Biểu trưng cho người phụ nữ

Một phần của tài liệu tìm hiểu trường từ vựng tên gọi động vật thủy sinh và các tín hiệu thẩm mỹ được tạo nên trong ca dao (Trang 48 - 50)

6. Cấu trúc khóa luận

2.2.2.2. Biểu trưng cho người phụ nữ

Người phụ nữ, nhất là những cô gái ở tuổi xuân xanh là đối tượng nói đến của nhiều ngành nghệ thuật từ xưa đến nay, bởi họ là phần quan trọng không thể thiếu được của thế giới, là biểu tượng cho cái đẹp cả về hình thức bên ngoài lẫn phẩm chất bên trong. Kho tàng ca dao người Việt có nhiều lời ca dao phản ánh chân thực vẻ đẹp cũng như thân phận của người phụ nữ, điều này tập trung ở những lời ca dao mở đầu bằng cụm từ “thân em”, “em như”. Các tác giả dân gian chủ yếu sử dụng cấu trúc so sánh: Thân em (em) A như B, trong đó B chủ yếu là những hình ảnh, đối tượng thuộc thế giới tự nhiên (các loài động vật thủy sinh). Nhưng không phải loài động vật thủy sinh nào cũng được đem ra làm biểu tượng cho người phụ nữ, ở đây tác giả dân gian thường sử dụng những biểu tượng quen thuộc, gần gũi đặc biệt là loài cá để nói về thân phận của người phụ nữ.

Ví dụ 69:

Em như cá lẹp rút xương

Gặp người quân tử giữa đường hỏi mua. [27, 1059]

Trong xã hội xưa, người phụ nữ được coi như một món đồ ngoài chợ, được đem ra mua bán, trao đổi. Họ không có quyền làm chủ cuộc đời, tương lai, hạnh phúc của mình. Tương lai, cuộc sống của họ không có hai chữ “tìm hiểu”, “tình yêu’ mà phụ thuộc vào sự “nhanh tay”, “chậm lời” của người đàn ông.

Ví dụ 70:

Em như con cá giữa vời

Ai lanh tay thì được, ai chậm lời thì thôi. [27, 1059]

Mặc dù không được quyết định cuộc hôn nhân của mình, cuộc hôn nhân đó không tồn tại tình yêu đi nữa,dù có nuối tiếc, có xót xa nhưng khi đã là đạo vợ chồng người phụ nữ luôn luôn giữ tiết hạnh, phẩm chất của một người vợ chung thủy.

Ví dụ 71:

Lá thắm đã trôi về bến khác

Tô đào nay buộc lạc nơi rồi

Khuyên ai đừng có nhiều lời

Em như con cá đã mắc mồi còn đâu. [27, 1334]

Người phụ nữ luôn luôn ý thức được về thân phận tội nghiệp của mình. Ví dụ 72:

Em như con cá rô kia lóc vũng trâu đằm

Người mong thả lươi người nhằm buông câu

Em như con cá rô kia lóc vũng chân trâu

Ba bảy hăm mốt cái cần câu châu vào. [27, 1060]

Nhân dân lao động xưa có sự liên tưởng quá bất ngờ, một lần nữa thân phận của người phụ nữ được ví với hình ảnh con cá nhỏ bé (cá rô), thêm vào đó môi trường tồn tại của nó lại không phải là ao, hồ rộng lớn, thoáng đãng mà ngược lại đó là một “vũng trâu đằm”, đau đớn hơn đó còn là “vũng chân trâu”. Những hình ảnh hầu như không có giá trị luôn luôn sánh đôi cùng với thân phận của họ. Đọc câu ca dao, người đọc thấy được sự “cạnh tranh” để có được cô gái thông qua các từ “mong”, “nhằm”, “châu vào” nhưng nó không làm nổi bật giá trị con người mà ngược lại điều đó càng tô đậm hơn thân phận đáng thương của họ. Ai ai cũng mong có được để cothể sở hữu như một “chiếm lợi phẩm”.

Hay một câu ca dao khác, thân phận của người phụ nữ được ví với hình ảnh con tép. Tép - nhỏ bé, ít giá trị, tội nghiệp nên không dám mong đến hạnh phúc.

Ví dụ 73:

Anh về kiếm vợ cho xong

Em là tép nhỏ lộn rong khó tìm. [27, 176]

Những nghẹn ngào của người phụ nữ khi đã tới độ bật thành những câu độc thoại ẩn chứa đầy tâm sự.

Ví dụ 74:

Bể sâu dạ cũng héo hon

Trải bao cay đắng hao mòn về nỗi sương mai

Tâm sự này biết tỏ cùng ai

Biết đâu cá nước, chim trời là đâu

Cũng may xui khiến gặp nhau...[27, 292]

Mặc dù thân phận nhỏ bé, đáng thương, tội nghiệp nhưng người phụ nữ vẫn luôn ấp ủ những ước mơ của mình. Cuộc sống có khắc nghiệt, nhưng không đủ để đốt cháy vẻ đẹp bên trong của họ. Câu ca dao sau đã thể hiện chân thực điều ấy.

Ví dụ 75:

Thiếp như cá ở biển Đông

Chờ khi nước cạn hóa rồng lên mây

Phải chi anh có phép thần thông

Ngăn mây đón gió, bắt rồng cưỡi chơi. [27, 2173]

Chỉ với những lời ca dao ngắn gọn, thân phận của người phụ nữ đã được bộc bạch rõ nét. Nhờ việc sử dụng tên các loài động vật thủy sinh để ẩn dụ cho người phụ nữ mà lời ca dao trở nên mượt mà, biểu cảm. Khi đó thông điệp của chủ thể trữ tình được truyền tải một cách ý nhị, sâu sắc.

Một phần của tài liệu tìm hiểu trường từ vựng tên gọi động vật thủy sinh và các tín hiệu thẩm mỹ được tạo nên trong ca dao (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(59 trang)