Quy định về đăng ký và bảo lưu tên gọi trong thủ tục thành lập doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu so sánh pháp luật về thành lập doanh nghiệp (Trang 102 - 105)

3.3. Quy định về đăng ký và bảo lưu tên gọi trong thủ tục thành lập doanh nghiệp

Tên gọi là tài sản vô hình của một doanh nghiệp. Khi chuẩn bị thành lập doanh nghiệp nhà đầu tư luôn chú trọng đến việc tìm kiếm cho mình một tên gọi phù hợp và tên gọi ấy luôn ẩn chứa trong nó những ý nghĩa nhất định, có thể là tên của chính chủ nhân doanh nghiệp, có thể gắn liền với loại sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp… Và cho dù hàm chứa một ý nghĩa nào đi chăng nữa thì tên gọi ấy cũng nhằm mục đích tạo ấn tượng với khách hàng, tạo thương hiệu cho doanh nghiệp. Tuy

nhiên, tên gọi của một doanh nghiệp không chỉ nhằm thoả mãn những ý muốn chủ quan của chủ doanh nghiệp mà phải đáp ứng những tiêu chí nhất định do Nhà nước đặt ra để tránh vi phạm truyền thống lịch sử, thuần phong mỹ tục, sự trùng lặp hay dễ gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác đã đăng ký. Chính vì vậy, việc xét duyệt tên gọi của doanh nghiệp là một trong những thủ tục bắt buộc mà hầu hết pháp luật các nước đều quy định.

Pháp luật Việt Nam quy định khá cụ thể và chi tiết về tên gọi của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2005, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và đặc biệt Nghị định 43/2010/NĐ-CP vừa mới được Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 4 năm 2010 đã cụ thể hơn về tên doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn đều không quy định vấn đề đăng ký trước và bảo lưu tên gọi giống như pháp luật của nhiều nước như Mỹ, Singapore, Malaysia…

Pháp luật của những nước này quy định rất cụ thể về việc đăng ký và bảo lưu tên gọi trong một khoảng thời gian nhất định trong khi làm các thủ tục khác.

Người tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp làm đơn xin cơ quan đăng ký chấp nhận và bảo lưu tên doanh nghiệp với điều kiện phải trả một khoản lệ phí. Thậm chí, pháp luật Mỹ còn cho phép trong trường hợp lưu giữ tên lâu dài thì có thể thành lập công ty không có người hoạt động kinh doanh để lưu giữ tên đó. Những quy định này cho thấy vấn đề tên doanh nghiệp được các nước đặc biệt coi trọng.

Đối với chủ thể đăng ký thành lập doanh nghiệp, việc đăng ký trước và bảo lưu tên gọi đem lại lợi ích rất lớn. Thông thường, những thủ tục chuẩn bị thành lập doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian và không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Từ khi có ý tưởng kinh doanh và lựa chọn loại hình doanh nghiệp thành lập, việc nghiên cứu về thủ tục thành lập, rà soát các điều kiện thành lập, họp thống nhất giữa các sáng lập viên rồi chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để đăng ký tại cơ quan

nhà nước có thẩm quyền là một quá trình với rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nếu như chờ đợi xong tất cả những công đoạn này thì có thể cái tên mà nhà đầu tư lựa chọn từ đầu đã bị doanh nghiệp khác chọn mất rồi, chưa kể đến việc rò rỉ thông tin trong quá trình chuẩn bị thành lập đã tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh chiếm mất tên dự kiến và điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, như đã phân tích ở trên, tên gọi là tài sản vô hình, nó có thể chứa đựng những giá trị rất lớn đối với nhà đầu tư khi tham gia thương trường. Và khoản lệ phí cho việc đăng ký và bảo lưu tên sẽ không đáng kể gì so với những thiệt hại có thể xảy ra nếu không giữ được tên mình đã lựa chọn.

Đăng ký và bảo lưu tên gọi còn giúp chủ thể thành lập doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian dành cho các thủ tục khác. Trong khi đồng thời tiến hành các công việc chuẩn bị thì nhà đầu tư nộp đơn đăng ký và bảo lưu tên chứ không chờ đợi đến khi hoàn tất các công việc của giai đoạn chuẩn bị đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Pháp luật Việt Nam về thành lập doanh nghiệp quy định việc xét duyệt tên gọi của doanh nghiệp tiến hành cùng với việc xét duyệt hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mà không tách riêng thành một thủ tục độc lập. Mặc dù trước đó chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể tra cứu, tham khảo tên các doanh nghiệp đang hoạt động tuy nhiên tên doanh nghiệp lựa chọn chưa chắc đã thoả mãn tất cả các yêu cầu luật định. Nếu tên gọi mà doanh nghiệp lựa chọn không đáp ứng những tiêu chuẩn thì cơ quan ĐKKD sẽ trả lại hồ sơ (coi như hồ sơ chưa hợp lệ) doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn tên lại từ đầu và khoảng thời gian đó sẽ không được tính vào thời gian xét duyệt và cấp phép. Điều này vừa mất thời gian cho doanh nghiệp vừa gây khó khăn trong cơ quan ĐKKD trong quản lý, xét duyệt hồ sơ.

Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời trong bối cảnh cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chưa hoàn thiện, việc đăng ký qua mạng chưa được áp

dụng nên việc đăng ký và bảo lưu tên gọi khó có thể áp dụng. Nhưng cùng với việc ra đời Nghị định 43/2010/NĐ-CP và việc chính thức đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ứng dụng trên toàn quốc, vấn đề trùng tên, tên gây nhầm lẫn trong phạm vi toàn quốc sẽ dần được xử lý, việc đăng ký qua mạng sẽ phát triển và đây cũng chính là cơ sở cho các quy định về đăng ký và bảo lưu tên gọi trong luật của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu so sánh pháp luật về thành lập doanh nghiệp (Trang 102 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)