Nhận xét chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác cấp GCNQSD đất của thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2013. (Trang 39 - 42)

Phần 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1.3. Nhận xét chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

Từ việc phân tích khái quát những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của thị trấn, có thể thấy những thuận lợi và khó khăn chủ yếu như sau:

* Thuận lợi:

Với sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân trong toàn thị trấn đã giành được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng để thị trấn Tà Lùng phát triển mạnh mẽ hơn.

- Kinh tế có bước tăng trưởng khá, vượt mức chỉ tiêu Đại hội lần thứ XIII đề ra, với mức tăng trưởng bình quân đạt 18,3%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng kinh tế nông, lâm nghiệp có chiều hướng giảm, kinh tế công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ có chiều hướng tăng.

- Lợi thế lớn nhất của thị trấn Tà Lùng là gần ngay cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tạo nên sự giao lưu kinh tế đối ngoại, trao đổi hàng hóa và tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế thương mại, các hoạt động kinh doanh và dịch vụ du lịch trên địa bàn.

- Thị trấn Tà Lùng có điều kiện để phát huy tiềm năng, thế mạnh về kinh tế cửa khẩu, kinh tế công nông nghiệp mía đường, kinh tế đồi rừng.

- Các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm tạo điều kiện về lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực phát triển toàn diện.

- Vùng mía nguyên liệu của thị trấn luôn được duy trì ổn định với diện tích khoảng 650 ha, với năng suất ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng vào việc ổn định nguồn nguyên liệu cho nhà máy đường hoạt động.

- Đất đai màu mỡ thuận lợi cho việc trồng một số cây công nghiệp như:

đỗ tương, dưa hấu, mía, sắn, hồi và một số cây ăn quả như nhãn, vải…

- Điều kiện khí hậu đa dạng, phù hợp với khả năng phát triển toàn diện Lâm - Nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến theo hệ sinh thái đa dạng của miền núi.

- Văn hóa - xã hội đã có chuyển biến tích cực. Chất lượng dạy và học ngày càng được cải thiện; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

- Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được bảo đảm; an ninh biên giới và chủ quyền lãnh thổ Quốc gia được giữ vững;

quan hệ đối ngoại được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

- Người dân Tà Lùng có truyền thống cần cù lao động, gắn bó với mảnh đất biên giới, trong cơ chế đổi mới đã thể hiện tính năng động, nhạy bén theo yêu cầu thị trường và trong tiếp thu khoa học - công nghiệp mới.

* Khó khăn:

- Là một thị trấn miền núi, biên giới, cách xa Trung ương và các tỉnh phía sau, kể cả các thị trường trọng điểm của Trung Quốc nên có nhiều hạn chế, thách thức trong việc tiếp cận và giao lưu kinh tế, khoa học - công nghệ, cũng như sự thu hút đầu tư từ bên ngoài.

- Tài nguyên khoáng sản không đáng kể đã hạn chế đến phát triển công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Mặt khác tình trạng suy giảm tài nguyên rừng và môi trường sinh thái cũng gây trở ngại cho sự phát triển.

- Xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của thị trấn thấp, tốc độ tăng trưởng chậm, kinh tế hàng hóa chưa phát triển, cơ cấu kinh tế của thị trấn còn nặng về nông nghiệp. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp còn phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện tự nhiên, trình độ thâm canh còn thấp. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ và công nghiệp thô sơ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu.

- Nguồn nước khá phong phú, nhưng không có khả năng tưới tự chảy cho sản xuất Nông - Lâm nghiệp là vấn đề khó khăn cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.

- Nguồn lao động có chất lượng thấp, trình độ chuyên môn và khả năng tiếp cận với kỹ thuật công nghiệp còn hạn chế. Thiếu một số đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, kỹ thuật có đủ trình độ quản lý và điều hành nền kinh tế đang chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Thị trấn Tà Lùng là thị trấn miền núi, biên giới, yêu cầu đảm bảo an ninh - quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ môi trường là những khó khăn thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác cấp GCNQSD đất của thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2013. (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(59 trang)