CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1.1 NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1.1.1 Khái niệm về doanh nghiệp
Doanh nghiệp có thể được hiểu một cách chung nhất là một tổ chức kinh tế được thành lập nhằm sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ trên thị trường.
Khoản 1 và 2 Điều 4 Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 thì doanh nghiệp được hiểu như sau: Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Từ khái niệm trên chúng ta thấy: trước hết doanh nghiệp phải là chủ thể kinh tế độc lập, có hoặc không có tư cách pháp nhân, có tên gọi và hoạt động với danh nghĩa riêng, thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường và chịu trách nhiệm độc lập về mọi hoạt động kinh doanh của mình.
Thứ hai, tùy theo mục đích thành lập doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp có mục đích hoạt động khác nhau nhưng trừ một số ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích còn mục đích của các doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận.
Trong nền kinh tế thị trường có nhiều loại hình doanh nghiệp cùng tồn tại, phát triển và cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, người ta thường dựa theo những tiêu thức khác nhau để phân loại các doanh nghiệp.
Dựa vào quan hệ sở hữu về vốn và tài sản, các doanh nghiệp được chia thành: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp tư nhân.
- Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước thành lập, đầu tư vốn và quản lý.
- Doanh nghiệp cổ phần là các doanh nghiệp có sự đan xen của các hình thức sở hữu khác nhau trong cùng một doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp do cá nhân đầu tư vốn và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cách phân loại này chỉ rõ quan hệ sở hữu vốn và tài sản trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đồng thời là một trong những căn cứ để nhà nước có chính sách kinh tế và định hướng phát triển phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp.
Dựa vào mục đích kinh doanh, người ta chia doanh nghiệp thành doanh nghiệp hoạt động kinh doanh (vì mục tiêu lợi nhuận) và doanh nghiệp hoạt động công ích (không vì mục tiêu lợi nhuận).
- Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh là những doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo cơ chế thị trường với mục tiêu là thu lợi nhuận.
- Doanh nghiệp hoạt động công ích (thông thường là các doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước) là doanh nghiệp thành lập để thực hiện các hoạt động sản xuất, lưu thông hay cung ứng các dịch vụ công cộng, trực tiếp thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước hoặc thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Mục đích chính của các doanh nghiệp này là hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội nói chung.
Việc phân loại theo cách này là cơ sở để chọn tiêu thức đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và là căn cứ quan trọng để xác định chính sách tài trợ của Nhà nước.
Dựa vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp có thể được chia thành: doanh nghiệp tài chính và doanh nghiệp phi tài chính.
- Doanh nghiệp tài chính là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, là các tổ chức tài chính trung gian như các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các công ty bảo hiệm v.v… Những doanh nghiệp này cung ứng cho nền kinh tế các dịch vụ tài chính, tiền tệ, bảo hiểm v.v.
- Doanh nghiệp phi tài chính là các doanh nghiệp lấy hoạt động sản xuất kinh doanh các hàng hóa và dịch vụ thông thường là chủ yếu.
Việc phân loại theo tiêu thức này nhằm chỉ ra được chức năng chủ yếu của từng loại doanh nghiệp. Chức năng chủ yếu của các doanh nghiệp tài chính là làm môi giới thu hút vốn, biến tiết kiệm thành đầu tư trong nền kinh tế, còn các doanh nghiệp phi tài chính có chức năng chủ yếu là cung cấp các sản phẩm hàng hóa dịch vụ phi tài chính để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Điều đó giúp Nhà nước có căn cứ để hoạch định các chính sách quản lý phù hợp với mỗi loại hình doanh nghiệp. Ví dụ: các doanh nghiệp phi tài chính thì hoạt động theo luật doanh nghiệp hay Luật doanh nghiệp Nhà nước, còn các doanh nghiệp tài chính thì hoạt động theo luật ngân hàng và các tổ chức tài chính. Tuy nhiên cách phân loại này cũng chỉ mang tính chất tương đối vì trong điều kiện thị trường bản thân các doanh nghiệp phi tài chính nhưng vẫn có thể cho các doanh nghiệp khác hoặc cá nhân vay tiền bằng cách bán chịu hàng hóa, các doanh nghiệp tài chính vẫn thành lập các công ty độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
Dựa vào quy mô kinh doanh người ta chia doanh nghiệp thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ.
Việc quy định tiêu thức như thế nào là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa là tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng nước trong từng giai đoạn cụ thể.
Thông thường những tiêu thức được lựa chọn là: Số lượng cán bộ công nhân viên bình quân, vốn đầu tư, tổng tài sản, doanh thu tiêu thụ. Riêng ở Việt Nam hiện nay thì căn cứ vào hai tiêu thức là số lao động làm việc bình quân và tổng nguồn vốn để phân loại doanh nghiệp thành siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
Việc phân loại theo tiêu thức này nhằm giúp cho Nhà nước có những chiến lược và những chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội cụ thể, đặc biệt là trong lúc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như lạm phát, khủng hoảng ….