Việc phân loại doanh nghiệp và quy định địa vị pháp lý cho từng loại hình doanh nghiệp trong hệ thống pháp luật là vô cùng quan trọng. Đó chính là cơ sở để nhà đầu tư có thể căn cứ lựa chọn cho mình một hình thức hoạt động kinh doanh phù hợp và hiệu quả. Mỗi một loại hình doanh nghiệp đều có những ưu thế và hạn chế nhất định. Tuỳ theo khả năng, sở trường, lĩnh vực kinh doanh, quan hệ đối tác, nhu cầu huy động vốn… mà nhà đầu tư có thể lựa chọn loại hình hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH hay công ty cổ phần để thành lập. Việc quy định cụ thể từng loại hình trong Luật Doanh nghiệp tác động rất lớn không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà còn đối với cả các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam. Các quy định này sẽ là động lực thúc đẩy thu hút đầu tư nếu nó phù hợp với thông lệ quốc tế, được nhiều nước chấp nhận và ngược lại nó sẽ cản trở quá trình hợp tác quốc tế nếu như có sự khác biệt quá lớn giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là khi phải giải quyết những tranh chấp phát sinh.
Về cơ bản sự phân chia các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam so với các nước là tương đồng. Luật Doanh nghiệp 2005 của Việt Nam điều chỉnh 4 loại hình: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần và công ty TNHH thì luật các nước đều có các loại hình này và về bản chất của từng loại hình cũng được xác định tương đối giống với Việt Nam. Đây cũng chính là những loại hình kinh doanh truyền thống mà pháp luật các nước đều có sự điều chỉnh từ rất sớm. Tuy nhiên, trong mỗi loại hình pháp luật của từng nước lại có
sự phân loại khá đa dạng và phức tạp. Đây chính là điểm mà các nhà làm luật của Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật thành lập doanh nghiệp của nước nhà nhằm đáp ứng sự phát triển ngày càng đa dạng, phức tạp các loại hình doanh nghiệp hiện đại.
Công ty là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, xuất hiện do nhu cầu tập trung vốn của nhiều người để cạnh tranh, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh và chia xẻ những rủi ro trong kinh doanh. Không phải ngẫu nhiên mà các nước như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan… chia hợp danh ra làm hai loại:
hợp danh thông thường và hợp danh hữu hạn; không phải ngẫu nhiên mà Mỹ, Singapore lại chia công ty cổ phần ra làm hai loại: công ty cổ phần công cộng (Public stock companies) hay công ty chứng khoán và công ty cổ phần tư nhân (Private stock companies). Không phải ngẫu nhiên mà Luật Singapore quy định có 3 hình thức công ty TNHH: Công ty trách nhiệm hữu hạn theo cổ phiếu, công ty trách nhiệm hữu hạn theo bảo lãnh; công ty trách nhiệm vô hạn và Trung Quốc cũng có tới 3 loại hình công ty TNHH: công ty TNHH thông thường, công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH nhà nước. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Pháp có tới 3 loại công ty cổ phần: công ty cổ phần, công ty hợp vốn cổ phần, công ty cổ phần đơn giản. Có phải các nước đã phức tạp hóa sự phân loại các loại hình doanh nghiệp hay không? Sự phát triển của mọi sự vật, hiện tượng trong đó có pháp luật không nằm ngoài sự phản ánh tự nhiên, xã hội và tư duy. Ở các nước có nền văn hoá pháp lý phát triển, bên cạnh những quy định tồn tại rất lâu đời, có sức khái quát cao thì cũng lại có những quy định rất chi tiết, cụ thể, chuyên biệt và dễ dàng thực hiện. Khi trình độ kinh tế phát triển đến một mức nào đó thì các loại hình doanh nghiệp sẽ càng đa dạng, phong phú hơn, đòi hỏi sự điều chỉnh cụ thể của pháp luật.
Luật Doanh nghiệp 2005 của nước ta ngoài việc phân chia công ty
TNHH thành hai loại: TNHH một thành viên và TNHH từ hai thành viên trở lên thì các loại hình còn lại như hợp danh, công ty cổ phần không có sự phân loại nào. Chính điều này đôi khi dẫn tới sự không rõ ràng và bất hợp lý trong cơ chế điều chỉnh cho từng loại hình. Có thể thấy ngay sự bất hợp lý này trong quy định về hợp danh của Luật Doanh nghiệp 2005. Chính vì không phân chia thành hai loại hợp danh nên Luật Doanh nghiệp 2005 đã gộp chung khi định nghĩa về công ty hợp danh: “là một loại hình doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn”[35]. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Quyền quản lý công ty hợp danh chỉ thuộc về các thành viên hợp danh, thành viên góp vốn không có quyền quản lý… Quy định này vừa thiếu lại vừa không rõ ràng, chưa cho thấy được sự khác biệt của loại hình hợp danh hữu hạn mà lại lẫn lộn sang loại hình công ty hợp vốn đơn giản.
Những năm gần đây, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt các công ty cổ phần lớn nhỏ, các công ty đua nhau niêm yết trên thị trường chứng khoán, điều đó cho thấy tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế nước nhà đang đà đi lên trong quá trình hội nhập. Nhưng đó cũng chính là những thách thức đối với các quy định pháp luật vẫn còn nặng về luật khung của Việt Nam, chưa kể sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa hàng loạt văn bản pháp luật ra đời một cách bị động và đối phó. Những quy định rất chung chung về công ty cổ phần (trong đó có quy định về thành lập công ty cổ phần) đã không thể điều chỉnh một cách kịp thời và đầy đủ đối với một công ty cổ phần sẵn sàng niêm yết ngay sau khi thành lập. Luật chứng khoán đã phải quy định bổ sung một số lĩnh vực lẽ ra của luật
doanh nghiệp. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã phải ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán (Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC) để cụ thể hơn một bước và mang tính hướng dẫn thực hiện các quy định mà Luật Doanh nghiệp 2005 chưa đề cập hoặc quy định chung chung. Vậy thì một câu hỏi được đặt ra liệu sự phân chia thành hai loại công ty cổ phần công và tư, tức là có và không phát hành cổ phiếu ra công chúng như một số nước có cơ sở khoa học để áp dụng tại Việt Nam hay không?
Ngoài những điểm chung của tổ chức kinh doanh, mỗi loại hình doanh nghiệp đều có một địa vị pháp lý nhất định, có những quyền và nghĩa vụ phù hợp. Chính sự khác biệt trong cơ cấu tổ chức, hình thức hoạt động của từng loại hình công ty là yếu tố quyết định quyền và nghĩa vụ của mỗi loại hình công ty. Đều là công ty cổ phần nhưng một công ty không hoặc chưa niêm yết, hoạt động với quy mô nhỏ với vài ba cổ đông sáng lập sẽ khác với một công ty sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng cách huy động vốn qua phát hành cổ phiếu tới hàng trăm cổ đông.
Có thể có quan điểm phản bác cho rằng, trước đây chúng ta đang quy định mỗi loại hình doanh nghiệp ở các luật riêng lẻ, sau đó nhập vào một luật đã được coi là một nỗ lực rất lớn của các nhà làm luật, vậy thì việc khuyến nghị quy định cụ thể về thành lập cho từng loại hình phải chăng là đi ngược lại sự phát triển? Có thể thấy rằng, trước đây các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thành lập, đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung còn đơn giản nhưng ngày nay, các quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức của các doanh nghiệp, nhất là các loại hình công ty đã trở nên phức tạp hơn nhiều và điều này khẳng định việc tách các loại hình công ty để điều chỉnh một cách đầy đủ, "đến nơi đến chốn" là rất cần thiết, đặc biệt là trong việc đăng ký thành lập [19]. Nếu quy định quá cụ thể chi tiết, thậm chí liệt kê
dẫn đến vừa dài mà lại thiếu là không nên nhưng quy định quá chung chung dẫn đến khó thực hiện, dẫn đến khó có thể cải tiến được tình trạng luật khung lại là điều cần hạn chế. Vì vậy, việc pháp luật nhiều nước trong mỗi loại hình doanh nghiệp lại có sự phân loại cụ thể thậm chí còn tách ra thành các luật riêng điều chỉnh với những quy chế riêng nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của từng loại doanh nghiệp tạo điều kiện dễ dàng cho nhà đầu tư lựa chọn và hình dung cách thức tổ chức, quản lý kinh doanh cũng như quyền, nghĩa vụ của mình ngay từ khi thành lập, trong việc chuẩn bị hồ sơ, tiến hành các thủ tục thành lập cũng là một kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện Luật Doanh nghiệp.