Sự cần thiết phát triển dịch vụ ngân hàng

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn – hà nội (Trang 25 - 27)

1.3.2.1 Yêu cầu của thị trường

Sự phát triển của xã hội diễn ra không ngừng, khoa học công nghệ ngày càng hiện đại làm cho nhu cầu của chủ thể trong nền kinh tế cũng thay đổi theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú và không ngừng đổi mới. Ngân hàng muốn tồn tại và phát triển thì nhất thiết phải theo kịp với sự thay đổi của xã hội và phục vụ một cách tốt nhất nhu cầu về tài chính, tiền tệ, thanh toán trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống của công chúng. Muốn vậy, thì hệ thống dịch vụ ngân hàng cần phải được đổi mới và mở rộng theo xu thế lấy chất lượng và công nghệ làm mục tiêu chính. Từ đó đáp ứng nhu cầu về tài chính tiền tệ một cách nhanh nhất, chính xác nhất, an toàn nhất cho khách hàng.

Cho tới thời điểm hiện nay, các NHTM Việt Nam chưa có hoạt động nghiên cứu thị trường tổng thể nào để có những căn cứ sát thực về nhu cầu thị trường đối với các dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, đa số các dịch vụ mới ra đời đều được khách hàng chấp nhận. Chẳng hạn như: các dịch vụ ngân hàng hiện đại như dịch vụ e - banking, home - banking, phone - banking, dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, phát hành thẻ ghi nợ quốc tế Visa Electron của Ngân hàng Á Châu, thẻ ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đều được thị trường chấp nhận nhanh chóng và mang lại cho các ngân hàng những lợi thế cạnh tranh vì đã cung ứng cho khách hàng những sản phẩm ngân hàng hiện đại và có nhiều tiện ích.

1.3.2.2 Yêu cầu phát triển của chính ngân hàng thương mại

Thứ nhất, phát triển các dịch vụ ngân hàng sẽ giúp các NHTM đáp ứng tốt các nhu cầu của thị trường.

Thứ hai, phát triển dịch vụ ngân hàng làm tăng khả năng cạnh tranh. So với các ngành kinh tế khác, ngành ngân hàng có dịch vụ khá bảo thủ và dễ bắt chước. Trong thực tiễn, những sản phẩm, dịch vụ của một ngân hàng rất dễ bị ngân hàng khác sao chép và như vậy ưu thế cạnh tranh dễ bị mất đi. Nếu ngân hàng nào tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách trang trí nội thất đẹp, tạo bầu không khí vui vẻ thoải mái khi khách hàng giao dịch thì đó là lợi thế cạnh tranh của ngân hàng này. Nhưng chỉ một thời gian sau các ngân hàng khác cũng đã thực hiện được điều đó. Khi đó hình ảnh đẹp mắt và thái độ phục vụ không còn là một lợi thế cạnh tranh nữa mà ngân hàng nào có dịch vụ mới hơn, hoàn hảo hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sẽ có sức thu hút khách hàng lớn hơn. Chính vì thế, việc đa dạng hóa các dịch vụ và cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu cho tất cả các khách hàng sẽ tạo cho ngân hàng ưu thế nổi trội để có thể đứng vững trong cạnh tranh.

Thứ ba, phát triển các dịch vụ ngân hàng là thực hiện nguyên tắc phân tán rủi ro trong kinh doanh.

Việc phát triển các dịch vụ còn mang ý nghĩa quan trọng là đảm bảo nguyên tắc “tránh để nhiều trứng trong một giỏ” nhằm phân tán rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Rủi ro được hiểu là những bất trắc xảy ra ngoài dự kiến của con người, nó đem lại những thiệt hại về kinh tế hay uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu một ngân hàng cung ứng nhiều dịch vụ sẽ tỏ rõ ưu thế của mình trong việc phân tán rủi ro. Vì nếu một lĩnh vực hoạt động dịch vụ gặp khó khăn thì ngân hàng vẫn có thể phát triển những lĩnh vực khác.

Thứ tư, việc phát triển dịch vụ còn tạo ra một nguồn thu nhập đáng kể cho ngân hàng. Ngân hàng thu được phí từ các dịch vụ của mình, hoặc thu hút khách hàng nhờ các dịch vụ đó. Do đó, ngân hàng có điều kiện nâng cao hiệu quả kinh doanh toàn diện.

Thứ năm, phát triển các loại hình dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ của thị trường chứng khoán. Ngân hàng sẽ trực tiếp tham gia thị trường chứng khoán thông qua các dịch vụ như: ký ủy thác, tư vấn, bảo lãnh phát hành... Hệ thống ngân hàng là cầu nối giữa nhà đầu tư với thị trường

chứng khoán. Nhà đầu tư có thể yêu cầu ngân hàng mua bán hộ chứng khoán cho mình. Bên cạnh việc thực hiện dịch vụ ủy thác, các NHTM với đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi về phân tích chứng khoán sẽ trở thành những nhà tư vấn cho khách hàng. Các hoạt động này một mặt thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, mặt khác đem lại khoản thu đáng kể cho ngân hàng.

1.3.2.3 Yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực Ngân hàng - Tài chính

Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới sẽ mang lại cho các NHTM Việt Nam nhiều cơ hội song cũng nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức về sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng với các ngân hàng nước ngoài. Dịch vụ ngân hàng trong nước còn nghèo nàn, tính tiện ích chưa cao, không tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng nên đã làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các NHTM Việt Nam. Do vậy, để có thể tự tin khi tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, không còn cách nào khác là các NHTM Việt Nam phải nhanh chóng tìm các giải pháp phát triển các dịch vụ ngân hàng.

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn – hà nội (Trang 25 - 27)