đầu tư được lựa chọn thông qua đấu thầu, tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí đầu tư.
EVN – người chịu trách nhiệm chính đầu tư các công trình điện hiện nay, đang là doanh nghiệp chịu áp lực lớn nhất về vấn đề thiếu vốn để đầu tư xây dựng các dự án.