Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VIỆC RÈN LUYỆN KĨ NĂNG SỬ DỤNG KÊNH HÌNH, KÊNH CHỮ TRONG SGK ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU DẠY HỌC MÔN VẬT LÍ, NHẰM GÓP PHẦN PHÁT HUY TÍNH TỰ LỰC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIẾN THỨC CHO HS THPT
1.4. Tính tự lực học tập
Theo GS.TSKH. Thái Duy Tuyên “ Tính tự lực là một trong những phẩm chất trung tâm của nhân cách, thể hiện ở: Sự tự làm lấy, tự giải quyết lấy vấn đề, không a dua, không ỷ lại, nhờ cậy người khác. Sự tự làm lấy bắt đầu từ những việc đơn giản như tự uống, tự ăn, tự thu dọn đồ chơi..., nhưng tự lực làm hoàn chỉnh bắt đầu từ việc đặt mục đích, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, kiểm tra, đánh giá trên cơ sở sử dụng tối đa các kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo của mình với sự nỗ lực tối đa về trí tuệ, tâm hồn thể lực và ý chí nhằm đạt mục đích đề ra và thỏa mãn yêu cầu xã hội” [30].
1.4.2. Những biểu hiện của tính tự lực của HS THPT
Tính tự lực cao của người học: Quá trình học tập là quá trình tự điều khiển, HS cần tự lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, tự điều khiển và kiểm tra, GV đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn.
Theo GS.TSKH. Thái Duy Tuyên “ Tính tự lực của HS THPT biểu hiện ở sự khao khát chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng, tự khẳng định mình trong tập thể trong hoạt động lao động, học tập, giao tiếp và trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống” [30]:
v Nguyện vọng giải quyết các nhiệm vụ hoạt động một cách độc lập Nguyện vọng này giúp HS hoạt động tích cực trong thời gian dài, đòi hỏi ở HS khả năng tập trung chú ý cao độ. Đó cũng là biểu hiện của nhu cầu tự khẳng
định mình là kết quả của quá trình nhận thức về giá trị tự lực và rèn luyện thói quen tự lực.
v Có kĩ năng thực hiện hoạt động tự lực
- Kĩ năng thực hiện hoạt động theo sáng kiến của mình, nhận thức sự cần thiết tham gia vào hoạt động này hay hoạt động khác.
- Kĩ năng thực hiện các các công việc quen thuộc không có sự đòi hỏi giúp đỡ từ xung quanh hoặc sự kiểm tra từ GV.
- Kĩ năng thực hiện hành động có ý thức trong những tình huống có sẵn theo yêu cầu của GV và tuân thủ những điều kiện hoạt động nhất định (hành động theo chỉ dẫn, theo mẫu...).
- Kĩ năng thực hiện hoạt động trong những điều kiện mới (tự đặt mục đích, thực hiện và lập kế hoạch đơn giản...).
- Kĩ năng di chuyển cách thức hoạt động đã biết vào hoàn cảnh mới, tổng hợp chúng và phân loại chúng theo kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo đã có, thể hiện cách làm sáng tạo.
- Kĩ năng tự kiểm tra đánh giá sản phẩm, hoạt động ở mức độ đơn giản.
v Có sự nỗ lực của ý chí
Quá trình hoạt động tự lực đòi hỏi ở HS sự căng thẳng của hoạt động trí tuệ và thể lực, kĩ năng biết vượt khó khăn bên trong và bên ngoài để đạt mục đích. Nếu không có sự nỗ lực của ý chí, HS khó thành công trong việc đạt mục đích. Vì vậy, sự nỗ lực của ý chí là biểu hiện cơ bản tính tự lực thể hiện ở kĩ năng biết vượt khó khăn để đạt mục đích.
v Có niềm tin vào bản thân (sự tự tin)
Niềm tin vào bản thân là sự kết tinh những hiểu biết và tình cảm của bản thân, là sự tin tưởng vào năng lực của mình khi hành động. Niềm tin tạo cho HS nghị lực, ý chí để hành động, tạo cho trẻ tính kiên định khi hành động, giúp HS có nhu cầu, trạng thái hành động dưạ trên năng lực bản thân, tin tưởng, yêu quý trân trọng mình. Sự tự tin quyết định tính nguyên tắc và tính kiên định trong suốt quá trình hành động. Tự tin thể hiện ở yêu cầu cao đối với bản thân trong quá trình hành động.
Có hai loại tự tin:
- Loại tự tin bên trong (nội tâm) đem lại cho trẻ cảm giác hoàn toàn yên tâm về mình, không có những mặc cảm về mình trong quá trình hoạt động.
- Loại tự tin bên ngoài thể hiện ở phong cách đi lại, ứng xử đĩnh đạc, đàng hoàng, không rụt rè, sợ sệt.
Các yếu tố tạo nên sự tự tin ở HS là:
Đánh giá cao về bản thân; hiểu rõ bản thân; có mục tiêu rõ ràng trong hoạt động và dễ dàng lựa chọn mục đích hoạt động; hành động dứt khoát, quyết đoán; sống lạc quan, yêu đời.
v Có biểu hiện mang tính sáng tạo
Đó là những biểu hiện tìm tòi, sáng tạo nên những cái mới, cái độc đáo trong hoạt động dựa trên những kiến thức, kĩ năng mà HS đã có. Ở đây có biểu hiện của tư duy, của trí tưởng tượng, của xúc cảm, của nhu cầu vươn tới cái mới nằm ngoài những cái đã có sẵn, vượt qua ngoài những nhiệm vụ mà GV đã đề ra.
1.4.3. Những biện pháp phát huy tính tự lực trong hoạt động nhận thức của HS
Theo GS.TS. Nguyễn Đức Thâm: Để nâng cao tính tự lực trong hoạt động nhận thức của HS, GV cần chú ý các biện pháp sau [26]:
v Tạo mâu thuẫn nhận thức, gợi động cơ, hứng thú tìm ra cái mới (xây dựng tình huống có vấn đề): GV có thể gợi động cơ hứng thú học tập bằng cách tác động bên ngoài như khen thưởng, hứa hẹn một viễn cảnh tương lai tốt đẹp. Nhưng quan trọng nhất là kích thích bên trong bằng mâu thuẫn nhận thức, mâu thuẫn giữa nhiệm vụ mới cần phải giải quyết và khả năng hiện có của HS còn bị hạn chế, chưa đủ, cần phải cố gắng vươn lên tìm kiếm một giải pháp mới, kiến thức mới. Việc thường xuyên tham gia vào giải quyết những mâu thuẫn nhận thức này sẽ tạo ra thói quen, lòng ham thích hoạt động trí óc có chiều sâu, tự giác, tích cực.
v Tạo môi trường sư phạm thuận lợi cho HS chủ động, tự lực tham gia vào quá trình nhận thức: HS từ lâu đã quen học thụ động, ít tự lực suy nghĩ, cho nên trong thời gian đầu thường rụt rè, lúng túng, chậm chạp và phạm sai lầm khi
thực hiện các hành động học tập. GV cần biết chờ đợi, động viên, giúp đỡ và lãnh đạo lớp học sao cho HS mạnh dạn tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến riêng của mình, nêu thắc mắc, lật ngược vấn đề, chứ không phải chờ đợi sự phán xét của GV.
v Lựa chọn một lôgic nội dung bài học thích hợp: Phân chia bài học thành những vấn đề nhỏ, vừa sức với trình độ xuất phát của HS sao cho HS có thể tự lực giải quyết được với sự cố gắng vừa phải. Về phía GV, cần phải có sự lựa chọn kĩ lưỡng một số vấn đề vừa sức và xác định mức độ mà HS có thể tham gia trong việc giải quyết từng vấn đề cụ thể.
v Rèn luyện cho HS kĩ năng thực hiện một số thao tác cơ bản: Gồm thao tác tay chân như quan sát, lắp rắp thí nghiệm... và thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa, cụ thể hóa...GV có thể hướng dẫn HS thao tác tư duy bằng cách đưa ra những câu hỏi mà HS muốn trả lời được thì phải thực hiện một thao tác tư duy nào đó.
v Cho HS làm quen với các phương pháp nhận thức Vật lí được sử dụng phổ biến: Muốn cho HS làm quen với phương pháp đi tìm chân lí mới trong quá trình học tập, nhất thiết phải dạy cho các em phương pháp nhận thức phổ biến.
Trong nhà trường phổ thông hiện nay, những phương pháp nhận thức phổ biến hay dùng là: Phương pháp thực nghiệm, phương pháp tương tự, phương pháp mô hình, phương pháp thí nghiệm lí tưởng.
v Sử dụng các hình thức tổ chức dạy học khác nhau: Kết hợp xen kẽ nhiều hình thức tổ chức dạy học như làm việc cá nhân, hoạt động nhóm, đôi bạn, tập thể lớp.
Đảm bảo hỗ trợ đúng mức (các HS trong nhóm hỗ trợ nhau và hỗ trợ từ phía GV) v Phạm vi tự do sáng tạo: HS được lựa chọn hoạt động, đánh giá hoạt động, quyết định quá trình thực hiện. GV động viên, khuyến khích các em tự mình giải quyết vấn đề.
v Sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại: Máy vi tính, máy chiếu, phim học tập, phần mềm dạy học, mô hình, tranh ảnh...