1.2.3.1. Luật pháp, quy chế, chính sách
Bất cứ hoạt động nào của ngân hàng nào cũng phải tuân thủ theo luật pháp, quy chế, chính sách của quốc gia đó đặt ra. Khi một ngân hàng mở rộng hoạt động ngân hàng quốc tế thì ngân hàng đó không chỉ chịu sự điều chỉnh của luật pháp trong nước, của các thông lệ quốc tế được áp dụng thống nhất trong thương mại giao dịch quốc tế như UCP600, URC522, ISBP... mà còn còn cả của luật pháp quốc gia mà ngân hàng đó có quan hệ quốc tế.
1.2.3.2. Hoạt động kinh tế, đầu tư và thương mại quốc tế.
Nghiệp vụ ngân hàng quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng đầu tư, thương mại quốc tế vì vậy một sự biến động của kinh tế thế giới hay thương mại quốc tế đều ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đầu tư và thương mại quốc tế của khách hàng cho nên sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Mặt khác, trong thời đại ngày nay, kinh tế thế giới đang ở giai đoạn toàn cầu hoá mạnh mẽ, đặt ra vấn đề là tất cả các quốc gia là phải hội nhập kinh tế quốc tế và phải hội nhập với tốc độ như thế nào để không tụt hậu nên dù cho một biến động nhỏ nào của kinh tế thế giới, đầu tư và thương mại quốc tế đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Hệ thống ngân hàng tài
chính của một quốc gia cũng không thể nằm ngoài sự ảnh hưởng này được, các ngân hàng cũng chịu sức ép mạnh mẽ của hội nhập kinh tế quốc tế.
1.2.3.3. Sự phát triển như vũ bão của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế
Ngày nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới đã diễn ra xu thế sáp nhập các ngân hàng lớn cũng như nhỏ để tăng cường khả năng cạnh tranh, lợi nhuận, tiềm lực tài chính và giảm thiểu rủi ro. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn đối với các ngân hàng nhỏ, có tiềm lực tài chính chưa vững mạnh làm thế nào để tồn tại và phát triển.
Làn sóng sáp nhập trong ngành ngân hàng nói riêng và trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính nói chung sẽ kéo dài với ảnh hưởng không nhỏ dẫn đến trong tương lai, số lượng ngân hàng sẽ không nhiều nhưng quy mô mỗi ngân hàng sẽ lớn hơn rất nhiều. Ngân hàng nào nằm ngoài xu hướng hợp nhất sẽ phải đương đầu với yếu tố cạnh tranh rất lớn.
1.2.3.4. Tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ
Khoa học công nghệ có những bước tiến bộ vượt bậc và được áp dụng mạnh mẽ vào trong lĩnh vực ngân hàng đã tạo ra những bước ngoặt trong ngành công nghiệp này. Đó là tác động của thương mại điện tử và ngân hàng điện tử. Thương mại điện tử và ngân hàng điện tử là những nhân tố, điều kiện thiết yếu để quốc tế hóa hoạt động ngân hàng. Những nhân tố này là sức ép lớn buộc các NHTM mở rộng các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế, tham gia hội nhập vào cộng đồng tài chính quốc tế.
1.2.3.5. Nền kinh tế tri thức
Trong nền kinh tế toàn cầu hoá hiện nay, lợi thế so sánh của các nước có sự thay đổi căn bản. Ngày nay, lợi thế để có thể phát triển của mỗi quốc gia, để có thể hội nhập thành công vào thị trường quốc tế, để các quốc gia chậm phát triển có thể đuổi kịp các quốc gia phát triển đó là trí tuệ của dân tộc mà đại diện là những cá nhân xuất sắc, là hàm lượng công nghệ cao chứ
không phải là lao động trẻ, tài nguyên phong phú và nguồn vốn... Nghiệp vụ ngân hàng quốc tế đặc biệt đề cao phẩm chất và trí tuệ con người, đòi hỏi nhân viên thực hiện nghiệp vụ ngân hàng quốc tế phải có tri thức về công nghệ thông tin, tri thức về kinh tế cũng như tất cả các phẩm chất cần có của một cán bộ ngân hàng. Do đó, vấn đề kinh tế tri thức và chiến lược tri thức hoá ngành ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển hay tụt hậu của ngân hàng sau này.
1.2.3.6. Tiềm lực ngân hàng
Tiềm lực ngân hàng là những nhân tố thuộc về ngân hàng như trình độ của những nhà quản trị ngân hàng, năng lực tài chính của ngân hàng, tri thức về tổ chức thực hiện... Năng lực tài chính của ngân hàng ở đây được hiểu là vốn tự có vì vốn tự có đóng vai trò then chốt trong hoạt động của ngân hàng. Nó quy định quy mô, tầm vóc, khả năng cạnh tranh, mức độ chịu đựng và chống chịu rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Vốn tự có càng cao, ngân hàng càng có cơ hội mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao vị thế của mình.