Người kết nối nguồn lực (người môi giới)

Một phần của tài liệu Vai trò của câu lạc bộ giáo dục chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi tại cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp Chi hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Đông A- Nam Định) (Trang 88 - 91)

CHƯƠNG 2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

2.2. Vai trò nhân viên công tác xã hội của Chi hội trưởng trong hoạt động của câu lạc bộ

2.2.4. Người kết nối nguồn lực (người môi giới)

Nhân viên xã hội định hướng cho các thân chủ tiếp cận đến các dịch vụ xã hội hiện có hoặc hướng đến xây dựng các dịch vụ xã hội cho các thân chủ được gọi là người môi giới hay người kết nối nguồn lực. Nhân viên sẽ dựa vào nhu cầu của thân chủ và tìm các nguồn lực hỗ trợ phù hợp và kết nối họ với các nguồn lực đó.

Trong suốt quá trình hoạt động của chi hội, chi hội trưởng đã tìm kiếm những nguồn lực trợ giúp rất nhiều mặt. Chi hội trưởng là người tìm đến với các nhà hảo tâm, các công ty, các đơn vị để xin tài trợ cho các hoạt động của chi hội nói chung và của các CLB nói riêng. Ngoài việc đi xin tài trợ để có tiền triển khai hoạt động thì chi hội trưởng đôi khi còn bỏ tiền của mình ra để ủng hộ hoạt động ủa chính Chi hội và câu lạc bộ mình. Điều đó đã thể hiện việc quan tâm và nhiệt tình của Chi hội trưởng.

Theo chia sẻ của Chi hội trưởng: “Chính vì các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các mạnh thường quân khi cô đến đặt vấn đề thì họ biết là cô hoạt động từ thiện thì họ lại muốn đóng góp một cái gì đó để làm việc thiện này, giúp bà con tập luyện. Thế nên cô đi đến đơn vị nào cũng được tiền cả. Được tiền thì cô lo những công việc chung, gom lại mỗi nơi 1 ít cũng được 21 triệu thì đến hôm tổng kết 1 năm lại lo khánh tiết, hội trường rồi lo khen thưởng cá nhân và tập thể”. Điều này cho thấy rằng, hoạt động xin tài trợ của Chi hội trưởng đã đạt được kết quả khá tốt. Số tiền xin được đã phục vụ cho hoạt động tổng kết 1 năm hoạt động của Chi hội.

Bên cạnh việc đi xin tài trợ, chi hội trưởng còn tiến hành liên hệ, đặt vấn đề với Công ty Dược phẩm Đông Á để tổ chức các buổi tập huấn, tư vấn về CSSK và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường thường 1 năm thì có vài buổi giao lưu các bác sỹ đến tư vấn về sức khỏe, tư vấn về ăn uống, tư vấn về bệnh tật rồi tư vấn về dùng thuốc…Từ các buổi tư vấn như thế thì NCT trong các CLB có thể trang bị thêm cho mình những kiến thức cơ bản về CSSK… Một thành viên của câu lạc bộ đã chia sẻ rằng: “Từ khi tham gia chi hội là được chị Đ cho đi nghe tư vấn sức khỏe để giúp

89

cho chị em hiểu biết hơn và tự có thể khống chế được cái bệnh của mình. Ví dụ như huyết áp, tiểu đường hay những bệnh xã hội hay mắc thì chị em thấy được cách đề phòng và biết được cách CSSK như vậy”.

Bên cạnh việc hiểu hơn về các bệnh tật và cách phòng tránh bệnh cho mình, người cao tuổi cũng biết thêm về cách thức ăn uống hợp lý cho lứa tuổi của mình.“Chỗ cô Đ này có cái hay là cô cũng hay mời được những bác sỹ về có những buổi nói chuyện về sức khỏe. Cái đấy cũng rất cần cho người già. Nói thật ra nhiều khi đi đến nghe người ta nói thì mình mới à cái này mà mọi khi mình không biết. Ví dụ ngay chuyện ăn uống cũng thế, ăn nó phải đa dạng như thế nào chứ trước kia mình cứ đơn giản. Trong một bữa người ta yêu cầu mười mấy thứ thực phẩm chẳng hạn. Trước mình cứ tưởng tượng ăn thế thì mình ăn làm sao nhưng đến lúc nghe ra thì mình mới hiểu là không phải. Ví dụ trong cái rau, rau luộc, chanh, nước mắm, cái đấy cũng là mỗi thứ một thứ. Vì thế nó cũng không khó” (PVS nữ, 68 tuổi, CLB Hạ Long). Thông tin định lượng này cho thấy, hoạt động tư vấn về sức khỏe, về ăn uống đã đem lại lợi ích thiết thực cho các thành viên trong câu lạc bộ. Đối với người cao tuổi thì những vấn đề này càng cần thiết hơn trong cuộc sống.

Việc kết nối được các nguồn lực như trên sẽ giúp cho các thành viên câu lạc bộ có được những hỗ trợ đáng kể trong quá trình sinh hoạt. Những hỗ trợ đó dù là về vật chất hay tinh thần cũng sẽ giúp cho chi hội nói chung và các CLB trực thuộc nói riêng có thêm những điều kiện hoạt động tốt hơn, chăm lo đời sống của các thành viên tốt hơn.

Tiểu kết

Như vậy, qua việc các thành viên trong CLB đánh giá cùng với việc nhận định của bản thân Chi hội trưởng thì chúng ta có thể nhận thấy được những vai trò của Chi hội trưởng gần tương đồng với vai trò của nhân viên CTXH trong quá trình hoạt động của câu lạc bộ. Ở đây chi hội trưởng đã đóng các vai trò là người quản lý/

tổ chức, người giáo dục, người tạo điều kiện và người kết nối nguồn lực của nhân

90

viên CTXH. Mặc dù không được đào tạo về công tác xã hội một cách chuyên nghiệp bài bản nhưng qua góc nhìn của công tác xã hội thì Chi hội trưởng đã và đang làm khá tốt những nhiệm vụ, vai trò của một nhân viên công tác xã hội trong nhóm. Việc đứng đầu Chi hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Đông A, quản lý, điều hành các hoạt động tại chi hội cũng như các câu lạc bộ trực thuộc giúp cho Chi hội trưởng làm tốt vai trò của người quản lý/ tổ chức trong nhóm. Trong các hoạt động hướng dẫn tập luyện dưỡng sinh cho các câu lạc bộ trực thuộc, Chi hội trưởng không những mời giáo viên về hướng dẫn mà còn trực tiếp đứng lớp hướng dẫn cho mọi người. Bên cạnh đó, Chi hội trưởng cũng luôn luôn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân muốn tham gia chi hội hay giao lưu cùng chi hội. Việc tổ chức các hoạt động giao lưu cũng giúp cho các thành viên trong chi hội có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với những người bạn mới từ khắp nơi về. Ngoài ra, các hoạt động kết nối nguồn lực của Chi hội trưởng cũng đã đạt được hiệu quả khá cao với những ủng hộ về tiền mặt, những giúp đỡ về khám chữa bệnh giảm gia hay các hoạt động tư vấn về sức khỏe, về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các thành viên trong chi hội. Những hoạt động này của Chi hội trưởng cũng là một cơ sở để chúng ta có thể xây dựng vị trí nhân viên CTXH chuyên nghiệp trong các tổ chức, đơn vị hoạt động về lĩnh vực CSSK cho NCT trong tương lai.

Một phần của tài liệu Vai trò của câu lạc bộ giáo dục chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi tại cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp Chi hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Đông A- Nam Định) (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)