ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Một phần của tài liệu Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Trang 150 - 153)

CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

3.1 ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất thiếu vốn, thêm vào đó là sức ép cạnh tranh từ hội nhập kinh tế quốc tế lại càng làm gia tăng nhu cầu vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, để các DNNVV phát huy tốt vai trò của mình thì việc Nhà nước ta có những định hướng và chính sách phát triển hệ thống tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là điều hết sức cần thiết. Các chính sách đó phải chú trọng việc khai thác và huy động hợp lý các nguồn vốn, điều mà luôn được coi là một nhiệm vụ trung tâm, một ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh chưa có sự định hướng phát triển tín dụng của các ngân hàng TMCP đối với các DNNVV, mà chỉ có định hướng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp này. Do đó, để tìm hiểu về định hướng phát triển tín dụng của các ngân hàng TMCP đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Luận án trích dẫn định hướng của một số ngân hàng TMCP có qui mô lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam năm 2010 thì Ngân hàng có kế hoạch phát triển hoạt động tín dụng năm 2011: “Thường xuyên phân tích đánh giá khách hàng có nhu cầu vay vốn trên địa bàn, chủ động tìm kiếm phương án, dự án, các khách hàng tốt. Một mặt quan tâm đến phát triển cho vay tiêu dùng, các sản phẩm cho vay đối với

Khách hàng cá nhân, mặt khác đẩy mạnh cho vay đối với các chương trình tín dụng mục tiêu của VietinBank bao gồm: cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, đạt mục tiêu đã đề ra” (Trích báo cáo thường niên năm 2010). Qua đó, cho thấy hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là định hướng chương trình mục tiêu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam năm 2010 thì Ngân hàng có định hướng hoạt động tín dụng năm 2011 là

“Duy trì cơ cấu tín dụng hợp lý, cân đối với khả năng nguồn vốn; Chủ động đánh giá khách hàng có nhu cầu vay vốn trên địa bàn, lựa chọn tìm kiếm các phương án, dự án, khách hàng vay tốt. Ưu tiên cho vay các chương trình tín dụng: phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hạn chế cho vay phi sản xuất” (Trích báo cáo thường niên năm 2010).

Là một ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam hiện nay, trong định hướng hoạt động tín dụng của mình, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cũng đã chỉ rõ một trong những mục tiêu ưu tiên hoạt động cho vay của mình cũng nhằm vào đối tượng các DNNVV.

Với định hướng đa dạng hóa sản phẩm và hướng đến khách hàng để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hiện đang thực hiện đầy đủ các chức năng của một ngân hàng bán lẻ.

Danh mục sản phẩm của ACB rất đa dạng tập trung vào các phân đoạn khách hàng mục tiêu, bao gồm cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBANK) cho biết, để tiếp cận nguồn vốn tại ABBANK, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần đáp ứng điều kiện có vốn điều lệ không vượt quá 10 tỷ đồng và số lao động bình quân dưới 300 người. Theo đó, ABBANK sẽ dành hạn mức 15.000 tỷ đồng để tài trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo bà Đỗ Thu Ngân, Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính (CTTC) Ngân hàng Sacombank (SacombankLeasing), so với trước đây, hiện Việt Nam có kênh giúp các doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả là phát hành trái phiếu, cổ phiếu qua Thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả doanh nghiệp đều có điều kiện huy động vốn qua kênh này, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vững mạnh, trở thành công ty đại chúng để huy động vốn qua TTCK, trước hết phải giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay phát triển quy mô và hoạt động, trong đó CTTC là một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, ngày 17/3/2010, Ban Quản lý các Dự án Tín dụng Quốc tế ODA, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 17 định chế tài chính là các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần đã tiến hành ký kết thỏa thuận khung về cho vay lại Dự án Tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn III (SMEFP III) với tổng số vốn tín dụng là 15 tỷ Yên. Dự án SMEFP do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã triển khai từ năm 2003 qua 2 giai đoạn với số vốn trung và dài hạn tương đương trên 9 tỷ Yên. Tiếp theo sự thành công của SMEFP I, II, SMEFP III có số vốn khá lớn so với 2 giai đoạn trước đó; số các định chế tài chính đủ điều kiện tham gia cũng được mở rộng từ 9 tổ chức (SMEFP II) lên 17 tổ chức. Mục tiêu chính của dự án là thông qua các định chế tài chính kể trên sẽ cung cấp vốn vay trung và dài hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, thông qua các trợ giúp kỹ thuật cho Ngân hàng Nhà nước và các định chế tài chính tham gia, dự án cũng góp phần tăng cường năng lực tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các tổ chức này. Trên cơ sở đó, thực hiện chiến lược phát triển ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Trang 150 - 153)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)