CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TÀI TRỢ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THEO PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM
1.3. PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TÀI TRỢ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THEO PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ CHỈ TIÊU ĐO LƯỜNG
1.3.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển hoạt động tài trợ thương mại quốc tế theo phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
a. Nhân tố chủ quan
Chính sách đối ngoại của NHTM
Chính sách của ngân hàng bao gồm việc mở rộng mối quan hệ với các ngân hàng nước ngoài, quy trình nghiệp vụ thanh toán quốc tế… Nếu chính sách đối ngoại của ngân hàng đưa ra là đúng đắn và phù hợp thì sẽ giúp ngân hàng duy trì và tăng cường mối quan hệ với các ngân hàng nước ngoài, từ đó giúp ngân hàng hoàn thiện hơn quy trình nghiệp vụ, thu hút khách hàng trong và ngoài nước, giúp ngân hàng tăng doanh thu, giúp nâng cao vị thế của ngân hàng.
Trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của cán bộ thanh toán viên Cán bộ thanh toán viên là những người trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và TTTM theo phương thức L/C nói riêng.
Khi mà NHTM có được những thanh toán viên giàu kinh nghiệm, giỏi quy trình nghiệp vụ, kỹ năng tốt cũng như các quy định thống nhất về phương thức L/C sẽ đảm bảo tính an toàn, chính xác cao trong giao dịch và giảm thiểu được rủi ro. Từ đó có được sự hài lòng và độ tín nhiệm của khách hàng, giúp cho hoạt động TTTM theo phương thức L/C của NHTM đạt hiệu quả cao, đem lại lợi nhuận và uy tín cho ngân hàng.
Hoạt động của hệ thống ngân hàng đại lý
Quan hệ đại lý có vai trò rất quan trọng đối với nghiệp vụ ngân hàng ngày nay.
Để thực hiện nghiệp vụ ngân hàng quốc tế, đặc biệt là thanh toán quốc tế, mỗi ngân hàng cần thiết lập quan hệ đại lý với các định chế tài chính, ngân hàng ở các quốc gia khác nhau, nhất là tại các quốc gia đã có hiệp định thương mại song phương. Nhờ đó, giúp cho việc thanh toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả giữa các ngân hàng đặt tại trụ sở các nước khác nhau.
Hệ thống công nghệ ngân hàng hiện đại
Trong hoạt động TTTM của các NHTM, phương tiện truyền tin chủ yếu được sử dụng gồm: Thư tín, Telex và SIWFT. Hiện nay tại NHTM có tới 99% các bức điện thanh toán tự động qua SWIFT đạt độ chính xác cao. Chất lượng thanh toán qua SWIFT được thể hiện ở tỷ lệ các bức điện được xử lý tự động hoàn toàn, tỷ lệ này sẽ phản ánh trình độ của NHTM. Bên cạnh đó, việc nâng cao hệ thống công nghệ cũng giúp cho các ngân hàng tối đa hóa được giá trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế phí giao dịch và giảm thiểu được rủi ro.
Khả năng nguồn vốn của ngân hàng
Để có thể tài trợ cho các hoạt động TTTM quốc tế, các ngân hàng cần phải xem xét đến khả năng tài chính của mình để đảm bảo yếu tố an toàn cho ngân hàng trong hoạt động kinh doanh. Ngân hàng cần đảm bảo cho các nguồn vốn ổn định vì giá trị các hợp đồng thanh toán quốc tế thường có giá trị lớn. Bên cạnh đó, ngân hàng thông thể tập trung vào lĩnh vực tài trợ quá nhiều dẫn đến những khó khăn, yếu kém đối với các hoạt động khác mà cần cân bằng và hài hòa giữa các nghiệp vụ để đảm
bảo sự phát triển chung của ngân hàng.
Hoạt động marketing
Để có thể phát triển hoạt động tài trợ thương mại quốc tế phụ thuộc không nhỏ vào chiến lược marketing. Thông qua đó, khách hàng có thể biết đến sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng rõ hơn, nâng cao hình ảnh của ngân hàng trên thị trường. Một chiến lược marketing phù hợp sẽ góp phần mở rộng mạng lưới quan hệ khách hàng.
b. Nhân tố khách quan
Tình hình nền kinh tế và chính sách vĩ mô của nhà nước
Trong một nền kinh tế ổn định và phát triển thì hoạt động của ngân hàng sẽ an toàn và hiệu quả hơn. Ngân hàng yên tâm đầu tư tín dụng cho nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển dịch vụ mới, trong đó bao gồm hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ.
Không chỉ riêng với hoạt động tài trợ thương mại mà tất cả các hoạt động của ngân hàng đều chịu sự ảnh hưởng của chính sách nhà nước. Tùy theo từng thời kỳ mà nhà nước có những chính sách nhất định, vì thế các hoạt động tài trợ của ngân hàng cũng cần phải điều chỉnh theo để tuân thủ quy định.
Môi trường chính trị- xã hội
Sự ổn định của chính trị- xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế quốc tế của một nước phát triển. Tính ổn định của chính trị càng cao thì mức an toàn trong đầu tư càng cao, do đó các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm hơn trong kinh doanh, tạo cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh xuất nhập khẩu. Và trên cơ sở đó, hình thành nhu cầu chuyển vốn ngoại tệ ra, vào qua ngân hàng ngày càng tăng lên, hiệu quả mang lại cho hoạt động thanh toán quốc tế cũng tăng theo.
Môi trường pháp lý cho hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu
Mọi hoạt động kinh doanh vượt ra ngoài biên giới đều phải tuân thủ, chịu sự chi phối bởi luật pháp quốc gia đó hoặc luật pháp nước sở tại và thậm chí là thông lệ và tập quán quốc tế cũng như luật và công ước quốc tế. TTQT theo phương thức tín dụng chứng từ không những phải chịu sự chi phối của luật pháp trong nước, luật pháp nước sở tại mà còn chịu sự chi phối của các cơ chế, các quy tắc và chuẩn mực quốc tế như UCP 600, ISBP,…
Chính sách quản lý ngoại hối
Nhà nước thực hiện quản lý ngoại hối thông qua việc đề ra các chính sách kiểm soát luồng vận động của ngoại hối và quy định về ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Các quy định này tác động trực tiếp tới cung cầu ngoại hối trên thị trường và từ đó ảnh hưởng tới các hoạt động ngoại thương và trạng thái ngoại tệ của ngân hàng.
Kiến thức về nghiệp vụ ngoại thương của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chính là khách hàng của NHTM, do đó kiến thức về nghiệp vụ ngoại thương của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ và hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch giữa NHTM và các doanh nghiệp XNK.
c. Các nhân tố khác
- Sự thay đổi kinh tế, chính trị của các nước bạn hàng: Hoạt động TTTM quốc tế không chỉ diễn ra trong nước mà còn giữa các quốc gia khác nhau nên luôn bị tác động của các yếu tố môi trường chính trị, kinh tế, xã hội của các nước bạn hàng.
- Các nhân tố bất khả kháng là sự kiện khi xảy ra làm cho hợp đồng ngoại thương trở nên không thực hiện được như các hiện tượng thiên tai, chiến tranh, đình công, bạo động…..Các nhân tố này không chỉ làm thiệt hại cho người xuất khẩu, người nhập khẩu mà cả tới hoạt động tài trợ của ngân hàng.
- Yếu tố khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến các hoạt động và sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Các sản phẩm được phát triển đều dựa trên nhu cầu của khách hàng. Rủi ro đáng lo ngại nhất đối với ngân hàng là rủi ro đạo đức đến từ phía khách hàng.
1.4. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TÀI TRỢ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THEO PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TÍN DỤNG CHỨNG TỪ Ở MỘT SỐ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM